“Lương 3 triệu đồng, nhiều tiến sỹ bỏ việc”: Chỉ nhà khoa học không có phụ cấp

“Ngành giáo dục, phụ cấp nghề nghiệp là 25%, công chức là 30%, chỉ riêng các nhà khoa học không có bất cứ phụ cấp nào ngoài lương cơ bản”, GS.TSKH Dương Ngọc Hải, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói về bất cập trong đãi ngộ với các nhà khoa học.

Ngành khoa học công nghệ là ngành duy nhất không có phụ cấp. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Ngành khoa học công nghệ là ngành duy nhất không có phụ cấp. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Vì sao ngành khoa học công nghệ lại là ngành duy nhất không có phụ cấp? Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Bộ đã nhiều lần đề cập đến chế độ phụ cấp cho cán bộ nghiên cứu nhưng các cơ quan quản lý liên quan cho biết, sẽ không cấp phụ cấp nghề nữa nên không có. Theo TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, dù cơ quan quản lý liên quan cho biết, không cấp phụ cấp cho các ngành nhưng cuối cùng chỉ có ngành khoa học công nghệ là không có phụ cấp.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, từ trước đến giờ ngành KHCN không có chính sách phụ cấp. Bộ KH&CN và Bộ Nội vụ đã báo cáo Chính phủ việc này. Tuy nhiên thời gian qua, tạm thời chưa quy định chế độ phụ cấp cho các ngành để chờ đề án cải cách tổng thể tiền lương. “Sắp tới, trong đề án cải cách tổng thể tiền lương sẽ nghiên cứu, xem xét phụ cấp cho các nhà khoa học cũng như nhiều ngành khác để đảm bảo có sự thống nhất hài hòa, tránh tình trạng ngành này có, ngành kia chưa có”, ông Tuấn nói.

Khó thu hút và giữ chân người giỏi

Vậy trong thời gian chờ đề án, làm sao tăng chế độ đãi ngộ của cán bộ nghiên cứu trong bối cảnh thu nhập quá thấp hiện nay? Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, đối với một số ngành đặc thù phải xin cơ chế riêng. Thời gian qua, chỉ có một lĩnh vực của khoa học công nghệ là năng lượng nguyên tử được có chính sách đặc thù nhằm thu hút nhân lực. Các lĩnh vực còn lại vẫn trong cơ chế chung.

Ngoài ra, để sử dụng, trọng dụng nhà khoa học, tháng 5/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 40 quy định về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, đề xuất các ưu đãi cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này. Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được ban hành tháng 11/2015. Tuy nhiên, ngay cả khi chính sách này đi vào cuộc sống, chỉ một bộ phận rất nhỏ các nhà khoa học có được chính sách đãi ngộ tốt hơn.

“Ưu đãi những người đặc biệt xuất sắc là chính sách đúng nhưng chưa đủ. Số lượng cán bộ đạt tiêu chí ưu đãi của Nghị định 40 sẽ rất ít, phần lớn các cán bộ nghiên cứu còn lại cũng là những người có thành tích tốt, hầu hết học ở nước ngoài về. Nếu không có chính sách đãi ngộ tốt, lương TS ở mức 3 triệu đồng như hiện nay thì không thể giữ chân được”- PGS.TS Trương Xuân Lam, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật.

“Ưu đãi những người đặc biệt xuất sắc là chính sách đúng nhưng chưa đủ. Số lượng cán bộ đạt tiêu chí ưu đãi của Nghị định 40 sẽ rất ít, phần lớn các cán bộ nghiên cứu còn lại cũng là những người có thành tích tốt, hầu hết học ở nước ngoài về. Nếu không có chính sách đãi ngộ tốt, lương TS ở mức 3 triệu đồng như hiện nay thì không thể giữ chân được”, PGS Trương Xuân Lam nói.

Theo GS.TSKH Dương Ngọc Hải, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, mức lương trung bình của thạc sỹ trên dưới 3 triệu đồng, của TS dưới 5 triệu đồng. Ngoài mức lương cơ bản, các nhà khoa học có thêm thu nhập từ đề tài nghiên cứu.

Tuy nhiên, các đề tài nghiên cứu lúc có, lúc không, tùy thuộc vào ngành nghiên cứu. Đặc biệt, các nhà khoa học trẻ không dễ để tiếp cận được với các đề tài nghiên cứu. “Chúng tôi có chính sách hỗ trợ mỗi nhà khoa học trẻ khoảng 30-50 triệu đồng tiền nghiên cứu mỗi năm. Tuy nhiên cũng phải cạnh tranh rất mạnh, năm người chỉ một người có được đề tài. Vì thế việc thu hút người giỏi về làm việc rất khó khăn”, GS Hải nói.

Theo Báo Tiền phong