Nhọc nhằn nghề shipper

Thị trường mua sắm trực tuyến bung nở, nghề shipper (vận chuyển hàng) trở nên “hot”. Tưởng nhẹ nhàng, đơn giản, dễ kiếm tiền, nhưng thực tế đây là một nghề đầy thử thách, đối mặt nhiều rủi ro.

Lắm nỗi gian truân

Đặt mua đôi giày ở shop quen, sau 1 giờ, tôi nhận được sản phẩm mình chọn qua shipper còn khá trẻ: Nguyễn Linh Đức, sinh viên trường Kinh doanh Công nghệ Hà Nội. Đức làm shipper hơn một năm; trước đây có làm thêm một số công việc bán thời gian, nhưng vì bị bó buộc, lại được bạn bè giới thiệu, nên tham gia vào “đội quân shipper”.

Công việc shipper thoải mái về thời gian, thu nhập khá ổn nếu chịu khó, kiên trì, không quản ngại nắng, mưa. Nghề này phù hợp với sinh viên, và đòi hỏi nhiều kỹ năng, nhanh nhạy, am hiểu công nghệ, đường sá…

Ai cũng nghĩ nghề shipper đơn giản, chỉ cần nhận hàng từ người bán giao cho người mua là hoàn thành công việc. Nhưng không phải vậy, Đức cho biết, có lần đi giao hàng hải sản tại khu Royal City (đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), vào giờ cao điểm, đường tắc, đến nơi phải vòng gửi xe dưới hầm, lên tận tầng 25 giao hàng. Vì bị muộn bữa tối, khách nhất định không nhận, Đức đành quay về trả lại chủ hàng.


Một shipper giao hàng tận nhà cho khách. Ảnh: Linh Ngọc

Một shipper giao hàng tận nhà cho khách. Ảnh: Linh Ngọc

Nhưng lúc này hải sản đã bị ươn sau 2 giờ treo ở xe, chủ hàng không chịu nhận, Đức đành ngậm ngùi ôm lấy mớ hàng hơn 1 triệu đồng. Lại một lần khác, Đức đã ứng tiền cho chủ hàng gần 2 triệu đồng, khi đến địa chỉ ghi trên đơn thì không có người nhận. Gọi lại cho chủ hàng thì mới biết mình bị lừa, lúc này chủ hàng đã cao chạy xa bay, tiền ứng coi như mất toi.
Thu nhập khá cao
Dù lắm nỗi gian truân, vất vả, đôi khi gặp rủi ro trong nghề, nhưng nếu chịu khó, cẩn thận, không quản khó, ngại khổ, mỗi tháng shipper cũng kiếm được 10 – 15 triệu đồng. Trần Văn Minh, nick name “Minh láo lở” trong nhóm Ship tìm người – người tìm ship (Hà Nội) chia sẻ, mỗi đơn hàng dưới 1kg trong nội thành khoảng cách trên dưới 5km nhận được 25.000 – 40.000 đồng. Còn đi xa trên 10km là từ 50.000 - 80.000 đồng.

Nhưng các shipper ít nhận đơn lẻ của khách nếu khoảng cách xa, mà chủ yếu kết hợp nhận các đơn trên cùng cung đường. Tính ra, tháng nhiều Minh thu nhập được 12 triệu đồng, tháng ít cũng 6 - 7 triệu đồng. Riêng tháng Tết hoặc những tháng có ngày lễ như Ngày tình nhân, Ngày Nhà giáo, Quốc tế phụ nữ… có nhiều đơn hàng kiếm được 15 - 17 triệu đồng nếu chạy từ sáng đến đêm.
Là người am hiểu công nghệ, chịu khó săn lùng trên các nhóm ship, Phan Hùng Lâm (22 tuổi, nick name “Lâm Pro”) cho biết, cùng nghề shipper nhưng lại có nhiều kiểu: ship cho công ty, lập đội nhận đơn hàng và chia nhau, ship ruột cho shop, ship các đơn lẻ. Không những vậy, làm shipper đòi hỏi phải có smart phone với hệ điều hành OS là iOS hoặc Android 4.2 trở lên, luôn có dữ liệu mạng 3G hoặc 4G.

Và đặc biệt, shipper luôn phải chuẩn bị khoản tiền để ứng trước cho các chủ hàng, đơn ít chỉ dăm chục nghìn đồng, đơn nhiều có lúc đến cả chục triệu đồng. Việc đầu tiên là dùng facebook của mình tham gia vào các nhóm như: Ship tìm người - Người tìm ship, Shipper Hà Nội, Grap Shipper… Sau đó cài các ứng dụng để săn đơn hàng như Ship pro, Snail, 5ship....

Những ứng dụng này sẽ liên kết với các nhóm ship trên facebook giúp shipper “săn” đơn nhanh nhất. Lâm chia sẻ thêm: “Công việc này có thể kiếm tiền dễ hơn so với xe ôm, bởi có thể ghép được nhiều hàng cùng một chuyến đi, đa số là hàng gọn nhẹ treo xe như mỹ phẩm, thời trang, quà tặng..., còn xe ôm thì chỉ chở được một khách/chuyến”. Mỗi tháng, Lâm kiếm được trên 10 triệu đồng.
Nhiều hiểm nguy
Làm nghề shipper được 3 năm nay, là phái nữ, chị Nguyễn Phương Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) đã gặp không ít phiền toái. Nhiều lần khi comment số điện thoại nhận đơn hàng trên nhóm ship, chủ hàng gọi đến, nghe thấy giọng con gái nên họ không mặn mà, thậm chí có người từ chối thuê ship, vì cho rằng phụ nữ thiếu nhanh nhẹn, lại không chở được hàng cồng kềnh. Khi nhận đơn ship hàng, Hoài cũng đã bị nhiều người trêu ghẹo.

Còn Nguyễn Thế Giáp (SN 1994), cựu sinh viên Học viện Kỹ thuật mật mã chia sẻ: Công việc ship hàng ban đầu chưa làm tưởng chừng khó, làm rồi mới thấy bình thường, nhưng khó nhất là phải nhanh tay nhận đơn, thuộc cung đường và các ngõ ngách phố phường. Bên cạnh đó, nghề cũng gặp nhiều rủi ro như lừa đảo, gặp khách hàng khó tính, hàng kém chất lượng khách không ưng, đi đường làm rơi mất, hỏng hàng, va chạm giao thông... “Có những hôm trời nắng chang chang, giữa trưa em đi ship hàng, khi đến nơi, trái cây (mãng cầu và xoài) bị dập nát, khách chê, chủ hàng cũng từ chối nhận lại, khiến em mất toi mấy trăm nghìn” - Giáp tâm sự.

Công việc của shipper là nhận hàng của chủ, liên hệ với khách để giao hàng và thu tiền. Trước khi ship hàng, shipper phải đưa tiền ứng hàng cho chủ, tiền ship do người gửi và người nhận thỏa thuận trước với nhau. Lợi dụng sơ hở đó, nhiều thành phần xấu lừa đảo và chiếm đoạt tiền, hàng hóa của shipper. Hồi mới vào nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm, Giáp bị lừa mất số tiền 500.000 đồng nhưng đành ngậm ngùi cho qua, coi đó là bài học kinh nghiệm.
Tâm sự về nghề shipper, Nguyễn Thế Tùng Dương (20 tuổi, sinh viên Đại học Công nghiệp) cho hay, nghề đã mang lại thu nhập đáng kể, hơn một năm nay, cậu tự trang trải được học phí và tiền thuê nhà, cũng như đảm bảo cuộc sống sinh viên, thường tranh thủ buổi trưa và sau giờ tan học đi ship hàng đến 10 giờ đêm. Nói về rủi ro về nghề, Dương cho biết, có lần bị lừa mất gần 1 triệu đồng, có lần hàng hỏng, phải đền bù cho khách. Nhiều lần, đường tắc, giao hàng muộn, khách không nhận, phải quay trả lại cho chủ...

Nhiều người cho rằng, shipper là nghề “rẻ tiền”, cũng giống xe ôm, cửu vạn, nhưng nếu một ngày không có shipper, công việc giao dịch sẽ khó khăn biết nhường nào khi nhu cầu mua hàng online ngày càng lớn, nhất là ở các TP lớn.

Theo Kinh tế đô thị