1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện tình của một tổng thống dưới chân cầu Ghềnh

Sau khi rời Việt Nam trở về nước Trung Phi cuối năm 1954, Jean Bedel Bokassa tiếp tục phục vụ trong quân đội. Năm 1966, Bokassa mang quân hàm trung tá, cầm đầu một binh đoàn lật đổ Tổng thống D.Dacô, trở thành Chủ tịch Hội đồng Cách mạng, sau là Tổng thống nước Cộng hòa Trung Phi. Năm 1972, Tổng thống Bokassa, qua con đường ngoại giao, đã cất công tìm người vợ lạc và đứa con rơi ở miền Nam Việt Nam. Ông tìm được không chỉ một, mà tới 2 cô con gái ở Sài Gòn.


Tổng thống Bokassa (trái), Huệ và con gái Martine.

Tổng thống Bokassa (trái), Huệ và con gái Martine.

Kỳ 2: Tổng thống đi tìm vợ lạc, con rơi

Ở lại chịu đời đắng cay

Sau tiễn đưa chồng là anh lính lê dương Châu Phi Bokassa xuống tàu trở về cố quốc, cô Huệ với cái bụng bầu một mình lủi thủi trong căn nhà vắng lặng ở Tân Thuận Đông mặc cho xung quanh bao lời dèm pha, chê trách. Tới ngày sinh nở, cô Huệ quyết định quay về với gia đình, cha mẹ. Người cha từng tức giận, đau đớn khi biết đứa con gái yêu có thai với lính lê dương và tuyên bố từ con, nhưng ông không thể bỏ con, vẫn mong ngày cô trở về. Ông ôm đứa con gái vào lòng, nước mắt của người cha già chảy dài xuống mái tóc của cô. Mẹ cô vui mừng khôn xiết, bà tưởng đứa con gái yêu đã theo chồng xuống tàu đi biệt xứ.

Ngày sinh nở rồi cũng đến, cô Huệ hạ sinh đứa con gái mình mẩy đen nhẻm, mái tóc xoăn tít, đôi môi dầy… giống hệt Bokassa. Cô Huệ cho con mang họ mẹ, nhưng nhớ lời người chồng dặn dò trước lúc chia ly, cô đặt tên cho con là Nguyễn Thị Martine. Sau khi sinh nở, hoàn cảnh của hai mẹ con cô Huệ càng lúc càng túng quẫn hơn. Số tiền của Bokassa để lại cho cô theo ngày tháng cứ cạn dần rồi hết hẳn. Cha mẹ của cô rất thương cháu ngoại, nhưng sức già lực yếu, hai ông bà chỉ có tình thương và… nước mắt. Thời gian này, hoàn cảnh hai mẹ con cô Huệ thật bi đát, cô phải thức khuya dậy sớm, làm đủ mọi công việc để có tiền nuôi con. Rồi cô lại ôm con rời gia đình, đi làm đủ thứ nghề để nuôi thân và nuôi con - khi về Gia Định, lúc xuống Thủ Đức, có lần cô bồng Martine về nhà bà con ở tận Sa Đéc để làm ruộng.

Martine lớn dần, phổng phao, khỏe mạnh hơn những đứa trẻ cùng lứa. Cô bé cũng làm đủ thứ nghề để phụ giúp mẹ - từ bán báo, đậu phộng, bánh mì, trà đá… Dù vất vả khổ cực đến đâu, Martine cũng cố gắng vượt qua. Cũng như mẹ, Martine lớn lên trong tủi nhục, chịu sự dèm pha của mọi người, sự trêu chọc ác ý của những đứa trẻ xung quanh. Rồi cô cũng biết thân phận của mình khi nghe mẹ nói: “Ngày lên tàu để rời khỏi Việt Nam, ba và má khóc hết nước mắt, ba của con vét hết túi tiền đưa cho má để dành chờ ngày sinh con. Ba con hứa sẽ trở lại Việt Nam để đón mẹ con mình”.

Năm 1972, Martine được 18 tuổi, cô làm bốc vác ở Nhà máy ximăng Hà Tiên (Thủ Đức), một công việc mà đàn ông sức vóc đôi khi còn ngán ngẩm. Một ngày cuối năm 1972, khi đang bốc vác, Martine bỗng thấy người cậu chạy tới hớt hải nói to: “Mày đi về thay đồ mau, chuẩn bị đi gặp ba mày là Tổng thống nước Trung Phi”.

Tổng thống tìm con

Giữa năm 1972, báo chí Sài Gòn dẫn nguồn tin từ các hãng thông tấn nước ngoài một thông tin đặc biệt: Tổng thống Bokassa của nước Cộng hòa Trung Phi mở tiệc ăn mừng lớn vì vừa tìm được người vợ lạc và đứa con rơi ở Sài Gòn. Theo nguồn tin nói trên, Tổng thống Bokassa khi đi lính lê dương ở Việt Nam đã có con với một cô gái Việt và bỏ lại Sài Gòn khi ông về nước năm 1954, giờ ông nhờ Bộ Ngoại giao Pháp (vì Cộng hòa Trung Phi chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Sài Gòn) tìm kiếm dùm ông đứa con rơi đang thất lạc tại Sài Gòn. Những người có trách nhiệm của chính quyền Sài Gòn thời ấy đã cất công đi tìm, cuối cùng đưa được một cô gái lai, da đen tên Baxi, con của bà Ba Thân ở Xóm Gà, Cây Quéo - Gia Định, giao cho Bộ Ngoại giao Pháp đem về Trung Phi. Tổng thống Bokassa đã tổ chức tiệc ăn mừng rất lớn để đón đứa con lưu lạc gần 20 năm. Dư luận báo chí Sài Gòn khi ấy khá thiện cảm với Tổng thống Bokassa khi cho rằng ông là một người cha có trách nhiệm, tuy làm đến chức vị cao nhất nước nhưng vẫn không quên đứa con rơi của mình trên chiến trường Đông Dương lúc Pháp còn coi Việt Nam như một nước thuộc địa.

Sau khi các báo đưa tin, có một người đàn ông tìm đến tòa soạn báo Trắng Đen xin gặp chủ nhiệm hoặc chủ bút tờ báo. Người đàn ông nọ nhắc về câu chuyện cô Baxi ở Xóm Gà được đưa qua nước Cộng hòa Trung Phi làm con gái của Tổng thống Bokassa. Rồi ông nói dứt khoát: “Không phải con nhỏ Baxi là con của Tổng Thống Bokassa đâu mà chính cháu tôi mới đúng”. Rồi người đàn ông - tự xưng là em vợ của Tổng thống Bokassa - mở một túi nilon, trong đó gói một số giấy tờ và hình ảnh, nói: “Đây là hình của chị tôi tên Nguyễn Thị Huệ và Tổng thống Bokassa khi còn ăn ở với nhau tận bên Tân Thuận Đông; còn đây là hình cháu gái tôi tên Martine, họ mới đúng là vợ và con của Tổng thống Bokassa”. Ngoài hai tấm hình, người đàn ông còn trưng thêm một tờ giấy khai sinh mang tên Nguyễn Thị Martine, tên mẹ Nguyễn Thị Huệ, tên cha vô danh.

Những người có trách nhiệm ở báo Trắng Đen đã nhận ra ngay một cơ hội lớn cho tờ báo. Ngay chiều hôm đó, ban biên tập đã lên kế hoạch khai thác đề tài “độc” này. Chủ nhiệm tờ báo tung phóng viên đi mọi hướng theo tài liệu để điều tra. Họ tìm gặp Martine, khai thác về đời tư cô gái; đến nơi ở của bà Huệ và nơi Bokassa trước khi về nước đã từng sống chung với bà Huệ… Để độc quyền thông tin, báo Trắng Đen không để lộ chỗ ở của Martine trên các bài viết, vì họ biết chắc rằng, sau vụ đưa tin sẽ không tránh được các báo khác đổ dồn khai thác. Ngay hôm sau, báo Trắng Đen đưa lên trang nhất hàng tít chạy dài 8 cột với nội dung: “Baxi không phải con gái của Tổng thống Bokassa?!” - “Một bà mẹ chứng minh con gái mình mới là con ruột của Tổng thống Bokassa nước Cộng hòa Trung Phi?!”.

Cả hai đều là con tổng thống

Đúng như kỳ vọng của những người có trách nhiệm của báo Trắng Đen, vụ Baxi - Martine Bokassa tức thì trở thành trái bom nổ trên mặt báo. Ngay hôm phát hành số đầu tiên về vụ này, giới bán báo cổ động không ngừng đòi tăng thêm số lượng. Số in tăng trên 80.000 bản, tòa soạn phải huy động thêm máy để in cho đủ số giao cho các nhà phát hành. Những tờ báo khác cũng bắt đầu nhập cuộc về vụ Martine Bokassa, nhưng không báo nào có thêm chi tiết hơn Trắng Đen, vì mọi nguồn tin đã được báo Trắng Đen tạo thế độc quyền. Rồi phóng viên tờ Time (xuất bản tại Mỹ) tìm đến xin mua bản quyền tấm hình chụp bà Huệ và Bokassa, càng làm cho vụ việc thêm sôi động, thông tin bắt đầu lan tỏa ra phạm vi thế giới. Số bán hằng ngày của báo Trắng Đen tăng lên 100.000 tờ/ngày, rồi vượt lên 160.000 tờ/ngày, người làm báo ở Sài Gòn lúc đó nằm mơ cũng không thấy nổi số lượng in ấn này.

Vụ việc càng trở nên thuyết phục khi phóng viên tìm thấy sổ hộ tịch của những năm 1955 -1956 có giấy chứng sinh của bà Huệ ghi tên cha của con là ông G.Bokassa. Họ chụp lại bản chính và cho rửa nhiều tấm, gửi cho Bộ Ngoại giao, nhờ chuyển tới tay Tổng thống Bokassa, chứng minh Martine mới là đứa con ruột thịt của ông ta. Đồng thời, ban biên tập còn gửi thêm một bộ khác qua đường hàng không đến Pháp cho đặc phái viên tờ Trắng Đen đang thường trú tại đây đưa đến Bộ Ngoại giao Pháp, giao tận tay và nhờ chuyển đến Tổng thống nước Cộng hòa Trung Phi Bokassa. Ngoài hai nơi trên, tòa soạn còn gửi đến Tòa Đại sứ Pháp ở Sài Gòn nhờ chuyển các tài liệu kèm với hình bà Huệ và Tổng thống Bokassa, hình của Martine tới đất nước Trung Phi.

Bằng những nỗ lực tuyệt vời của những phóng viên, bằng những biện pháp mang tính nghiệp vụ cao của tòa soạn báo Trắng Đen, Tổng thống Bokassa từ nước Cộng hòa Trung Phi xa xôi đã sớm nhận được những bằng chứng thuyết phục cho thấy, bà Huệ và cô Martine mới là những người ông cần tìm. Rồi một chuyến bay đặc biệt đã chở mẹ con bà Huệ, cả gia đình bà, người đại diện cho báo Trắng Đen cùng nhiều quan chức Sài Gòn và Pháp rời Tân Sơn Nhất trực chỉ Châu Phi. Một nghi thức tiếp đón trọng thể được đích thân ngài Tổng thống tổ chức để chào đón vợ con mình. Nhưng, đúng như tính tình nhân hậu vốn có, Tổng thống Bokassa chẳng những không trách mẹ con bà Ba Thân và cô gái lai Baxi (đã mạo nhận là vợ con tổng thống), mà còn nhận Baxi làm con nuôi, cho sống đời vương giả giống như mẹ con bà Huệ và cô Martine.

Kỳ cuối: Số phận nghiệt ngã của Tổng thống Bokassa và hai cô con gái

Theo Hương Xưa - PhandauLD@gmail.com
Lao Động