1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

96 cán bộ thi hành án dân sự bị kỷ luật trong năm 2016

(Dân trí) - Theo Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp), năm 2016 toàn ngành đã kỷ luật 96 cán bộ (tăng 14 trường hợp so với năm 2015) và 14 trường hợp khác vi phạm nghiêm trọng đang bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (Ảnh: BTP)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (Ảnh: BTP)

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2017 sáng 25/11, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Thi hành án dân sự) cho biết năm 2016 đã xảy ra tình trạng mất đoàn kết ở một số địa phương, xuất hiện nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh trong cán bộ công chức nhưng tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự lại không tập trung xử lý dứt điểm dẫn đến nguy cơ trở thành điểm nóng, ảnh hưởng đến môi trường làm việc, tinh thần làm việc của cán bộ công chức (tỉnh Hải Dương, Quảng Bình). Cá biệt, có một số đơn vị có biểu hiện mất đoàn kết ngay trong nội bộ lãnh đạo như ở tỉnh Lạng Sơn, Hà Tĩnh.

Lái xe không có bằng đại học được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng

Tổng cục Thi hành án dân sự phát hiện một số đơn vị đề nghị bổ nhiệm công chức thiếu tiêu chuẩn và đã có văn bản yêu cầu hoàn thiện tiêu chuẩn song hết nhiệm kỳ vẫn không xong. Điển hình là trường hợp bổ nhiệm lại một Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cao Bằng, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu).

Có trường hợp bổ nhiệm công chức không có văn bằng chứng chỉ phù hợp với vị trí bổ nhiệm, mà điển hình là Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình bổ nhiệm lái xe không có bằng đại học làm Phó chánh văn phòng, bổ nhiệm 14 trường hợp không có chứng chỉ quốc phòng-an ninh, 16 trường hợp không có lý luận chính trị.

Thậm chí, một số địa phương đề nghị bổ nhiệm đối với công chức vừa hết thời gian th hành kỷ luật như ở tỉnh Vĩnh Long, Cà Mau hoặc đề nghị bổ nhiệm lại đối với công chức đang thi hành kỷ luật, xảy ra ở tỉnh Quảng Ngãi, Hưng Yên.

Một số Cục Thi hành án dân sự tuyển dụng công chức không đáp ứng yêu cầu về văn bằng chứng chỉ như kế toán viên nhưng lại không có bằng về tài chính, kế toán mà chỉ có bằng cử nhân kinh tế, tuyển văn thư nhưng không có chứng chỉ văn thư; Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình xếp lương bậc 2, bậc 3 cho công chức vừa mới được tuyển dụng mới, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên xếp lương ngạch chuyên viên cao đẳng trong khi quy định hiện hành không có ngạch này...

Một số địa phương thực hiện không đúng quy định về thủ tục đề nghị bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển. Trong kỳ thi tuyển Chấp hành viên năm 2016 nhiều đơn vị cử công chức không đủ thời gian làm công tác pháp luật tham gia kỳ thi, vi phạm quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2014. Điển hình xảy ra tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên cử 2 công chức, Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng cử 1 công chức, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An cử 2 công chức có thời gian làm công tác pháp luật chưa đủ 3 năm đi thi. Chỉ đến khi thí sinh trúng tuyển và Cục Thi hành án dân sự gửi hồ sơ về Tổng cục Thi hành án dân sự thì mới phát hiện ra. Tổng cục Thi hành án dân sự khẳng định điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các công chức khác và gây lãng phí về thời gian, tiền bạc cho chính các công chức đó.

“Năm 2016, ngành thi hành án dân sự đã kỷ luật 96 trường hợp (tăng 14 trường hợp so với năm 2015). Trong đó khiển trách 44 trường hợp, cảnh cáo 27 trường hợp, cách chức 5 trường hợp, hạ bậc lương 8 trường hợp, buộc thôi việc 12 trường hợp. Ngoài ra có 14 trường hợp vi phạm nghiêm trọng, Tổng cục Thi hành án dân sự và Cục Thi hành án dân sự các địa phương đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự hoặc cơ quan điều tra phát hiện, đang xem xét trách nhiệm hình sự”- báo cáo nêu rõ.

“Sao cứ bắt người dân phải đi đi lại lại nhiều lần như thế?”

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, vấn đề kỷ cương, kỷ luật hành chính tại các Cục Thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự còn nhiều “vấn đề”, đưa ra nhiều điều kiện nhiêu khê, sách nhiễu, không sẵn sàng vì công việc và gây phiền hà cho người dân.

“Vấn đề chuyên môn nghiệp vụ phải được xem xét lại khi vẫn vấp phải những ấu trĩ về chuyên môn, ảnh hưởng tới hiệu quả công việc. Nếu ngành thi hành án dân sự không khắc phục được sẽ ảnh hưởng lớn tới việc hoàn thành nhiệm vụ đặt ra”- ông Long nói.

Cảnh báo năm 2017 sẽ có rất nhiều thách thức đặt ra, Bộ trưởng Long yêu cầu từng cán bộ thi hành án dân sự phải tự ý thức được trách nhiệm của mình và có thái độ nâng cao năng lực, trình độ.

Đặc biệt, Bộ trưởng Long yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành thi hành án nhằm giảm tối đa thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân.

“Tại sao không cho phép người dân nộp đơn qua mạng, sao cứ bắt người dân phải đi đi lại lại nhiều lần như thế?. Tôi còn nghe được thông tin không biết có đúng không, là Cục trưởng, Chi cục trưởng thi hành án dân sự ở các địa phương ít khi tiếp dân mà thường ủy quyền cho cấp phó, như thế là không được. Năm nay tôi đề nghị phải đẩy mạnh việc tiếp công dân, để lắng nghe phản ánh của người dân thì mới có cách giải quyết thỏa đáng, phù hợp”- Bộ trưởng Long nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Thành Long và đưa ngay vào chương trình, kế hoạch công tác của toàn ngành trong năm 2017 nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót, vi phạm.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm