Bộ Nội vụ công bố hàng loạt tỉnh thành “lạm phát” Phó Giám đốc Sở
(Dân trí) - Trước phản ánh của dư luận, Bộ Nội vụ đã vào cuộc kiểm tra, phát hiện hàng loạt tỉnh thành có sai phạm tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức, trong đó có việc “lạm phát” Phó Giám đốc Sở.
Chiều 27/6, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ. Tại đây, ông Nguyễn Tiến Thành – Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cung cấp thông tin kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương gân bức xúc, bất bình trong dư luận thời gian qua.
Ông Thành cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ đã kiểm tra, thanh tra công vụ tại 11 địa phương, đơn vị gồm: tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An); huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế); huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk); tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính; tỉnh Yên Bái; Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP Đà Nẵng; huyện An Dương (TP Hải Phòng); huyện Kim Thành (Hải Dương).
Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ phát hiện một số sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức. Bộ Nội vụ đã báo cáo cấp có thẩm quyền đề xuất kiến nghị khắc phục, xử lý những tồn tại hạn chế, sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.
“Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm, yêu cầu thu hồi quyết định trái pháp luật, xem xét miễn nhiệm chức vụ, chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp qua kiểm tra phát hiện sai phạm; kiểm điểm xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với tổ chức cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật”, ông Thành nói.
Theo quy định Luật tổ chức Chính phủ năm 2015, số cấp phó của người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ (Thứ trưởng, Phó Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ không quá 5 người, riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6 người); số lượng cấp phó của người đứng đầu cấp vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập không quá 3 người và số lượng cấp phó của người đứng đầu Tổng cục không quá 4 người.
Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 24, Nghị định 37 quy định, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (Phó Giám đốc Sở) không quá 3 người; số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn cấp quận, huyện, thị xã (Phó Trưởng phòng) không quá 3 người.
Tình trạng thừa cấp phó đang diễn ra ở nhiều nơi (Ảnh: Tiền Phong)
Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng cấp phó tại một số cơ quan, đơn vị vượt quá so với quy định. Thực hiện chức năng được giao và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ đã kiểm tra, thanh tra tại một số đơn vị như Sở Nông nghiệp &Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa (có 8 Phó Giám đốc Sở); Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Định (có 6 Phó Giám đốc Sở), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương (có 44/46 công chức giữ chức vụ lãnh đạo); Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên (thừa 23 cấp phó).
“Trên cơ sở báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ Nội vụ, Thủ tướng đã chỉ đạo yêu cầu các địa phương có phương án sắp xếp số lượng cấp phó bảo đảm đúng số lượng theo quy định và tổ chức kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm theo quy định pháp luật”, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho hay.
Để tăng cường hơn nữa số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra trong công tác tổ chức cán bộ, Bộ Nội vụ đã đề nghị Thanh tra Chính phủ phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ trong đó có nội dung về tuyển dụng, bổ nhiệm; Thanh tra Chính phủ đã thống nhất với đề nghị của Bộ Nội vụ.
Theo đó, trong năm 2017 và các năm tới, Bộ Nội vụ phối hợp với Thanh tra Chính phủ tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương và giao các bộ, đại phương tự kiểm tra, thanh tra tối thiểu 30% đơn vị thuộc và trực thuộc.
Quang Phong