Bộ Công an giải thích việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, quản lý bằng công nghệ
(Dân trí) - “Một lần nữa khẳng định thông tin bỏ sổ hộ khẩu, bỏ chứng minh nhân dân là thông tin không đúng, không chính xác. Quản lý hộ khẩu là quản lý con người. Ở đây là bỏ phương thức quản lý hộ khẩu bằng giấy, để chuyển sang quản lý bằng công nghệ thông tin thôi”, Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) nhấn mạnh tại buổi họp báo diễn ra sáng nay 7/11.
Trước những băn khoăn của dư luận xung quanh việc xoá bỏ sổ hộ khẩu thu hút sự chú ý của dư luận, sáng nay 7/11, Bộ Công an đã tổ chức họp báo để giải đáp những băn khoăn xung quanh việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân.
“Mấy ngày qua, sau khi Chính phủ ký Nghị quyết 112, thông tin đại chúng rộ lên thông tin tới đây bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân”- Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) nói.
Theo ông Vệ, hiện nay việc quản lý dân cư do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện để phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước. Để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng ngành, lĩnh vực, các cơ quan quản lý nhà nước đều cấp cho công dân một loại giấy tờ. Chính vì thế công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ với những con số khác nhau: Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe các loại, chứng chỉ,…
Thông tin trong các loại giấy tờ này có nội dung trùng lặp (họ, tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch,…) nên khi sử dụng các giấy tờ để truy nguyên công dân thì đều hiển thị các thông tin trùng nhau, nhưng khi tham gia giao dịch lại không thể sử dụng một trong các giấy tờ công dân để chứng minh tình trạng nhân thân của mình.
Ông Vệ cho biết, tình trạng cục bộ, chia cắt thông tin về công dân, không thống nhất về thông tin cơ bản của một công dân trong các cơ sở dữ liệu đã gây lãng phí nguồn lực về tài chính trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và gây lãng phí nguồn nhân lực khi các cơ quan đều thực hiện việc nhập các dữ liệu trùng nhau.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 896 phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Đến năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước công dân (có hiệu lực từ 1/1/2016), quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản nhất của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hoá, số hoá, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ Công an thống nhất, quản lý.
Tháng 3/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07, giao Bộ Công an khẩn trương tổ chức triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên phạm vi toàn quốc. Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội. Thông qua việc thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ Trung ương tới địa phương để dùng chung, nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư.
Cơ sở dữ liệu dân cư tập hợp 15 thông tin cơ bản của mỗi con người, gồm: 1. Họ, chữ đệm và tên khai sinh; 2. Ngày, tháng, năm sinh; 3. Giới tính; 4. Nơi đăng ký khai sinh; 5. Quê quán; 6. Dân tộc; 7. Tôn giáo; 8. Quốc tịch; 9. Tình trạng hôn nhân; 10. Nơi thường trú; 11. Nơi ở hiện tại; 12. Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; 13. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; 14. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; 15. Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
“Các nước trên thế giới không nước nào bỏ sổ hộ khẩu cả, chẳng qua là quản lý bằng công nghệ thông tin. Ở đây là thay đổi quản lý. Người dân sau này chỉ khai một lần đầu, từ đó về sau cơ quan quản lý nhà nước cập nhập thông tin, còn các trường thông tin như thế nào. Không có chuyện bỏ sổ hộ khẩu. Về sau sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu giấy, còn Bộ Công an vẫn quản lý. Khi thu thập xong Cơ sở dữ liệu dân cư, đưa vào ứng dụng rồi thì mới bỏ Sổ hộ khẩu giấy. Khi đó sẽ dùng số định danh cá nhân để thực hiện các giao dịch”- Trung tướng Trần Văn Vệ nói.
Trung tướng Trần Văn Vệ khẳng định, dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc, cần phải hết sức chính xác, không có sai sót nào cả. Chỉ cần sai một chữ đệm thì cũng phải đối chiếu lại. Chính vì thế, sắp tới Bộ Công an sẽ triển khai thu thập, cập nhật đầy đủ 15 thông tin trên cả nước.
Ông vệ khẳng định, thông tin bỏ Chứng minh nhân dân cũng không đúng, bởi Luật Căn cước công dân nói rằng chứng minh nhân dân là giấy tờ bắt buộc của mỗi con người.
“Sang nước ngoài phải có hộ chiếu trong người, đi trong nước phải có chứng minh nhân dân, hoặc căn cước công dân chứ. Sau này sẽ đổi Chứng minh nhân sang căn cước công dân”- ông Vệ nói.
Theo ông Vệ, vừa rồi việc cấp thẻ căn cước công dân ở một số địa phương có trục trặc vì công nghệ sản xuất thẻ căn cước rất hiện đại, gồm màng nhựa 15 lớp, phôi bảo an chống làm giả. Tuy nhiên do mỗi năm phải mất cả trăm tỷ đồng để nhập nhựa, nhập phôi làm thẻ căn cước, nhưng quy định lại yêu cầu 1 tỷ đồng trở lên cũng phải đấu thầu, mời thầu nên rất mất thời gian.
“Vừa rồi chúng tôi nhập nhựa, phôi bảo an, mực, màng bảo quản nhưng gặp trục trặc một tý bên Mỹ nên bị trậm trễ mất nửa tháng. Chúng tôi đã rà soát, tính toán lại nên có thể khẳng định từ nay trở đi không có chuyện bị lỡ, bị chậm cấp căn cước công dân thay thế chứng minh nhân dân nữa. Theo Luật căn cước công dân, 7 ngày với thành phố, 15 ngày với nông thôn sẽ được cấp căn cước mới”- ông Vệ nói.
Trung tướng Trần Văn Vệ nói: “Một lần nữa khẳng định thông tin bỏ sổ hộ khẩu, bỏ chứng minh nhân dân là thông tin không đúng, không chính xác”.
Ông Vệ giải thích thêm, mặc dù hiện nay việc cấp thẻ căn cước công dân đang được thực hiện tại 16 địa phương nhưng từ ngày 1/1/2020 sẽ cấp căn cước công dân trong toàn quốc. Lúc đó có những người dân đang dùng chứng minh nhân dân vẫn được phép sử dụng tới khi hết thời hạn chứ không bắt buộc phải đi đổi ngay sang thẻ căn cước công dân.
Ngoài ra, Bộ Công an được Chính phủ giao xây dựng đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên sau khoảng 2-3 năm tới sẽ xong. “Lúc đó, cơ sở dữ liệu có hết trong máy rồi, cảnh sát khu vực mang Ipad đi là có hết thông tin trong máy rồi. Sau khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thông tin rồi, khoảng năm 2020 xong cơ sở dữ liệu này thì Bộ Công an sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy như hiện nay. Quản lý hộ khẩu là quản lý con người. Ở đây là bỏ phương thức quản lý hộ khẩu bằng giấy, để chuyển sang quản lý bằng công nghệ thông tin thôi”- ông Vệ nói.
Thiếu tướng Lương Tam Quang- Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an khẳng định: “Ở đây chỉ thay đổi cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin. Bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân không có nghĩa là bỏ quản lý, chỉ là thay đổi quản lý từ giấy tờ rườm rà hiện nay sang quản lý bằng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân”.
Ông Quang khẳng định, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ sửa luật Cư trú và Luật sửa đổi bổ sung của Luật Cư trú, sửa đổi 7 nghị định, 5 thông tư liên tịch nhằm thực hiện Nghị quyết 112 của Chính phủ.
Thế Kha