Quảng Ngãi:

Cấp 358 tấn phân bón trị giá tiền tỷ để dân... ngắm

(Dân trí) - 358 tấn phân bón có giá gần 1,2 tỷ đồng được cấp cho người dân huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) để cải tạo đất sản xuất hiện phải bỏ không vì diện tích đất được cấp thiếu nước canh tác.

Đầu năm 2015, ông Hồ Văn Thông (thôn Tây, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) được cấp 300 m2 đất trồng lúa để bù vào 1.300 m2 bị thu hồi thực hiện dự án hồ chứa nước Nước Trong. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay ông Thông cũng như nhiều hộ dân khác ở thôn Tây chưa canh tác được vụ lúa nào.

"Đất được cấp đầu nguồn mấy con suối nhỏ lắm nên không dẫn nước vào được. Đất cấp rồi đó nhưng không ai làm được hết vì không có nước" - ông Hồ Văn Thông lí giải.


Ông Hồ Văn Thông không biết làm gì với số phân bón được cấp.

Ông Hồ Văn Thông không biết làm gì với số phân bón được cấp.

Đất cấp cho người dân không thể canh tác, vậy mà vào tháng 9/2016, Ban quản lý dự án Hồ chứa Nước Trong lại hỗ trợ 358 tấn phân có giá gần 1,2 tỷ đồng cho 258 hộ dân các xã Trà Thọ, Trà Xinh và Trà Phong (huyện Tây Trà) để cải tạo đất đã được cấp. Vì đất không sản xuất được nên số phân bón người dân nhận được cũng đành để... ngắm.

Ông Thông cho biết thêm: "Họ cấp phân nhưng tôi cũng không đếm, đâu khoảng 100 bao. Nhận về để đó chứ biết dùng vào việc gì? Tiếc lắm mà cũng chịu thôi".


Phân bón chất đống ngoài trời suốt nhiều tháng qua

Phân bón chất đống ngoài trời suốt nhiều tháng qua

Cùng hoàn cảnh đó, anh Hồ Văn Vũ (thôn Trà Veo, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà) được nhận trên 1 tấn phân cũng đành phải chất đống để đó cho nắng mưa làm hư hỏng. Anh Vũ chua xót: "Nhận phân rồi mà đất canh tác không được phải để hư hỏng tiếc lắm. Biết là lãng phí nhưng giờ cũng chẳng thể dùng vào việc gì".

Người dân cho biết thêm, từ trước đến nay họ sản xuất theo tập quán cũ nên không dùng phân bón. Vì vậy nếu có đất sản xuất người dân cũng không biết phải bón phân như thế nào.

Không có đất trồng lúa, hàng trăm hộ dân ở các khu tái định cư của huyện Tây Trà đành phải mua gạo để ăn như người thành thị. Gia đình anh Hồ Văn Bảy (thôn Tây, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà) có 9 miệng ăn. Vì đất không canh tác được nên hàng tháng gia đình anh phải mua gần 100 kg gạo. "Đất không trồng lúa được thì phải mua gạo để ăn thôi. Mỗi tháng mất cả triệu đồng tiền gạo. Không làm được lúa cũng không nuôi được con heo, con gà gì hết" - anh Hồ Văn Bảy cho biết.

Ông Tiêu Viết Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thọ, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi xác nhận: "Khu vực đất được cấp cho bà con do BQL dự án xây dựng hồ chứa nước Nước Trong cùng huyện làm, xã chỉ được mời đến dự việc bàn giao cho bà con. Việc đất sản xuất phải bỏ hoang do thiếu nước chính quyền xã đã nắm được nhưng vượt quá khả năng giải quyết. Chính quyền xã đã có kiến nghị huyện phối hợp với đơn vị chủ đầu tư giải quyết tình trạng này. Riêng việc cấp phân để cải tạo đất là tốt nhưng đất không canh tác được vì vậy số phân bón đã nhận bà con đành để đó".

Ông Phương cho biết thêm: "Trước mắt, chính quyền xã vận động bà con nhân dân chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với điều kiện thiếu nước trên diện tích đất được cấp. Một số diện tích bà con nhân dân các thôn đã bắt đầu trồng bắp và các loại đậu".

Trong khi đó, ông Hồ Văn Thông (thôn Tây, xã Trà Thọ) lại khẳng định: "Đất đầy sỏi đá lại thiếu nước như thế thì không trồng được cây gì cả. Toàn bộ người dân ở đây đều bỏ hoang đất được cấp thôi".

Đất canh tác được cấp không sản xuất được, phân bón đành để không gây lãng phí. Điều này ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân vùng hồ chứa Nước Trong suốt nửa năm qua. Như vậy, một lần nữa câu chuyện hỗ trợ hậu tái định cư cho người dân ở Quảng Ngãi lại được đặt dấu hỏi về tính hiệu quả.

Hà Xuyên