1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đã đến lúc quân đội không nên làm kinh tế

Hội nghị TƯ 4 vừa kết thúc đã thống nhất chuyển các doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần của cơ quan Đảng, quân đội, công an sang cơ quan Nhà nước quản lý từ năm 2007. Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, điều này sẽ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng hơn.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, cho biết: Thực tế mà nói, khi chúng ta mới đi từ chiến tranh ra hòa bình, thời điểm đó đất nước vô cùng khó khăn, mọi người phải chung sức, chung lòng. Quân đội cũng như Công an cũng phải tham gia làm kinh tế, thương mại.

Thời điểm từ năm 1975 đến 1990 thì việc này là cần thiết. Nhưng nếu cứ kéo dài đến thời điểm này rõ ràng là không còn phù hợp nữa. Vì quân đội hay công an cũng thế thôi, đều có nhiệm vụ chính trị rất rõ ràng là phải tập trung bảo đảm an ninh quốc gia.

Cho nên đã đến lúc phải chuyển các doanh nghiệp làm kinh tế thuộc các cơ quan Đảng, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội sang cho các cơ quan Nhà nước quản lý.

Ông bình luận gì về quyết sách quan trọng này?

"Hội nghị thống nhất chủ trương chuyển các doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần hiện có thuộc các cơ quan Đảng, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội sang các cơ quan nhà nước quản lý từ năm 2007".

(Trích thông báo của Hội nghị TƯ4 Ban chấp hành TƯ Đảng).

Quyết sách này sẽ góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn. Có như vậy thì cơ chế thị trường mới có thể phát huy tác dụng, và sự cạnh tranh lành mạnh mới có thể xảy ra.

Người ta không thể cạnh tranh bình đẳng và trung thực nếu như mỗi người ở một vị thế rất khác nhau. Ngoài ra, điều này cũng sẽ bảo đảm minh bạch cho cả hệ thống theo nguyên tắc: đã kinh doanh thì phải tuân thủ các chuẩn mực như nhau.

Thực tế các doanh nghiệp nằm trong cơ quan Đảng, quân đội đều được hưởng những ưu đãi nhất định. Giờ đây khi những điều kiện thuận lợi không còn nữa, các đơn vị này sẽ gặp phải khó khăn gì?

Chả có gì khó khăn cả. Có ngân sách của Nhà nước cấp rồi, hàng năm nhà Nước sẽ cấp cho các đơn vị này đủ chi dùng.

Việc chuyển giao này xem ra còn bớt đi một khâu lo toan, giúp cho các đơn vị này chuyên tâm hơn vào trọng trách đã được giao. Chứ bây giờ cứ rải ra thì không nên. Nhiều nước trên thế giới, quân đội có làm kinh tế đâu song họ vẫn mạnh thôi.

Thưa ông, ví dụ một số trường hợp như Công ty in Tiến bộ hay Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel), nếu như chuyển giao cho Nhà nước thì nên giao cho đơn vị nào quản lý, và nên xử lý thế nào về quyền tài sản còn lại của các doanh nghiệp này?

Cái này thì phải tính. Công ty Viễn thông quân đội giờ đây cũng đang bắt tay vào cổ phần hóa.

Tinh thần là ngay trong năm 2007 sẽ bắt tay vào chuyển giao, liệu có gấp quá không, thưa ông?

Phải làm từng bước, làm có lộ trình, song dứt khoát năm 2007 phải làm những khâu cơ bản.

Xin cám ơn ông!

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Minh định chức năng của các thiết chế xã hội

Chuyển các doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần hiện có thuộc các cơ quan Đảng, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội sang các cơ quan nhà nước quản lý sẽ tạo điều kiện cho việc minh định chức năng của các thiết chế xã hội.

Các thiết chế xã hội và công quyền khác nhau được sinh ra là để thực hiện các chức năng khác nhau.

Ví dụ, quân đội được sinh ra để bảo vệ Tổ quốc, để chống giặc ngoại xâm; công an được sinh ra để bảo đảm an ninh và trật tự... Nếu bắt các cơ quan này cũng phải quản lý về kinh tế thì sẽ có sự lẫn lộn về chức năng…

Theo Thu Hà
VTC News