1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện cần nói rõ về công cuộc chống sốt rét ở miền Bắc nửa thế kỷ trước

(Dân trí) - Ngày 7/10/2015 tôi có đọc trên báo mạng của BBC tin: Bà Đồ U U (tên do BBC dịch ra tiếng Việt) và "thuốc chữa bộ đội VN". Là con trai của Giáo sư Đặng Văn Ngữ, nguyên Giám đốc Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng, đương nhiên tôi rất quan tâm đến tin này.

GS Đặng Văn Ngữ và con trai Đặng Nhật Minh (ảnh tư liệu)
GS Đặng Văn Ngữ và con trai Đặng Nhật Minh (ảnh tư liệu)

Tin đó được BBC ngày 6/10/2015 đưa nguyên văn như sau:

Là giáo sư Học viện Y học Cổ truyền Trung Quốc, bà Đồ U U, 84 tuổi, là người thứ ba nhận giải Nobel Y học năm nay, cùng nhà khoa học William Campbell, người Cộng hòa Ireland và giáo sư Satoshi Omura từ Nhật Bản.

Hai ông Campell và Omura cùng chia giải thưởng cho khám phá về liệu pháp mới chống lại chứng nhiễm trùng gây ra bởi loài ký sinh trùng giun tròn.

Còn bà Đồ U U tìm ra một loại thuốc giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong nơi các bệnh nhân sốt rét.

Trên thực tế, bà không phát minh ra thuốc mà "tìm ra vị thuốc có 1.600 năm tuổi" ở Trung Quốc sau khi tham khảo hàng nghìn tài liệu y học dân gian và cổ truyền Trung Quốc. Bà Đồ U U không được nhiều người biết đến. Tên tuổi của bà được giữ bí mật tại Trung Quốc vì hồi năm 1969, bà Đồ U U tham gia Dự án 523 do chính quyền Mao Trạch Đông lập ra.

Mục tiêu của dự án này là giúp tìm ra thuốc chống sốt rét giết chết hàng nghìn bộ đội "đồng minh Bắc Việt" trong thời chiến tranh, theo báo Anh, tờ Telegraph.

Vào thập niên 1960, ký sinh trùng sốt rét bắt đầu chống lại được các loại thuốc như chloroquine.

Còn theo bài trên báo The Guardian, dự án của ông Mao được lập ra ngày 23/05/1967 để giúp bộ đội Bắc Việt nhưng hai năm sau bà Đồ mới tham gia.

Bà đến đảo Hải Nam để tìm thuốc mới chống sốt rét.

Nhưng cuối cùng vị thuốc bà tìm ra lại trong một cuốn sách nghề y của Cát Hồng (283–343) thời nhà Tấn ở Trung Quốc. Báo The Guardian cũng viết cho đến thời điểm đó "binh lính Bắc Việt, đồng minh cộng sản của Trung Quốc, chết vì sốt rét nhiều hơn vì bom đạn Mỹ".

Tại Trung Quốc bà Đồ U U không được nhiều người biết đến cho đến khi tin về giải Nobel được loan ra.

Theo BBC Tiếng Trung, truyền thông Trung Quốc nay trích lời bà Đồ U U nói chất artemisinin đã có trong thuốc Bắc của Trung Quốc "là món quà cho thế giới".

Báo chí nước này nhân tin bà Đồ được giải Nobel đã nói đây là loại thuốc chống sốt rét "đã cứu hàng triệu sinh mạng".

Sau khi đọc được tin này trên BBC tôi liền gặp bác sỹ Nguyễn Tiến Bửu, Trưởng đoàn chống sốt rét đi vào chiến trường Trị - Thiên năm 1967 cùng với GS Đặng Văn Ngữ để nghiên cứu vaccin chống sốt rét cho bộ đội.  Bác sỹ Bửu rất ngạc nhiên về cái tin liên quan đến thuốc của bà Đồ U U đã cứu chữa cho bộ đội Việt nam.

Là người làm việc tại Viện Sốt rét liên tục từ năm 1957 đến năm 1992 trước khi nghỉ hưu, BS Bửu chưa từng được nghe về dự án 523 do Trung Quốc lập ra để tìm thuốc chống sốt rét cứu bộ đội Việt Nam trong chiến tranh như báo The Guardian và tờ Telegraph của Anh đưa tin.

GS Đặng Văn Ngữ (giữa) cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần Chủ tịch thăm trường Đại học Y- Dược và Bộ môn Ký sinh trùng ngày 14/11/1955. (Ảnh tư liệu)
GS Đặng Văn Ngữ (giữa) cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần Chủ tịch thăm trường Đại học Y- Dược và Bộ môn Ký sinh trùng ngày 14/11/1955. (Ảnh tư liệu)

Bác sỹ cho biết cụ thể tình hình chống sốt rét tại Miền Bắc Việt Nam trong những năm đó như sau:

Từ năm 1957 đến năm 1962 Viện Sốt rét Ký sinh trùng và côn trùng đưới sự chỉ đạo của GS Viện trưởng Đặng Văn Ngữ đã tiến hành khảo sát, điều tra toàn diện bệnh sốt rét trên toàn Miền Bắc Việt Nam. Cuối năm 1962 Chính phủ Việt Nam đã thông qua một Chương trình Tiêu diệt bệnh sốt rét trên toàn miền Bắc trong 3 năm. Chủ tịch Ủy ban Tiêu diệt sốt rét TƯ là Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và người chỉ đạo trực tiếp Chương trình là GS Viện trưởng Đặng Văn Ngữ.

Tất cả các tỉnh thành đến các huyện xã đều có các Ủy ban tiêu diệt sốt rét của địa phương. Chương trình này nhận được sự viện trợ của Chính phủ Liên xô trước đây. Kết thúc chương trình, cuối năm 1964, bệnh sốt rét đã bị đẩy lùi xuống còn 20% - một thành quả rất khả quan nếu biết rằng trước đó có những vùng nông thôn, miền núi, tỷ lệ sốt rét chiếm tới 90 - 100% dân số.

Những năm 60 của thế kỷ trước, cùng với cuộc chiến lan rộng trên toàn lãnh thổ Việt Nam, sự giao lưu qua lại giữa hai miền Nam Bắc trên dãy Trường Sơn khiến bệnh sốt rét có nguy cơ lan từ miền Nam ra Miền Bắc, đe dọa những thành quả tiêu diệt sốt rét đã đạt được.

Tháng 3 năm 1967, Giáo sư Đặng Văn Ngữ cùng các cộng sự gồm 12 y bác sỹ đã lên đường vào chiến khu Trị - Thiên Huế để nghiên cứu tại chỗ một loại vaccin chống sốt rét cho bộ đội, lập một vành đai miễn dịch cách ly hai miền Nam Bắc Việt Nam.

Hướng nghiên cứu vaccin này là bắt muỗi sốt rét, mổ lấy tuyến nước bọt của muỗi rồi qua một quá trình nghiên cứu tiếp theo để cho ra một loại vaccin tiêm ngay tại chỗ cho các chiến sỹ từ Nam ra Bắc cũng như từ Bắc vào Nam.

Công việc nghiên cứu chưa thành thì tháng 4 năm 1967, GS Đặng Văn Ngữ đã hy sinh trong một trận bom B52 tại miền Tây huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Một tuần sau khi giáo sư mất, căn phòng làm việc của Giáo sư tại Viện Sốt rét ở Mễ Trì - Hà Nội cũng bị bom Mỹ đánh sập cùng các tài liệu nghiên cứu của ông. Công việc nghiên cứu vaccin chống sốt rét ngừng lại sau cái chết của GS.

Đoàn nghiên cứu vaccin chống sốt rét được lệnh trở ra Miền Bắc. Bộ Y tế cũng không có chủ trương tiếp tục công trình dang dở này. Công việc chống sốt rét cho bộ đội chủ yếu vẫn tiếp tục như cũ là phòng chống muỗi và sử dụng các thuốc Tây dược như Cloroquine, Quinine, Paludrine, Quinaquine…

Về chuyện thuốc Artemisinin của bà Đồ U U cứu chữa cho bộ đội Việt Nam, bác sỹ Bửu khẳng định là không có. BS Bửu nói: "Nếu bên dược có nhập Artemisinin của Trung Quốc về để điều trị cho bộ đội và nhân dân thì Viện Sốt rét phải là nơi được thông báo đầu tiên để kiểm định trước khi đem ra dùng". Nhưng theo bác sỹ Bửu điều đó đã không xảy ra.

Đến năm 1980 thì ta cũng đã sản xuất được Artemisinin từ cây Thanh hao hoa vàng mọc ở biên giới phía Bắc Việt Nam giống như thứ thuốc mà bà Đồ U U  vừa nhận được giải Nobel về Y học năm 2015.

Đó là tất cả những gì tôi biết được về công cuộc chống sốt rét ở nước ta trong những năm 60, 70 thế kỷ trước và những công việc mà cha tôi đã làm trước khi ông hy sinh.

Ngày 11/10/2015, tôi nhận được một bức thư của GS Vũ Đức Vượng, một người bạn thân gửi từ San Fransisco với nội dung như sau:

Anh Minh thân mến!

Đọc báo, thấy tin bà bác sỹ TQ được giải Nobel làm tôi nhớ đến ông cụ anh cũng vào rừng nghiên cứu vaccin cho bộ đội cụ Hồ ngày nào. Tôi suy nghĩ nhiều về cái tin này... Hôm nay lại thấy một bài nữa, và lần này bà Đồ U U cho biết là đã khởi sự công trình nghiên cứu thuốc chống sốt rét này từ năm 1969.

Anh biết rõ về công việc của bác Ngữ hơn ai hết, và chắc có sẵn tư liệu, nên tôi muốn mời anh viết cho một bài để làm sáng tỏ vấn đề này.

Không những để thế giới hiểu hơn về sự nghiệp bác Ngữ, cũng như làm sáng tỏ liên hệ Việt-Trung gần nửa thế kỷ qua, và nhất là để những thế hệ về sau biết được sự thật của câu chuyện này.

Cám ơn Giáo sư Vượng đã quan tâm đến một việc mà tôi cũng đang rất quan tâm. Tôi đã nhận lời với GS và đã gửi GS những dòng viết trên đây.

Nghiên cứu về sốt rét cũng như các bệnh về ký sinh trùng là công việc GS Đặng Văn Ngữ dành trọn cả cuộc đời. Đến cuối năm 1942, ông đã có 19 công trình nghiên cứu, trong đó có những công trình nổi tiếng thế giới.

Năm 1936, ông phát hiện loại sán Clonorchis sinensis có thể ký sinh ở tụy. Năm 1940, khi điều tra muỗi, ông phát hiện một loài muỗi chưa từng biết và đặt tên là “Muỗi A-nô-phen Bắc Kỳ” (Anopheles Tonkinensis). Nay khắp thế giới đều dùng cái tên này.

Từ công trình phân loại 22 loài muỗi A-nô-phen, ông tìm ra một mã khóa mà nay người ta vẫn thường dùng mỗi khi muốn xếp loại con muỗi vừa bắt được để nghiên cứu.

Điều tra về nấm ông phát hiện giống Piedraia hortai ở Việt Nam mà trước đó người ta nghĩ rằng chỉ có ở Châu Phi. Năm 1942 GS phát hiện một giống ký sinh trùng ở tụy trâu bò được ông đặt tên là Eritrema tonkinensis.

Khi điều tra giun chỉ cũng chính ông phát hiện thêm loài Brugia malayi ở nước ta bên cạnh loài Bancrofti đã biết từ trước, và không ngờ loài trên mới là loài chủ yếu gây bệnh ở nước ta.

Năm 1942 ông sáng tạo phương pháp đếm giun chỉ như đếm hồng cầu được nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài ứng dụng rộng rãi. Nhà Ký sinh trùng Langeron đặt tên là Phương pháp Đặng Văn Ngữ.

Trong Kháng chiến chống Pháp, tại chiến khu Việt Bắc ông đã thí nghiệm và sản xuất thành công nước lọc Penicillin và Streptomycin trong những điều kiện khó khăn của kháng chiến, cứu chữa rất có hiệu quả các vết thương, vết mổ bị nhiễm trùng cho bộ đội.

(theo cuốn Đặng Văn Ngữ - Một trí thức lớn, Một nhân cách lớn - Nhà xuất bản Y học Hà nội, xuất bản năm 2010).

Đặng Nhật Minh

Hà Nội, 12 tháng 10 năm 2015