Lưu ý khi "nhảy việc" sau Tết
Bạn đang ấp ủ kế hoạch tìm một công việc mới để xây dựng sự nghiệp vững chắc trong năm mới? Ở các trang mạng tuyển dụng, bạn có thể tìm thấy cơ hội việc làm phù hợp với năng lực và hoạch định tương lai mà bản thân đã vạch ra. Nếu gặp nhà tuyển dụng đưa ra mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn, điều này càng khiến bạn quyết tâm thay đổi môi trường làm việc.
Theo các chuyên gia quản trị nhân sự, bước sang năm mới cũng là cơ hội để người lao động tìm được công việc mới đúng như mong muốn. Thực tế là sau Tết, các công ty cần một lượng lớn nhân sự để thay thế những người nghỉ việc vào cuối năm trước hoặc tuyển mới hàng loạt vị trí để đáp ứng nhu cầu phát triển, mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với sự cạnh tranh giữa các ứng viên trong cùng một vị trí sẽ khốc liệt hơn. Đối tượng cạnh tranh với bạn ngoài những người mất việc trước Tết còn có sinh viên vừa ra trường và người có ý định "nhảy việc" giống bạn. Do đó, để tránh rơi vào cảnh thất nghiệp, bạn cần cân nhắc và chuẩn bị thật kỹ trước khi nộp đơn xin nghỉ việc ở công ty hiện tại.
Đầu tiên, tài chính là vấn đề bạn nên quan tâm trước khi "nhảy việc". Bạn cần cân nhắc, tính toán xem mình sẽ mất bao lâu để tìm được công việc mới. Trong thời gian đó, bạn cần chuẩn bị sẵn các khoản dự trù để chi tiêu sinh hoạt hằng ngày vì tìm việc là cả một quá trình tìm tin tuyển dụng.
Do vậy, tốt hơn hết, bạn phải khéo thu xếp sao cho có thể vừa hoàn thành tốt công việc hiện tại vừa có thể tìm hiểu cơ hội việc làm ở các doanh nghiệp khác. Bạn không nên để quá trình tìm việc mới ảnh hưởng đến năng suất công việc hiện tại bởi đây là đạo đức nghề nghiệp. Việc thay đổi chỗ làm là vấn đề khá tế nhị. Do vậy, bạn không nên để đồng nghiệp, nhất là cấp trên, biết được thông tin.
Bạn cũng nên dành thời gian để hệ thống lại quá trình làm việc từ trước đến nay để đánh giá xem năng lực bản thân đang ở mức nào, định hướng những công việc phù hợp trong tương lai và mức lương tương xứng với vị trí đó là bao nhiêu. Có như vậy, bạn sẽ tránh được vòng luẩn quẩn: Nộp hồ sơ, phỏng vấn, bị đánh rớt rồi lại đi nộp hồ sơ. Điều đó khiến bạn vừa tốn thời gian, công sức và cả tiền bạc.
Cuối cùng, bạn phải cập nhật ngay hồ sơ xin việc vì đây là công cụ đầu tiên tiếp cận với nhà tuyển dụng. Sau khi có hồ sơ hoàn chỉnh, bạn cần chủ động tìm việc bằng nhiều kênh khác nhau. Nếu yếu tố cung - cầu gặp nhau, bạn sẽ sớm nhận được cuộc gọi liên hệ phỏng vấn và tìm được một công việc như mong muốn.
Theo Thúy Liễu/Báo Người lao động