1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nhận bảo hiểm xã hội một lần có lợi hơn nhận lương hưu?

(Dân trí) - “Cần hiểu rằng khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là “của để dành" quý giá của chính mình. Khoản tiền này không mất đi và còn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng. Do đó nhận lương hưu sẽ có lợi hơn việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần”.

Nhận bảo hiểm xã hội một lần có lợi hơn nhận lương hưu? - 1

Ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH (Bảo hiểm xã hội VN) - trao đổi với báo giới về so sánh giữa việc nhận lương hưu với nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

“Theo đó, khi nhận BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu. Không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già và sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội” - ông Đỗ Ngọc Thọ nói.

Theo đại diện Ban thực hiện chính sách BHXH, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là một hình thức “của để dành” quý giá của người lao động.

Người lao động có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước.

Cũng trong thời gian bảo lưu, nếu người lao động bị chết thì gia đình còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng đến khi trưởng thành hoặc hưởng đến khi chết.

Cũng theo ông Đỗ Ngọc Thọ, người lao động nhận BHXH một lần sẽ phải chấp nhận sự thiệt thòi lớn. Với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương. Trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 2 tháng lương.

“Như vậy, người lao động bị thiệt mất 0,64 tháng lương và quỹ có lợi. Nhưng chúng ta không khuyến khích việc nhận BHXH một lần cũng chính vì mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân” - ông Đỗ Ngọc Thọ nói.

Theo BHXH VN, nếu so sánh với việc tích lũy thời gian để hưởng lương hưu, thì nhận BHXH một lần sẽ thiệt thòi. Người hưởng lương hưu, ngoài lương hưu còn được quỹ chi trả toàn bộ tiền mua thẻ BHYT (bằng 4,5% mức lương hưu).

Định kỳ, trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (trượt giá) nhà nước điều chỉnh tăng lương hưu tương ứng (từ năm 2003 đến nay nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 15 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5 đến 9,3 lần tùy theo nhóm đối tượng).

“Khi chết gia đình còn được trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng nếu đủ điều kiện hoặc được hưởng trợ cấp tuất một lần với mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu” - ông Đỗ Ngọc Thọ nói.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

BHXH VN: Nhiều tỉnh có chi phí khám chữa bệnh BHYT tăng trên 20 %

Theo BHXH VN, hết tháng 8/2017, số lượt khám chữa bệnh theo thẻ BHYT đạt 91 triệu lượt, đề nghị thanh toán 46.686 tỉ đồng, chi phí bình quân đạt 570.000 đồng/người, so với cùng kỳ năm 2016, lượt khám tăng 14,6 %, đề nghị thanh toán tăng 29,4 %.

Trong đó có 15 tỉnh tăng trên 20% số lượt KCB: Bình Phước 39,9%; Khánh Hòa 34,2%; Hậu Giang 33%. Có 31 tỉnh gia tăng chi phí khám chữa bệnh trên 40% so với cùng kỳ 2016, một số tỉnh gia tăng trên 70%: Kon Tum; Lạng Sơn; Khánh Hòa. Về chi phí khám chữa bệnh cho đối tượng học sinh sinh viên. Tới thời điểm này, BHXH VN đã chi trả cho 803.742 lượt khám, chữa bệnh với chi phí 1.503 tỷ đồng chi trả cho đối tượng học sinh, sinh viên trên toàn quốc. Trong giám sát đợt 3 của Hệ thống giám định của Trung tâm, cho thấy: Trong 7 tháng của 2017 có 1.580 bệnh nhân khám chữa bệnh bình quân từ 8 lần/tháng; khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế, từ 3 cơ sở y tế. Tổng hợp khám chữa bệnh nhiều lần, nhiều cơ sở khám chữa bệnh cho thấy, số khám chữa bệnh từ 8 lần trở lên/tháng, từ tháng 1 - 6/2017 là 1.580 bệnh nhân với số lượt khám chữa bệnh là 100.855 lượt. Khám chữa bệnh từ 3 cơ sở y tế trở lên, từ tháng 1 - 6/2017 có 732 bệnh nhân với số lượt khám là 46.696 lượt.

H.M

Hà Nội: Thu BHXH, BHYT, BHTN đạt hơn 21.193 tỉ đồng

Đây là kết quả triển khai chính sách BHXH, BHTN, BHYT trong tháng 8/2017 do BHXH Hà Nội thực hiện.

Cũng trong tháng 8/2017, BHXH Hà Nội đã phát triển, mở rộng được 903 doanh nghiệp với 2.408 lao động, nâng tổng số doanh nghiệp lên 51.701 doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn Thành phố đạt trên 82,5% dân số Thủ đô (chưa bao gồm BHYT do BHXH Bộ Quốc Phòng cấp). Tính đến hết tháng 8, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT là 3.693,9 tỷ đồng, chiếm 11% số phải thu (giảm 0,6% so với tháng trước). Về thanh tra, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã thực hiện thanh, kiểm tra 77 đơn vị. Số tiền nợ trước khi đi thanh tra, kiểm tra là 36,3 tỷ đồng. Kết quả sau thanh tra, kiểm tra: đã thu hồi 15,5 tỷ đồng tiền nợ BHXH (đạt 42,65%). Phối hợp với BHXH các quận, huyện thực hiện kiểm tra 86 đơn vị sử dụng lao động. Số tiền nợ trước khi kiểm tra là 13,9 tỷ đồng, sau kiểm tra thu hồi 5,1 tỷ đồng (đạt 36,6%).

V.L

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp ra sao?

Ông Tạ Văn Hùng ở Hải Phòng hỏi: Tôi đang chuẩn bị đi đăng ký hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp. Vậy xin hỏi hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được tính như sau:

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

H.M