1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Nam:

Ai “bảo kê” phá rừng phòng hộ để trồng keo?

(Dân trí) - Sau khi thị sát khu vực rừng tự nhiên bị tàn phá, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu lực lượng chức năng phải xử lý nghiêm minh vụ việc; điều tra làm rõ ai là đối tượng chủ mưu đứng sau vụ phá rừng này và đặc biệt là không có vùng cấm trong xử lý vụ việc.

Năm 2016, rừng pơmu ở khu vực biên giới tỉnh Quảng Nam giáp với nước bạn Lào bị tàn phá nặng nề gây xôn xao dư luận. Vụ việc sau đó đã được các cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc điều tra, xử lý. Theo đó, đối tượng cầm đầu đã bị bắt cùng một số đối tượng liên quan. Một số cán bộ trong lực lượng bộ đội biên phòng cũng đã bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm.

Ông Lê Trí Thanh thị sát khu rừng phòng hộ bị phá
Ông Lê Trí Thanh thị sát khu rừng phòng hộ bị phá

Khi vụ phá rừng pơmu xảy ra, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã đích thân dẫn đầu lực lượng gồm công an, nông nghiệp, kiểm lâm… cùng đoàn báo chí lên đến vài chục người vào tận hiện trường để kiểm tra.

Tổng thời gian từ bìa rừng vào khu vực rừng pơmu bị phá và ra lại là hơn 3 giờ đồng hồ với đường núi rất hiểm trở. Với quãng đường như vậy, để mang được một khúc gỗ pơmu ra ngoài là cả một vấn đề. Tuy nhiên, vì lợi nhuận quá lớn nên “lâm tặc” đã làm tất cả để đưa được gỗ về xuôi.

Ai “bảo kê” phá rừng phòng hộ để trồng keo? - 2
Nhiều cây to bị cưa ngã, đốt cháy đen
Nhiều cây to bị cưa ngã, đốt cháy đen

Đối với vụ phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước) này, sau khi dư luận lên tiếng, đích thân ông Lê Trí Thanh cũng dẫn đầu một đoàn liên ngành và báo chí cùng vào tận hiện trường.

So với khu vực rừng pơmu ở huyện Nam Giang, đường vào đến khu rừng tự nhiên ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước hiểm trở hơn, quãng đường cũng gấp đôi với thời gian đi và về lên đến hơn 6 giờ đồng hồ.

Theo quan sát của PV, khu vực rừng tự nhiên bị phá ở đây gồm có rừng thưa, rừng bụi cây thấp xen lẫn với nhiều khu rừng nguyên sinh với cây to hai người ôm không xuể đã bị cạo trọc. Chứng kiến cảnh nhiều vạt rừng bị đốt cháy đen, trọc lóc và nhiều cây gỗ to bị cưa ngang gốc, tất cả thành viên trong đoàn đều sững sờ bởi mức độ tàn phá của “lâm tặc”.

Ai “bảo kê” phá rừng phòng hộ để trồng keo? - 4
Nhiều mảnh rừng phòng hộ bị phá nham nhở
Nhiều mảnh rừng phòng hộ bị phá nham nhở

Theo thống kê ban đầu của huyện Tiên Phước, có hơn 120ha rừng bị đốt, cưa; trong đó có 80ha rừng phòng hộ. Cũng theo lãnh đạo huyện Tiên Phước, trên địa bàn huyện có xã Tiên Lãnh là còn rừng phòng hộ với diện tích khoảng 2.500ha với địa hình rất xa xôi và cách trở. Các xã khác còn rất ít rừng phòng hộ.

Sau khi chứng kiến rừng trên địa bàn mình bị tàn phá, ông Hường Văn Minh – Chủ tịch huyện Tiên Phước đã thốt lên: “Hiện trường để lại làm tôi đau lòng. Với tư cách Chủ tịch huyện, tôi rất áy náy”.

Ông Thanh làm việc với ngành chức năng của tỉnh sau khi thị sát về
Ông Thanh làm việc với ngành chức năng của tỉnh sau khi thị sát về

Còn ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Nam thì cho hay, không phải ngành kiểm lâm không biết về vụ phá rừng này mà đã lập hồ sơ xử lý nhiều vụ việc nhưng chưa phát hiện đối tượng. Ngoài ra, ngành kiểm lâm cũng có sự chậm trễ trong việc xử lý nên người dân tiếp tục lấn rừng phòng hộ để trồng keo.

Một trong những việc mà Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam “rất khó hiểu” là khu vực rừng bị phá không thể nói là để lấy gỗ được vì địa hình rất hiểm trở, không thể đưa gỗ ra ngoài được. Do đó, người dân phá rừng để làm gì, trước mắt là có những rừng keo non đang phát triển trên khu vực rừng bị phá.

Tuy nhiên, trồng keo ở đây theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng không hiệu quả vì không có phương tiện vận chuyển; do đó ông Lê Trí Thanh nhận định, những người cầm đầu trong vụ phá rừng này đã có tính toán vì trong quý I/2018, thủy điện Sông Tranh 3 sẽ tích nước; do đó, khu vực rừng trồng sẽ nằm sát mé hồ thủy điện, bên kia hồ là đường Đông Trường Sơn đang được thi công nên sau khi phá rừng trồng keo, việc vận chuyển sẽ thuận lợi hơn.

Khu rừng phòng hộ bị tàn phá

Đối với vụ phá rừng này, lực lượng chức năng đã phát hiện một đối tượng là ông Phùng Văn Bảy, hộ khẩu ở xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước). Ông Bảy là người đã thuê nhiều hộ dân phá rừng. Tuy nhiên, lãnh đạo xã Tiên Lãnh xác định ông Bảy là hộ nghèo của xã, vậy ông Bảy lấy tiền đâu thuê người phá rừng để lấy đất trồng keo?

Liên quan đến thông tin này, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu lực lượng chức năng của tỉnh tiếp tục điều tra, làm rõ ai là người đứng sau vụ việc này. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Công an tỉnh khẩn trương củng cố hồ sơ để khởi tố bị can; Công an tỉnh cũng xem xét tính chất vụ án rút hồ sơ lên điều tra, xử lý. Đây là vụ án điểm để mang tính răn đe.

“Phải tìm cho ra kẻ chủ mưu. Nếu xác định ông Bảy là chủ mưu thuê dân thì xử lý ông Bảy, nhưng ông Bảy chỉ là người làm thuê thì chúng ta phải tìm ra ai là người thuê ông Bảy. Phải xử lý đúng người, đúng tội, đúng kẻ chủ mưu. Tôi đã nói rồi, luật phát không có khái niệm “vùng cấm” cho dù đó là ai”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm