Bác sĩ bây giờ có thể thản nhiên báo tin bệnh nhân bị ung thư?

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung đặt câu hỏi, ngày trước, bác sĩ điều trị thường phải cân nhắc, khổ sở tìm cách thông báo với gia đình bệnh nhân về tin xấu. Nhưng đến giờ, thậm chí với cả bệnh nhân dưới 18 tuổi, bác sĩ cũng nói thẳng thừng. Có lẽ hàng ngày, bác sĩ đã quá quen với việc tuyên bố kết luận một người có u, có hạch ác tính rồi?

Phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội chiều 25/5 có rất nhiều ý kiến, trăn trở về vấn đề an toàn thực phẩm, sức khoẻ người dân.

Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) dẫn số liệu, 4 tháng đầu năm 2017, tình trạng mất an toàn thực phẩm thực sự là vấn đề báo động, làm nhiều người chết, gây hoang mang trong nhân dân. Nghịch lý là các hướng dẫn quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) rất nhiều nhưng thực tế các nội dung khó thực hiện, nhất là về quản lý chất lượng rượu.

“Vừa rồi chúng tôi tiếp xúc cử tri tại địa bàn có 9 người tử vong do ngộ độc rượu ở Lai Châu, rất nhiều cử tri đề nghị đại biểu Quốc hội phải có ý kiến về cấp quản lý nhà nước tại cơ sở huyện. Nếu không có quản lý ở khâu này, người dân không biết kêu ai. Hiện tượng hàng loạt người bị ngộ độc rượu vừa rồi, người dân còn lo lắng là “ma làm” – đại biểu Hiền nêu yêu cầu cấp thiết là thống nhất quan điểm quản lý đặc biệt với mặt hàng rượu.

Đại biểu Trần Thị Dung phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 25/5.
Đại biểu Trần Thị Dung phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 25/5.

Cũng quan tâm vấn đề này, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) nhận định, những năm gần đây, kỳ họp Quốc hội nào cũng rất nóng vấn đề VSATTP, chăm sóc sức khoẻ người dân…

Môi trường sống của người dân xuống cấp, cả vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm tới ô nhiễm nguồn nước, không khí… khiến bệnh tật phát sinh, sức khoẻ người dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Chia sẻ chuyện của gia đình khiến gần đây bà Dung phải lòng vòng thường xuyên không dưới 10 bệnh viện lớn tại Hà Nội, đại biểu nhận thấy cơ sở nào cũng quá tải, số lượng bệnh nhân rất lớn.

“Tôi thấy số lượng người bị chẩn đoán, kết luận các dấu hiệu liên quan đến ung bướu, rồi K rất đông, qua bệnh viện nào cũng thấy không đủ sức phục vụ, điều trị hết cho số bệnh nhân lớn như vậy. Trước đây, y bác sĩ điều trị thường phải cân nhắc, khổ sở tìm cách thông báo, dù chỉ là với gia đình bệnh nhân về tin xấu. Nhưng đến giờ, thậm chí với cả bệnh nhân dưới 18 tuổi, bác sĩ cũng nói thẳng thừng. Có lẽ hàng ngày, bác sĩ đã quá quen với việc tuyên bố kết luận một người có u, có hạch ác tính rồi nên chuyện báo với người bệnh những tin dữ như vậy cũng đã trở thành bình thường?” – bà Dung day dứt.

Thực trạng này, theo đại biểu, rõ ràng thể hiện bối cảnh vấn nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm, những rủi ro với sức khoẻ người dân đến từ đồ ăn thức uống hàng ngày.

Khi mắc bệnh rồi, vấn đề chữa trị, quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế với phần đông người dân cũng không được đảm bảo. Đại biểu bày tỏ sự không bằng lòng với một vài dòng nói tốt về thành tích của việc thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT trong báo cáo so với thực tế

“Tôi xin thưa, việc tiếp cận và hưởng bảo hiểm với người dân không hề đơn giản. Mới đây có phiên giải trình của Bộ trưởng Y tế, thấy vấn đề “thông” lắm nhưng thực tế, người dân có bảo hiểm, nói là được thông tuyến khám chữa bệnh nhưng đến đâu, bệnh viện cấp nào cũng hỏi câu đầu tiên là giấy chuyển viện đâu, không có thì đừng nghĩ đến việc được hưởng bảo hiểm. Mà tại tất cả những bệnh viện tôi đi, bà con đến khám, toàn người ở nông thôn ra, rõ ràng khó khăn mà tiền tiêu thì… khủng khiếp, đơn thuốc nào cũng vài ba triệu là chuyện bình thường. Rồi đồng hành với thuốc trị bệnh là cả đống thuốc bổ đắt đỏ, cũng chẳng ai giải thích thêm là loại nào buộc phải mua, loại nào có thể lựa chọn tuỳ điều kiện” – đại biểu không giấu xót xa.

Cũng chia sẻ những bức xúc về vấn đề bảo hiểm y tế, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đi sâu vào tình trạng trục lợi diễn ra phổ biến, bỏ mặc mọi thứ chỉ đạo của lãnh đạo các ngành, của các Phó Thủ tướng nhan nhản trên mặt báo hàng ngày.

“Kết luận kiểm toán vừa qua cũng nêu nhiều vấn đề chấn động về lĩnh vực y tế. Nào là tình trạng lãng phí, trung tâm y tế xây xong rồi đập đi… xây lại. Trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh thì loạn giá, lãng phí cả triệu USD. Máy móc thì cứ mua theo yêu cầu của bệnh viện, mua rồi đắp chiếu để đó không sử dụng được hoặc sử dụng không hết công suất” – ông Hiền bức xúc.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cũng dành thời lượng nói về tình trạng trục lợi quỹ Bảo hiểm y tế. Là một người từng công tác nhiều năm trong ngành, bà Lan thừa nhận tình trạng xảy ra ở nhiều địa phương với mức độ khác nhau. Nhưng mặt khác, việc “khư khư giữ quỹ” cũng gây khó khăn cho người được hưởng bảo hiểm, kết lại, bệnh nhân thiệt thòi, bệnh viện, bác sĩ không dám sử dụng mọi thứ tốt nhất cho bệnh nhân.

“Đảm bảo an toàn quỹ, giảm chi không phải cách tốt nhất. Mục tiêu của BHYT là phải làm sao phải đảm bảo để người bệnh không mất nhà mất cửa vì chi phí y tế. BHYT là giải pháp về tài chính rất tốt nhưng phải tìm cách quản lý nó cho tốt chứ không phải cứ cái khó thì đổ hết cho bệnh nhân” – nguyên Phó Giảm đốc Sở Y tế TPHCM riết róng.

T.D.K