Lao động tay nghề cao khan hiếm, liên tục nhảy việc, doanh nghiệp điêu đứng
Một trong những nỗi lo lớn của các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh là thiếu lao động chất lượng cao.
Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh có hơn 300.000 doanh nghiệp và dự báo đến năm 2020 sẽ có 500.000 doanh nghiệp. Như vậy, nhu cầu nguồn nhân lực sẽ ngày càng tăng. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp lo lắng hiện nay là nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có tay nghề cao phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động đang rất thiếu.
Đặc biệt, khi các doanh nghiệp đang chuyển mình theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì nhu cầu về nguồn nhân lực cao lại càng cấp thiết hơn.
Để có được 400 cán bộ, nhân viên phục vụ cho việc sản xuất linh kiện cung ứng cho Tập đoàn Điện tử Samsung, Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên tại TP. Hồ Chí Minh đã phải vất vả ngược xuôi tìm kiếm nhân lực.
Cùng với việc kêu gọi các chuyên gia từ các tập đoàn đa quốc gia, các Việt Kiều, công ty liên tục tìm kiếm, chọn lựa những kỹ sư, cử nhân, công nhân kỹ thuật vừa tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trường nghề. Vất vả, chật vật mãi cuối cùng các công ty này cũng đã có đội ngũ 400 nhân viên. Tuy nhiên, sau khi có được đội ngũ này, công ty lại phải phối hợp với tập đoàn Điện tử Samsung tiếp tục đào tạo lại để giúp họ nâng cao chuyên môn, tay nghề phù hợp với công việc.
Ông Châu Bá Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên cho biết: “Khó khăn nhất chính là nguồn nhân lực. Thời gian đầu kiếm nguồn nhân lực rất khó. Thời điểm đó nếu không có được nguồn nhân lực có kinh nghiệm và nguồn nhân lực tự mình đào tạo ra, thì khó có thể mà tiếp cận và đi đến vận hành doanh nghiệp, cải tiến theo yêu cầu của tập đoàn Samsung”.
Không chỉ gặp khó về tuyển dụng, các doanh nghiệp còn gặp khó vì tình trạng nhảy việc, chuyển dịch lao động có tay nghề cao.
Bình quân, mỗi năm tỷ lệ người lao động nhảy việc tại các doanh nghiệp khoảng 20%. Điều đáng lo nhất là tình trạng nhảy việc của lực lượng lao động tay nghề cao, chuyên môn giỏi. Vì vậy, để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực lao động có chất lượng cao, doanh nghiệp phải có nhiều phương án để duy trì đội ngũ này. Đặc biệt, đến năm 2020, khi TP. Hồ Chí Minh đạt chỉ tiêu 500 ngàn doanh nghiệp thì nhu cầu nguồn nhân lực sẽ càng tăng. Nếu không có phương án, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn cho hoạt động của đơn vị mình.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Chủ trương của cả nước đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp, riêng TPHCM có 500 ngàn doanh nghiệp. Nếu có 500 ngàn doanh nghiệp thì phải có 500 ngàn CEO, Vì nếu có doanh nghiệp mà không có CEO thì không thể xây dựng thương hiệu tốt, cũng không thể định hướng phát triển. Nếu không làm tốt về nguồn nhân lực thì lao động chất lượng cao, chất xám của nước ta sẽ bắt đầu chảy sang các nước khối kinh tế ASEAN”.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và dự báo đến 2025 tại thị trường lao động TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nhu cầu tỷ trọng lao động có trình độ đại học, cao đẳng vẫn chiếm thị phần cao trên 30%, bên cạnh đó lực lượng trung cấp, công nhân kỹ thuật đáp ứng cho các nhà máy sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang ngày càng gia tăng, nhất là nhóm ngành về công nghệ, kỹ thuật.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết hiện nay, doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng không quá chú trọng bằng cấp. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc mà là nhân lực đó có phù hợp với yêu cầu tuyển dụng hay không. Kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề mới là yếu tố chính để người lao động có được việc làm mà mình mong muốn.
Ông Trần Anh Tuấn cho rằng nguồn nhân lực của thị trường lao động phải là nguồn nhân lực có chất lượng cao, có kiến thức thực hành kết hợp với lý luận. Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tác phong công nghiệp, ngoại ngữ cũng đặc biệt quan trọng. Hiện Việt Nam đang tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, do đó sự am hiểu về công nghệ, ứng dụng CNTT vào công việc là điều cần thiết.
Rất nhiều doanh nghiệp trải qua quá trình vất vả tìm kiếm nhân lực đã chỉ ra rằng các trường đại học, cao đẳng và trường nghề cần phải nhanh chóng chuyển hướng đào tạo những gì mà xã hội và doanh nghiệp cần, chứ không nên đào tạo những gì mà mình đang có, để tránh tình trạng đào tạo ra nguồn nhân lực không đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.
Các trường cần liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nhân lực đúng nhu cầu hay theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Đồng thời phải thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường với các doanh nghiệp trong từng ngành để tăng cường khả năng thực tập, tạo sự phù hợp, thích nghi với điều kiện làm việc bên ngoài cho sinh viên, học sinh trong quá trình đào tạo. Như vậy mới có thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng mà doanh nghiệp cần, góp phần tạo việc làm cho xã hội, phục vụ hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp và thúc đẩy Thành phố Hồ Chí Minh phát triển.
Theo Cao Thoa/VOV - TP. HCM