Tăng lương 2018: Cần chú trọng đàm phán chứ không chỉ dựa vào lương tối thiểu

(Dân trí) - “Nếu được Chính phủ thông qua, mức đề xuất tăng lương tối thiểu 6,5 % là sự đồng thuận tạm thời người sử dụng lao động và công đoàn. Tổ chức Lao động Quốc tế tôn trọng kết quả trên. Chúng tôi hiểu rằng khó tìm được sự thoả mãn từ các bên do khác biệt lập trường và lợi ích”.

Tăng lương 2018: Cần chú trọng đàm phán chứ không chỉ dựa vào lương tối thiểu - 1

Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Việt Nam, bày tỏ quan điểm về kết quả Phiên đàm phán tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.

Đại diện ILO thừa nhận sự khác biệt giữa quan điểm của các bên là điều bình thường. Dù thông qua ở mức đề xuất tăng 6,5 % so với lương tối thiểu 2018, đại diện người lao động và công đoàn cho rằng mức đề xuất này đều không đáp ứng kỳ vọng.

“Đại diện người lao động cho rằng mức 6,5 % không đủ sống. Đại diện người sử dụng lao động, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu, lại cho rằng sức cạnh tranh của họ bị ảnh hưởng nếu lương tối thiểu cứ tiếp tục tăng. Đây là những luận điểm mà chúng ta có thể nghe thấy ở hầu hết các quốc gia có hội nhập thương mại toàn cầu” - ông Chang Hee Lee nói.

Theo ILO, doanh nghiệp ở đáy của chuỗi cung ứng toàn cầu có thể cảm thấy lợi thế cạnh tranh về giá sản phẩm phải chịu nhiều sức ép. Do lương tối thiểu liên tục tăng trong những năm gần đây. Điều này cũng diễn ra tương tự với lợi ích của nhóm đại diện người lao động.

Ông Chang Hee Lee đơn cử, trong gần một thập kỷ qua, giá gia công (hay còn gọi là giá CMT - gồm cắt, may, ủi) cho một chiếc áo sơ mi hoặc quần jeans mà các nhà cung cấp của Việt Nam nhận được từ các công ty đa quốc gia vẫn hầu như không thay đổi, thậm chí còn thấp hơn trong một số trường hợp.

Điều này giải thích vì sao những người sử dụng lao động trong các ngành xuất khẩu thường xuyên bị sức ép phải cải thiện hiệu quả của nhà máy, giảm chi phí sản xuất với mong muốn giữ chi phí lao động thấp để duy trì biên lợi nhuận.

Theo đại diện ILO tại VN, lương tối thiểu chỉ đặt ra mức sàn trong khi tiền lương cần được quyết định thông qua đàm phán giữa người sử dụng lao động và người lao động. Về lâu dài, các bên cần chú trọng tới yếu tố thương lượng giữa các bên.

“Nhiều người lao động không có kỹ năng hoặc kỹ năng thấp ngay cả ở các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghệ cao cũng chỉ nhận mức lương tối thiểu hoặc nhỉnh hơn lương tối thiểu một chút. Để bù lại mức lương thấp, họ phải làm thêm giờ, thường với thời gian vượt quá pháp luật cho phép. Đó là do thương lượng tập thể kém phát triển” - ông Chang Hee Lee nói.

Thành quả kinh tế của doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp FDI lớn trong ngành điện tử, cần phải được chia sẻ công bằng hơn. Có thể đạt được mục tiêu này thông qua thương lượng tập thể hiệu quả.

Thương lượng tập thể hiệu quả cần có tổ chức của người lao động hiệu quả, có thể đại diện cho tiếng nói của người lao động và độc lập với người sử dụng lao động. Rất tiếc, hiện các nơi làm việc tại Việt Nam thường chưa làm được điều đó.

“Nếu muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững và toàn diện, Chính phủ Việt Nam cần cải thiện khả năng đại diện của công đoàn và thương lượng tập thể tại nơi làm việc” - ông Chang Hee Lee nhấn mạnh.

Theo ông Chang Hee Lee nói, để lương tối thiểu có hiệu quả trong việc xác lập mức sàn bảo vệ người lao động ở dưới đáy của thang lương và đảm bảo môi trường kinh doanh để phát triển doanh nghiệp bền vững, Việt Nam có thể xem xét một vài gợi ý sau.

Lương tối thiểu nên được xác lập dựa trên bằng chứng về tình hình kinh tế và thị trường lao động, để đảm bảo rằng mức lương tối thiểu mới giúp phát triển doanh nghiệp bền vững trong khi vẫn bảo vệ người lao động không bị trả lương quá thấp.

Để làm được điều này, Việt Nam cần phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động tốt hơn.

Chính phủ cần tăng cường hơn nữa năng lực chuyên môn của Ban thư ký của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

Bộ phận này đóng một vai trò quan trọng giúp cung cấp những phân tích sâu sắc về số liệu kinh tế và thị trường lao động, để những người có vai trò quyết định (đại diện của chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động) có thể đàm phán dựa trên những hiểu biết đầy đủ về bối cảnh và bằng chứng.

Hoàng Mạnh