1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người Việt tại “rốn lũ” Lào: Ôm lấy nhau chuẩn bị cho cái chết...

(Dân trí) - Thấy nước dâng lên cao, gia đình tôi đã đập ngói, trèo lên mái nhà. Chúng tôi ôm lấy nhau để chuẩn bị cho cái chết đến vì ngôi nhà có thể bị lũ cuốn bất cứ lúc nào. May thay, sau khi lũ dữ quét qua, căn nhà vẫn trụ vững và chúng tôi ngồi trên nóc nhà cho đến khi được ứng cứu...

Cứ tưởng mình đã chết...

Theo chân Hội người Việt Nam tại tỉnh Attapeu, chúng tôi đã gặp những người Việt Nam tại vùng “rốn lũ” thuộc huyện Samaxay (Attapeu). Trên gương mặt của không ít người vẫn hiện rõ nét bần thần, lo lắng. Và hầu hết bà con vẫn đang phải sống tạm tại các nhà kiều bào người Việt gần huyện.

Người dân Việt Nam ở vùng "rốn lũ" kể lại giây phút kinh hoàng khi dòng lũ đi qua

Nhớ lại cái đêm kinh hoàng, khi cái sống và chết cận kề nhau, anh Trần Văn Biên (45 tuổi - ngụ bản May, huyện Samaxay) cho biết: “Lúc đó khoảng 9h đêm, nước bắt đầu dâng lên tầng 1. Khoảng vài phút sau thì nước và bùn đã ngập hết tầng 1 và dâng lên tầng 2 nên gia đình tôi phải đập lớp ngói để trèo lên nóc nhà. Nhìn qua, tôi thấy các nhà hàng xóm cứ lần lượt bị lũ cuốn trôi. Lúc đó, chúng tôi ôm lấy nhau như để chuẩn bị cho cái chết đến, vì ngôi nhà có thể bị lũ cuốn bất cứ lúc nào… Nhưng may thay, căn nhà vẫn trụ vững cho đến khi dòng lũ đi qua và chúng tôi ngồi trên nóc nhà cho đến trưa hôm sau”.

Anh Trần Văn Biên (Bản May) và gia đình đã may sống sót khi trận lũ quét qua
Anh Trần Văn Biên (Bản May) và gia đình đã may sống sót khi trận lũ quét qua

“Thấy chúng tôi và một số bà con đang ngồi trên nóc nhà, nhiều chiếc thuyền đã áp sát để cứu, nhưng vì dòng lũ chảy mạnh nên đều bị lật. May sao, có một chiếc thuyền đến tận chân nhà tôi, lúc đó tôi lấy sợi dây buộc vợ và con lại để tránh thất lạc rồi đẩy xuống thuyền đi trước…Đến tận chiều hôm sau tôi mới được giải cứu. Đợt lũ vừa qua, gia đình tôi trắng tay, gần cả tấn gạo bị nước cuốn trôi, tài sản cũng theo đó mà đi. Hiện tại, gia đình tôi đang sống nhờ tại nhà một người Việt Nam gần huyện…”, anh Biên kể lại.

Anh Trần Văn Biên cũng cho biết, anh có vợ và 1 con 4 tuổi. Vì điều kiện khó khăn nên vào năm 2014 gia đình anh đã chuyển sang Lào vào bản May để buôn bán. Tại đây, gia đình anh chị mưu sinh bằng nghề buôn bán, xay xát gạo. Cơn lũ đi qua, gia đình anh chị lâm vào tình cảnh “trắng tay” và hiện tại đang phải sống nhờ ở nhà người Việt gần đó.

Nhiều người Việt Nam may mắn thoát chết trong "gang tấc" sau vụ vỡ đập thủy điện tại Lào

Tương tự, gia đình chị Vi Thị Thoa (bản May) cũng gần với bờ vực cái chết khi cơn lũ đến. Chị Thoa kể lại: “Khi đó cũng là sinh nhật đứa con gái 6 tuổi của tôi. Gia đình vừa ăn cơm và tổ chức sinh nhật cho cháu rồi gọi điện về cho gia đình bên Việt Nam. Khoảng 9h tối, nước dâng lên đột ngột. Tôi nghĩ chỉ là mưa gió nên nước dâng nên dọn đồ lên gác. Một lúc sau, nước lên mạnh nên chồng tôi ôm đứa con sang nhà hàng xóm gửi, tôi thì thu dọn đồ lên nhà”.

“Nhưng nước càng ngày càng dâng cao, qua hết tầng một, nên tôi đập mái nhà để chui lên nóc. Suốt 2 ngày liên tục tôi nhịn đói ngồi trên nóc chờ cứu hộ. Đến chiều hôm qua, mới có thuyền cứu hộ, nhờ vậy mà tôi và chồng, con đều lên khu vực an toàn. Giờ đây gia đình tôi cũng đang tách nhau ra để sống nhờ dân bản".

Ấm tình đồng bào vùng rốn lũ

Chỉ riêng bản May đã có 4 hộ gia đình người Việt sinh sống. Sau cơn lũ do sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở đông nam Lào thì các hộ dân này đều rơi vào cảnh không nhà, không tài sản…

Một “địa chỉ vàng” là gia đình anh Nguyễn Văn Trình (Trú tại trung tâm huyện Samaxay) khi đang có 8 người Việt sống tạm tại đây. Anh Trình cho biết: “Ngay sau khi biết tin các bản ảnh hưởng do lũ thì tôi đã liên hệ ngay cho bà con đồng bào người Việt Nam tại huyện và tỉnh để kịp thời hỗ trợ. Khi bà con người Việt được cứu ra tôi đã chuẩn bị cháo nóng, cơm để cho bà con ăn sau những ngày bị cô lập vùng lũ. Hiện bản May ra đây có 8 người, do nhà chật thì đã tách nhau ra sống tạm quanh hàng xóm đây…”.

Người Việt Nam kể lần đối mặt với dòng lũ và những khó khăn trước mắt trên đất khách
Người Việt Nam kể lần đối mặt với dòng lũ và những khó khăn trước mắt trên đất khách

Chị Võ Thị Dung-Thành viên Hội người Việt Nam tại tỉnh Attapeu chia sẻ: “Ngay khi có tin người dân bản May gặp nạn thì chúng tôi rất lo vì đa số bà con người Việt sống ở đây. Những ngày bị chia cắt, tôi rất lo và liên tục gọi vào xem tình hình sao. Đồng thời, huy động các nguồn bà con người Việt Nam ủng hộ tiền và các nhu yếu phẩm nhằm giúp các gia đình vùng lũ…Giờ trao tận tay những nhu yếu phẩm và ôm bà con người Việt Nam, tôi mới yên tâm”.

Niềm vui của những người Việt Nam khi được Hội Việt Nam tại Attapeu đến thăm
Niềm vui của những người Việt Nam khi được Hội Việt Nam tại Attapeu đến thăm

Ông Đào Văn Hiếu- Tổng Lãnh sự quán nước CHXHCN Việt Nam tại Pakse (CHDCND Lào) thông tin: “Hiện có 15 người Việt Nam tại vùng huyện Samaxay và các huyện lân cận đã lên được vùng an toàn. Một số người Việt bị lũ cuốn trôi nhà cửa thì chúng tôi đã ủng hộ hàng cứu trợ và tiền để giúp bà con sống tạm trong những ngày sắp tới. Trước mắt, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp bà con ổn định cuộc sống sau cơn lũ. Đồng thời ,hỗ trợ giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống…”.

Được biết, ngay sau khi cơn lũ qua, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse cũng đã cử cán bộ trực tiếp xuống hiện trường để theo dõi tình hình và làm việc với các cơ quan chức năng của 2 tỉnh Champasak và Attapeu. Bên cạnh đó, những gia đình có nhà cửa cuốn trôi thì được bà con Việt Kiều gần đó tạo điều kiện để cho ở tạm tại huyện Samaxay.

Cận cảnh tìm kiếm nạn nhân trong vụ vỡ đập thủy điện

Theo chân các đoàn tìm kiếm cứu hộ, PV báo Dân Trí tại Attapeu (Lào) đã di chuyển sâu vào các bản bị cô lập thuộc huyện Samaxay. Hiện ra trước mắt chúng tôi là cảnh hoang tàn đổ nát, những tiếng” í ới” gọi tìm nhau trong biển nước.

Nhằm tiếp cận với vùng cô lập nhanh nhất thì Quân đội Lào đã huy động rất nhiều trực thăng bay liên tục vào các bản bị cô lập. Đồng thời, các đội cứu hộ dùng ca nô, ghe, thuyền nhỏ để tìm những người đang còn mất tích trong biển nước thuộc huyện Samaxay.

Ghi nhận PV Dân trí tại hiện trường cho thấy, ngoài lực lượng cứu hộ, cứu nạn thì người dân cũng chia ra các nhóm nhỏ dùng thuyền đi vào mọi ngóc ngách của bản làng để tìm kiếm người thân đang mất tích.Theo đó, nhóm cứu hộ từng tham gia giải cứu đội bóng thiếu niên Lợn Rừng mắc kẹt ở hang Tham Luang cũng được huy động gồm 30 nhân viên cứu hộ, bác sĩ và thợ lặn địa phương đã có mặt tại Attapeu để cùng phối hợp tìm các nạn nhân còn lại.

Phạm Hoàng (Từ Attapeu, Lào)