Độc đáo những "chiêu" giữ chân nhân tài

Có nhiều cách giữ chân nhân tài tưởng như "không giống ai" nhưng lại được nhân viên ủng hộ.

Độc đáo những "chiêu" giữ chân nhân tài - 1

Statnews mới đây đăng tải thông tin Tập đoàn Bảo hiểm Y tế Aetna (Mỹ) trả thêm tiền cho nhân viên nếu họ ngủ đủ giấc. Cụ thể, nếu mỗi tối nhân viên ngủ được hơn 7 tiếng sẽ nhận thêm 1,25 USD. Với 20 buổi tối ngủ đủ 7 tiếng hoặc hơn, nhân viên sẽ có thêm 25 USD và mỗi năm, số tiền một nhân viên của tập đoàn này có thể nhận thêm từ chính sách này là 300 USD. Đây được đánh giá là sáng kiến khá độc đáo, được tập đoàn này đưa vào chương trình hành động chăm sóc sức khỏe cho nhân viên tại nơi làm việc.

Theo Mark Bertolini - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Aetna, nếu ngủ đủ giấc, người lao động sẽ ở trạng thái sẵn sàng để làm việc và như vậy sẽ có năng suất làm việc tốt nhất. Để hiện thực hóa kế hoạch này, nhân viên của Aetna sẽ được trang bị các thiết bị theo dõi sức khỏe và dữ liệu về thời gian ngủ sẽ được thu thập tự động.

Bên cạnh đó, Aetna còn tổ chức một loạt hoạt động khác để chăm sóc sức khỏe nhân viên như nhắc nhở mọi người về sự quan trọng của giấc ngủ, đăng bài trên Tumblr gợi ý những tư thế ngủ lý tưởng, đăng video lên YouTube sử dụng diễn viên đóng thế nhằm mô tả những hành vi không kiểm soát được của con người khi ngủ không đủ giấc.

CEO của Hãng Dịch vụ tài chính Charles Schwab (Mỹ) tuyển dụng nhân viên bằng cách mời người dự tuyển đi ăn sáng. Trong khi đó, Google lại cho nhân viên dành ít nhất 20% thời gian của họ để làm "những gì họ tin là có lợi nhất cho Google". Với chính sách này, nhân viên của Google có thể tự do làm việc mình thích miễn họ cho đó là những việc sẽ mang lại kết quả tốt nhất cho Công ty. Google còn tổ chức các bữa ăn miễn phí, các lớp học thể dục, chơi bowling, massage tại văn phòng... để khiến công việc trở nên thú vị đối với nhân viên. Chính cách này đã giúp Google trở thành một trong những môi trường mơ ước của biết bao người lao động.

Sáng kiến của Aetna hay chính sách khá lạ của Google đã tạo ra sự hài lòng về công việc cho nhân viên, từ đó giúp họ gắn bó với công ty. Đây được xem là yếu tố rất quan trọng để giữ chân người lao động, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đối với các doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh toàn cầu hiện nay.

Một nghiên cứu của Power2Motivate năm 2015 cho thấy, việc sử dụng các chính sách phúc lợi đang ngày càng trở nên quan trọng, bởi mối quan tâm của người lao động đang thay đổi. Người lao động có xu hướng đầu quân về những doanh nghiệp có chính sách phúc lợi đáp ứng các nhu cầu cá nhân một cách toàn diện hơn cũng như đánh giá đúng thành tích của họ.

Những lợi ích về tài chính không còn là mối quan tâm hàng đầu của người lao động nữa. Reuters đầu năm 2016 đưa thông tin: Năm 2015, các tập đoàn đa quốc gia như J.D.Power, Pricewaterhouse Coopers, WPP Plc có văn phòng tại Trung Quốc không sử dụng "đòn bẩy" tăng lương để thu hút chất xám mà lại đầu tư hàng chục ngàn đô la để lắp đặt hệ thống lọc không khí và thiết bị theo dõi ô nhiễm trong văn phòng. Không phải các doanh nghiệp này xem nhẹ vấn đề lương mà "vấn đề về môi trường làm việc là quan trọng hơn cả".

Ở Trung Quốc, báo động về ô nhiễm môi trường khiến nhiều người lao động rời các công ty để tìm nơi làm việc mới đảm bảo cho sức khỏe của bản thân. Ô nhiễm không khí đã trở thành thách thức hàng đầu trong việc thu hút và giữ chân nhân tài của các tập đoàn quốc tế có trụ sở ở Trung Quốc.

Tại Việt Nam, kết quả khảo sát về nơi làm việc tốt nhất Việt Nam do cộng đồng mạng việc làm trực tuyến Anphabe kết hợp với Nielsen tổ chức tháng trước cho thấy xu hướng gia tăng về kỳ vọng của người lao động đối với chất lượng công việc và cuộc sống. Đáp ứng kỳ vọng này, các yếu tố cơ bản như lương, thưởng là quan trọng nhưng chưa phải là tất cả. Môi trường làm việc, cơ hội phát triển, văn hóa và giá trị công ty cũng như chất lượng công việc và cuộc sống rất được người lao động quan tâm.

Theo Xuân Thảo/Doanh nhân Sài gòn