“Dỡ bỏ nhà máy cũ nhưng thành phố Dệt không bao giờ… mất tên”
(Dân trí) - “Dù dỡ bỏ nhà máy cũ, danh xưng thành phố Dệt thì sẽ không thay đổi, sẽ không bao giờ mất đi vì nhà máy Dệt mới cũng vẫn nằm trong thành phố Nam Định mà hoạt động còn lớn hơn…” – trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hải Hà – Tổng GĐ Cty Cổ phần phát triển đô thị Dệt may Nam Định quả quyết.
Thông tin nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định – nhà máy Dệt lớn nhất Đông Dương một thời đang được phá bỏ để làm khu đô thị mới nhận nhiều quan tâm những ngày qua. Việc di dời nhà máy, dù được nhìn nhận khách quan là cần thiết vì công trình đã cũ nát, xuống cấp vẫn tồn tại giữa lòng thành phố mấy mấy chục năm rồi nhưng vẫn gây không ít tâm tư, luyến tiếc. Tại sao chuyện phá bỏ nhà máy lại được quyết định một cách bất ngờ như vậy, vào thời điểm này, thưa ông?
Tình cảm của công chúng, dư luận những ngày qua về việc này, chúng tôi rất quan tâm và suy nghĩ nghiêm túc.
Nhà máy Dệt Nam Định được xếp vào danh mục cơ sở trong đô thị phải di dời hoặc dừng sản xuất do ô nhiễm nghiêm trọng theo quyết định 64 năm 2003 Thủ tướng Chính phủ. Từ đó đến cuối 2010, Thủ tướng cùng Bộ Tài chính, tỉnh Nam Định đã vào cuộc cùng TCty Dệt may Việt Nam (nay là Tập đoàn Dệt may Vinatex) và nhà máy đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp, nguồn vốn để tạo ra nguồn vốn cho việc di dời này. Đây là kết quả của rất nhiều năm tìm hướng, nỗ lực chuẩn bị, để hôm nay công luận có thể đón nhận thông tin này.
Dự án di dời nhà máy Dệt Nam Định đặt ra yêu cầu phải làm sao vẫn phải đảm bảo sản xuất, không gây “sốc” với hàng nghìn người lao động, đồng thời tạo được vốn để làm nhà máy mới mà không cần sự hỗ trợ của ngân sách. Đầu tư xây dựng nhà máy mới là tiếp thêm sức để Dệt Nam Định khỏe hơn, mạnh hơn, bền vững hơn.
Vậy nên khi nghe nói là “phá bỏ” nhà máy Dệt, là người trong ngành, chúng tôi cũng rất tâm tư.
Tâm tư là cảm xúc chính đáng của mỗi người dân, không chỉ là người Nam Định, không chỉ là những thế hệ, gia đình đã từng sống, làm việc, cùng buồn vui với sự thăm trầm của nhà máy, khi cái tên Thành phố Dệt, những hình ảnh đã trở thành biểu tượng của cả một giai đoạn lịch sử dài sẽ không còn nữa?
Việc xây dựng khu đô thị Dệt may đã xác định mục tiêu ngay từ đầu là làm thế nào để vừa đảm bảo tạo đủ nguồn vốn xây dựng nhà máy dệt mới nhưng cũng bảo tồn giá trị truyền thống của ngành dệt may, những đóng góp của nhà máy với thành phố Nam Định. Tập đoàn Dệt may rất quan tâm chỉ đạo vấn đề này. Vì vậy, từ năm 2012, được UBND tỉnh đồng ý, Tập đoàn đã đầu tư bước đầu hơn 50 tỷ đồng để nâng cấp nhà truyền thống ngành dệt may– nơi Bác Hồ nghỉ trong 3 lần về thăm nhà máy để làm Bảo tàng Dệt may hiện nay. Ngoài việc tôn tạo ngôi nhà, chúng tôi cũng đã quy tập về nhiều máy móc thiết bị thể hiện từng giai đoạn, có máy móc nguyên bản từ thời Pháp, có những máy móc được cải tạo trong thời chống Mỹ, có máy được người lao động tự cải tạo để phục vụ sản xuất sau này. Nhưng đáng tiếc là dù bảo tàng ở ngay trong trung tâm thành phố, mở cửa miễn phí suốt ngày nhưng đến nay chỉ có người trong ngành dệt may và các sinh viên theo các đoàn học tập về thăm chứ không có người khách nào.
Tập đoàn cũng yêu cầu quan tâm di tích Cây bàng, nơi các công nhân đã đình công để đấu tranh với chủ Pháp, nơi ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của Nam Định. Trong khu đô thị, nơi đây sẽ được quy hoạch thành công viên lớn và đầu tư xứng đáng…
Trong toàn bộ khu đất 30ha, Vinatex chỉ chủ trương làm nhà ở thấp tầng, không có chuyện xây chung cư, khách sạn. Mà phần này cũng chỉ khoảng 9ha (tương đương 30% diện tích), 35% diện tích để làm bệnh viện, vườn hoa, trường học và 25% diện tích còn lại thì có 15% cho TCty để giữ lại khu sản xuất ít ô nhiễm hoặc để làm văn phòng giao dịch và làm hạ tầng liên quan.
Nhiều người đặt vấn đề, tại sao suốt mấy chục năm qua, nhà máy cũ kỹ hàng trăm tuổi đã “chết mòn” tại đó mà không có động thái gì trong khi nửa năm trở lại đây, nhiều hi vọng “cứu” được một thành phố Dệt, một ngành công nghiệp Dệt vừa được nhen lại khi TPP chính thức thành hình thì nhà máy lại bị phá bỏ. Lấy gì để thuyết phục dư luận rằng phá bỏ nhà máy này để Dệt Nam Định vẫn sẽ sống, sẽ tốt hơn?
Về chi tiết với dự án di dời nhà máy Dệt Nam Định tôi không đủ thẩm quyền để trả lời nhưng những số liệu chúng tôi nắm được cũng cho thấy, năm 2005 Bộ Công thương đã phê duyệt đề án di dời công ty Dệt Nam Định ra khu công nghiệp Hòa Xá, nhà máy 30ha thì tỉnh cũng đã ký hợp đồng cho tập đoàn thuê 30ha tại khu công nghiệp đó (không thu hẹp diện tích sản xuất). Đề án quy hoạch cũng thể hiện việc xây dựng nhà máy mới với đầy đủ công năng như nhà máy hiện tại, cũng có nhà máy sợi, nhà máy dệt, nhà máy nhuộm … và các nhà máy may. Đồng thời trong khu quy hoạch đó cũng đã xây dựng khu xử lý nước thải tập trung, nhà máy nước sạch riêng và có khu làm nhà ở công nhân…
Nhưng kế hoạch di dời vào năm 2005 đó, vì không có vốn nên TCty đã phải xin gia hạn. Sở TN-MT Nam Định thì đã nhiều lần họp yêu cầu nhà máy phải đóng cửa, phải dừng sản xuất vì quá ô nhiễm. Bộ TN-MT cũng nhiều lần về thanh tra và phạt nhà máy vì điều kiện sản xuất xuống cấp, không có vốn để nâng cấp, càng không có vốn di dời.
Hiện với 150tỷ đồng đầu tư ban đầu tại khu công nghiệp, Dệt Nam Định đã xây mới được 1 nhà máy động lực, 1 nhà máy nhuộm, nhà máy xử lý nước thải tập trung – những phần ô nhiễm nhất để dừng ngay sản xuất tại cơ sở cũ. Theo kế hoạch quý 3/2016 sẽ khởi công nhà máy sợi và dệt trên diện tích 30ha được thuê. Tổng kinh phí dự kiến làm nhà máy mới 1.200 tỷ đồng mà nhà nước không phải bỏ tiền mà lại tăng được sản lượng, doanh thu, cải tiến máy móc, thiết bị, đời sống người lao động cũng sẽ tốt hơn.
Như vậy, dù dỡ bỏ nhà máy cũ, danh xưng thành phố Dệt thì sẽ không thay đổi, sẽ không bao giờ mất đi vì nhà máy Dệt mới cũng vẫn trong thành phố Nam Định mà hoạt động còn lớn hơn.
Dư luận thì vẫn băn khoăn cho rằng, phải chăng Vinatex đang tính chuyển hướng đầu tư trong việc này, chuyển qua làm bất động sản, đầu tư ngoài ngành. Làm sao để chứng minh việc đầu tư khu đô thị Dệt may chỉ để tạo vốn làm nhà máy mới?
Với dự án đầu tư khu đô thị Dệt may, cơ cấu tài chính với nguồn thu dự kiến từ việc chuyển mục đích sử dụng diện tích 9ha sang thành đất ở là khoảng 1.300 tỷ đồng. Khoản này có 410 tỷ đồng nộp cho ngân sách (tiền sử dụng đất), 450 tỷ để chi phí đền bù, hỗ trợ thiệt hại, ngừng việc, đào tạo nghề, di chuyển máy móc thiết bị của TCty. Phần đầu tư hạ tầng tại chỗ (đường sá, cấp thoát nước, vườn hoa cây xanh) được Sở Xây dựng phê duyệt là 425 tỷ. Như vậy, toàn bộ nguồn thu từ dự án làm khu đô thị này không có tính chất lợi ích của Vinatex hay có sự chuyển nhượng cho các nhà đầu tư tư nhân.
Nguyễn Hải Hà – Tổng GĐ Cty Cổ phần phát triển đô thị Dệt may Nam Định khẳng định dự án khu đô thị Dệt may có mục tiêu chủ yếu để tạo vốn xây dựng nhà máy Dệt mới tại Nam Định.
Trở lại với chuyện bảo tồn, lưu giữ lịch sử, nhà báo Trần Đăng Tuấn – một người con Nam Định, sinh ra lớn lên bên nhà máy Dệt mới đây đã gửi tâm thư đề nghị giữ lại 1 phần xưởng máy hiện tại để làm khu kết nối với Bảo tàng Dệt may… Ý kiến của ông về đề xuất này?
Chúng tôi rất trân trọng ý kiến của anh Tuấn cũng như tình cảm của anh, của những người Nam Định, người làm dệt may và người dân cả nước nói chung khi muốn giữ lại một cái gì đó thực sự là của nhà máy Dệt Nam Định, để các thế hệ sau này biết về lịch sử hoặc có bối cảnh làm phim thực tế…. Chúng tôi rất quan tâm và bàn bạc nghiêm túc về đề xuất của anh Tuấn. Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khi làm việc với chúng tôi cũng quán triệt tinh thần tiếp nhận tất cả các góp ý để suy nghĩ hết sức, tận dụng những ý tưởng, đóng góp của người Nam Định.
Không phải chúng tôi không nghĩ đến việc này. Khi xây dựng Bảo tàng Dệt may, chúng tôi đã lưu giữ nhiều máy móc, thiết bị của nhà máy, cũng tạo điều kiện cho hoạt động quay phim, làm tư liệu nhiều. Tuy nhiên, với người thực hiện dự án, tôi thấy có nhiều vấn đề.
Về vấn đề phê duyệt quy hoạch quy hoạch dự án, nếu đặt vấn đề điều chỉnh, các bước thủ tục phải thực hiện lại từ đầu, nhưng tất nhiên vẫn làm được nếu cần. Việc chọn một diện tích nhà xưởng để phục dựng, không chỉ duy trì sản xuất mà còn để tham quan, trưng bày thì hoàn toàn khả thi vì khi di dời nhà máy, chúng tôi phải làm cuốn chiếu nên hiện còn rất nhiều khu xưởng vẫn sản xuất tại chỗ, chưa thể “bốc” đi ngay.
Cái khó hơn là nguồn tài chính nào để làm việc này, ngân sách tỉnh có bỏ ra được không? Rồi các vấn đề đi liền sau đó như cơ quan quản lý, vận hành những khu vực lưu giữ này, như đối với Bảo tàng Dệt may vậy, sẽ tiêu tốn chi phí, ai đảm bảo?
Chúng tôi cũng đã soạn văn bản gửi cho anh Tuấn để bàn bạc sâu hơn về việc này và rất mong anh cùng tiếp tục tư duy, hiến kế. Chúng tôi cũng là những người làm dệt may, chúng tôi cũng hầu hết là người Nam Định thì chính chúng tôi cũng trăn trở và luyến tiếc với truyền thống của cha ông.
Việc giữ lại 1 phần diện tích nhà xưởng không khó khăn nhưng những vấn đề như kinh phí, cơ quan đứng ra quản lý, trông nom… không dễ giải quyết.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
P.Thảo (thực hiện)