Dự án cao ốc trái quy hoạch: Dù “quyết” rồi cũng cần dũng cảm dừng lại

(Dân trí) - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Trần Ngọc Chính phân tích, những dự án chung cư cao tầng trong vùng lõi nội đô của Hà Nội là trái với lý thuyết đô thị, làm ngược với quy hoạch chung thủ đô… Cơ quan quản lý cần bình tĩnh rà soát lại, dự án không đúng, gây bức xúc thì dù đã quyết rồi cũng cần dũng cảm dừng lại…

Trao đổi về hướng giải quyết bài toán nan giải của Hà Nội, TPHCM trước vấn nạn ùn tắc giao thông, quá tải đô thị đã thành báo động trong năm nay, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Trần Ngọc Chính bắt đầu từ việc xây dựng quy hoạch đô thị.

Là một chuyên gia về quy hoạch giàu kinh nghiệm, từng tham gia nhiều đồ án quy hoạch các đô thị lớn, ông Chính cho biết, khi “vẽ” lên Hà Nội, TPHCM trong bản đồ tương lai, những người làm chuyên môn đã xác định việc đầu tiên cần làm là di dời một số nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, bệnh viện… ra khỏi nội đô. Những khu đất phải giải phóng, về nguyên tắc là để làm không gian cây xanh, mặt nước, các công trình dịch vụ công cộng phục vụ lợi ích cộng đồng.

Ông Trần Ngọc Chính: Dự án đã cấp phép mà thấy sai thì phải có quyết tâm và can đảm để dừng lại.
Ông Trần Ngọc Chính: "Dự án đã cấp phép mà thấy sai thì phải có quyết tâm và can đảm để dừng lại".

Khi nguyên tắc này được xác định, đáng ra, các thành phố phải lập ngay quy hoạch chi tiết với từng miếng đất, lô đất như vậy sẽ làm gì và đưa ra xin ý kiến cộng đồng dân cư, để người dân biết, quyết định trên cơ sở phục vụ cộng đồng.

“Chính vì việc này không được thực hiện song song với chủ trương quy hoạch lại thành phố nên tạo cơ hội cho các nhà đầu tư, người nhìn rõ đó là những vị trí đất vàng tìm cách nhảy vào. Thực tế đã xảy ra như thế, cả Hà Nội, TPHCM đều mắc như thế” - ông Chính cho rằng đó chính là một bài học với cơ quan quản lý nhà nước.

Ở cả 2 thành phố lớn nhất cả nước, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng rót vào rất lớn nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Ông Chính lấy ví dụ, TPHCM đã đầu tư nhiều cho các công trình chống ngập, ngăn triều… lâu nay nhưng vẫn tái diễn cảnh cứ mưa là ngập, thậm chí chưa mưa cũng đã ngập khi mà biến đổi khí hậu đang diễn ra cấp tập. Còn với Hà Nội, rất nhiều tiền của cũng được rót vào hệ thống đường sá, từ đường cao tốc tới đường trên cao, các nút giao thông, hầm chui, cầu vượt, các tuyến đường mới… nhưng đường vẫn tắc và mỗi lúc tắc lại trầm trọng hơn.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị cho rằng, những tồn tại thực tế đó của 2 đô thị cho thấy yêu cầu việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không thể làm dàn trải. Hà Nội cần tập trung làm cho xong đường sắt trên cao trong thời gian ngắn. TPHCM nhất thiết phải xong được hệ thống Metro, sớm đưa vào vận hành.

Ông Chính phân tích: “Đó là những chìa khoá để giải quyết việc giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân, để người dân quen dần với phương tiện công cộng và dần bỏ xe máy chứ nếu cứ làm thêm hết đường này, đường kia, xây thêm nhiều cầu vượt, hầm chui mà tiếp tục xây nhà cao tâng trong nội đô, dồn nén dân vào thì kẹt xe vẫn là kẹt xe vì lượng phương tiện vẫn cứ tăng lên”.

Phân tích cụ thể hơn về việc giải quyết mối quan hệ giữa yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng, hiện đại hoá với việc quản lý quy hoạch tại 2 đô thị đặc biệt của cả nước, ông Trần Ngọc Chính cho rằng, nhà quản lý của 2 thành phố cần hết sức bình tĩnh để nhìn nhận, đánh giá về những vấn đề đang diễn ra trong thực tế, rà soát từ khâu quy hoạch, từ quy hoạch chung tới quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, điều lệ quản lý đô thị… đề biết việc nào đang làm đúng, việc nào là sai mà tìm hướng tháo gỡ.

“Đặc biệt, với những dự án hiện tại nếu xác định đã cấp không đúng, người dân có ý kiến thì dù là quyết rồi cũng cần dũng cảm dừng lại đã. Chúng ta có những câu chuyện như trong trận Điện Biên Phủ mà ai cũng biết, ta đã kéo pháo vào trận địa rồi mà còn phải kéo pháo ra cơ mà. Vậy nên cấp phép rồi mà giờ thấy sai thì phải có quyết tâm và can đảm để dừng lại” – ông Chính khuyến cáo.

Đề cập cụ thể những dự án đang gây bức xúc tại Hà Nội, từ góc nhìn của một nhà quy hoạch, ông Chính chỉ rõ, các công trình đó trái với lý thuyết đô thị, làm ngược với quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, ngược nguyên tắc không thể tiếp tục để thêm người di chuyển vào vùng đô thị lịch sử…

Ông Chính nói: “Dự án trong khu vực vành đai I của thành phố, trong lòng khu đô thị lịch sử, không thể xây quá cao tầng, nén quá nhiều dân cư vào đó. Cần hết sức bình tĩnh nghiên cứu lại các dự án, có hướng khắc phục chứ không việc này sẽ gây áp lực rất lớn cho giao thông, cuộc sống. Tôi nghĩ không thể có những dự án theo kiểu như thế ở Hà Nội”.

Xây cao ốc dày đặc vẫn “đúng” vì thiếu quy hoạch chi tiết

Dự án cao ốc trái quy hoạch: Dù “quyết” rồi cũng cần dũng cảm dừng lại - 2

Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam

Cùng trao đổi về vấn đề cao ốc dày đặc “vây kín” Hà Nội, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng bình luận về lý giải của Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội là các dự án, công trình đều “làm đúng quy hoạch”. Xác nhận phát ngôn của Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc là đúng thực tế, ông Hùng giải thích, dù đã có quy hoạch chung Thủ đô từ lâu nhưng như báo cáo của Bộ Xây dựng, việc làm quy hoạch chi tiết đô thị đến năm 2015 mới đạt 33%, năm 2016 mới đạt 35%.

“Điều này có nghĩa rất nhiều khu vực của Hà Nội giờ vẫn không có quy hoạch chi tiết. Vì thế, hễ có dự án là phát sinh xin - cho. Quy hoạch Thủ đô đến 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã quy định rất rõ khu vực nội đô, không chế chiều cao công trình xây dựng trong 4 quận nội thành nhưng rất tiếc, sau 5 năm, Hà Nội mới ban hành quy chế quản lý nhà cao tầng. Cũng đã có văn bản rà soát quy hoạch công trình cao tầng để làm giảm ùn tắc nhưng người ta lại viện cớ cần những điểm nhấn trong diện mạo đô thị để cấp phép những dự án tới mấy chục tầng. Hạn chế ngay từ đầu là làm quy hoạch thì phải làm chi tiết” – ông Hùng chỉ rõ.

P.Thảo