1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chống tham nhũng, sao cứ ở giai đoạn “cầm cự” mãi thế?!

(Dân trí) - “Qua công tác phòng chống tham nhũng hàng năm thì mới bước đầu ngăn chặn trên một số lĩnh vực, chưa có nhận định nào nói chúng ta đã đẩy lùi được tham nhũng cả. Chúng ta mới ở bước ngăn chặn, mục tiêu đề ra là đến năm 2020 mới bắt đầu đẩy lùi tham nhũng”.

 

Ông Ngô Mạnh Hùng- Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ).
Ông Ngô Mạnh Hùng- Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ).

 

Tại cuộc họp báo thường kỳ sáng 29/10, ông Ngô Văn Khánh- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng báo chí, dư luận đặt vấn đề về thời điểm hoàn thiện đề án kiểm soát thu nhập, tài sản của người có chức vụ, quyền hạn là “rất trúng, đúng và cấp bách”. Ông Khánh yêu cầu Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng Ngô Mạnh Hùng trả lời rõ ràng về vấn đề này.

Theo ông Ngô Mạnh Hùng, đề án kiểm soát thu nhập, tài sản của người có chức vụ, quyền hạn có tính phức tạp cao. “Ban đầu Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu nhưng sau khoảng 4 năm thì Bộ Nội vụ  đã chuyển đề án này sang Thanh tra Chính phủ để hoàn thành và Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo gửi Chính phủ. Chủ thể chịu sự kiểm soát của đề án được  xây dựng trên nền tảng Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 nên vẫn bám sát đối tượng có chức vụ quyền hạn theo quy định của luật, nhưng vừa rồi báo cáo lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đứng trước yêu cầu sửa đổi toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng nên có hướng chưa tiến hành phê duyệt như ban đầu, mà đưa nội dung cơ bản của đề án thành một chế định riêng của luật sửa đổi tới đây”- ông Hùng nói.

Khi được đề nghị đánh giá về phát biểu của ông Trần Đình Nhã - Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh về thời gian “phản công tham nhũng”, ông Ngô Mạnh Hùng nói: “Hình tượng hóa đó nói rất sát trong công tác phòng chống tham nhũng đề ra ngay từ đầu là “ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng”. Qua công tác phòng chống tham nhũng hàng năm thì mới bước đầu ngăn chặn trên một số lĩnh vực, chưa có nhận định nào nói chúng ta đã đẩy lùi được tham nhũng cả. Chúng ta mới ở bước ngăn chặn, mục tiêu đề ra là đến năm 2020 mới bắt đầu đẩy lùi tham nhũng”.

Theo ông Hùng, Thanh tra Chính phủ đang tích cực tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng. Dự kiến tới ngày 30/11 sẽ hoàn thành dự thảo đánh giá và sau đó tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh đối với những nơi chưa đáp ứng được yêu cầu kế hoạch.

Trước đó, phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều 28/10, ông Trần Đình Nhã cho rằng kết thúc kỳ họp đi tiếp xúc cử tri mà cử tri chất vấn vì sao tham nhũng chưa được đẩy lùi thì nên trả lời như thế nào? “Nếu nói lâu nay chống tham nhũng đang ở giai đoạn “phòng ngự, cầm cự” thì cử tri sẽ hỏi bao giờ phản công, sao lại cầm cự mãi thế? Phải chăng đến năm 2018 khi đạo luật phòng chống tham nhũng hiện nay được sửa đổi và có hiệu lực thì chúng ta mới phản công?”- ông Nhã nói.

Ông Nhã còn đề nghị Quốc hội xem xét áp dụng giải pháp mà nhiều nước đã áp dụng mà Việt Nam chưa dám thực hiện, ví dụ như hình sự hóa tội làm giàu bất chính. “Anh giàu lên thì phải chứng minh tài sản do đâu mà có, nếu không chứng minh được thì chúng tôi cho đó là tham nhũng. Singapore, Hong Kong... đã áp dụng những giải pháp này rất hiệu quả” - ông Nhã nêu quan điểm.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm