1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đề án cải cách chính sách tiền lương:

Trả lương theo vị trí việc làm là một bước đột phá

Mục tiêu của đề án cải cách chính sách tiền lương nhằm xây dựng chế độ tiền lương mới thực hiện từ năm 2021, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đánh giá: Nếu thực hiện được việc trả lương theo vị trí việc làm và kết quả công việc là 1 bước đột phá. Người lao động (NLĐ) mới có thể sống bằng lương, loại bỏ tư tưởng “sống lâu lên lão làng”.

Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công vừa hoàn thành đề án cải cách chính sách tiền lương, chuẩn bị trình Hội nghị T.Ư 7. Ông đánh giá như thế nào về những điểm mới trong đề án này?

- Đề án nêu đã rõ quan điểm: “Tiền lương phải là thu nhập chính” bảo đảm đời sống cho NLĐ và gia đình. Tôi cho đây là quan điểm rất đúng đắn. Trong chương trình cải cách hành chính nhà nước đã ít nhất 2 lần đều nhấn mạnh rằng, phải cải cách chính sách tiền lương, mục tiêu từ 2015, rồi đến mốc 2020, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) phải sống bằng lương nhưng thực ra vẫn chưa đạt yêu cầu.

Chính phủ đang tiếp tục đặt ra vấn đề phải cải cách tiếp. Nếu cứ duy trì cách tính lương theo hệ số, theo nâng ngạch thì không đạt được yêu cầu cải cách, cũng không đáp ứng được mục tiêu công chức phải sống bằng lương.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: NVCC
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: NVCC

Tôi đánh giá cao những đổi mới về chính sách tiền lương như quy định trong khu vực công, đề án bãi bỏ cách tính lương theo hệ số mà quy định về số tuyệt đối trong thang, bảng lương.

Nhà nước trả lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lí với tiền lương trên thị trường lao động.

Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng chế độ tiền lương mới thực hiện từ năm 2021, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Xác định mức tiền lương thấp nhất của khu vực công (là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp) từ năm 2021 bảo đảm không thấp hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp.

Đề án cũng đặt ra định hướng chi trả thu nhập của CBCCVC theo thông lệ quốc tế là tỉ trọng lương chiếm không quá 70% thu nhập và phụ cấp không được quá 30%. Đồng thời, quy định thủ trưởng cơ quan, đơn vị có quyền chi khoản 10% quỹ tiền thưởng (trong lương) chi trả thêm cho NLĐ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có quỹ lương để thủ trưởng bộ, địa phương tuyển dụng nhân tài.

Đặc biệt, quy định trả lương theo vị trí việc làm thì từ trước đến nay nguyên tắc này là rất đúng, bây giờ chúng ta phải quyết tâm thực hiện được. Vị trí việc làm nào, kết quả thực hiện công việc ra sao thì được hưởng lương đó theo công việc và hiệu quả, trách nhiệm của công việc, không nhất thiết phải đi theo thứ bậc hay điểm xuất phát. Việc này cũng sẽ loại bỏ tư duy và tuần tự nâng lương theo kiểu “sống lâu lên lão làng” làm hạn chế khả năng, động lực phát triển của con người.

Quy định trả lương theo vị trí việc làm do thủ trưởng cơ quan đảm nhận khiến nhiều người nghi ngại về tính công khai, minh bạch, lo ngại hiện tượng “con ông cháu cha”, theo ông, có biện pháp nào hạn chế việc này?

- Quả thực, đây chính là mặt trái của quy định trả lương theo vị trí việc làm. Trước kia, chúng ta có thể đánh giá theo tập thể nhưng cũng có hạn chế là nhiều người có được giao nhiệm vụ đâu mà biết người khác hoàn thành như thế nào. Chỉ có người trực tiếp giao nhiệm vụ, thủ trưởng các đơn vị mới có thể nắm chắc được mình giao đến đâu và nhân viên hoàn thành như thế nào.

Để khắc phục vấn đề này, cần tăng cường dân chủ. Mặt khác, hiện nhà nước quy định chi tiết về đánh giá phân loại cán bộ công chức. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần đánh giá đúng, NLĐ hoàn thành ở mức nào sẽ được trả lương tương xứng. Thực tế, nghị định của chính phủ đã quy định rõ, nhưng đánh giá thực tế chưa chuẩn, còn nể nang.

Cần nhấn mạnh là giao quyền hạn cho người đứng đầu cơ quan thì phải nâng cao tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nếu người đứng đầu có sai phạm thì cần phải xử lý thật nghiêm minh.

Thời gian qua, Bộ GDĐT đề xuất việc xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Dưới góc nhìn của 1 chuyên gia nội vụ, ông đánh giá như thế nào về quan điểm nghề giáo là 1 nghề đặc thù và cần có thang bảng lương riêng?

- Theo tôi là sẽ không có 1 đặc thù nào cho bất cứ 1 công việc nào. Bởi tính chất công việc như thế, đặc thù như vậy mới tạo nên quy định về ngành nghề. Vừa rồi, có rất nhiều ngành nghề đều đề nghị quy định là đặc thù. Khi đã có đặc thù được một vài ngành thì ngành khác cũng sẽ kiến nghị là đặc thù. Nếu quy định vậy, sẽ dẫn đến hỗn loạn.

Chúng ta chỉ nên xác định nghề nghiệp của từng ngành như thế thì thuộc vào ngạch bậc lương nào, chứ không nên xây dựng quy định về đặc thù. Ví như, quy định khối Đảng, khối mặt trận đoàn thể có thêm 30%, 25% lương nữa, giáo viên có thêm phụ cấp đứng lớp. Tôi cho rằng, cần tính luôn trong bậc lương chứ không nên có chế độ riêng như vậy.

Theo Báo Lao động