1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đề nghị không khen thưởng, dự thầu với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

(Dân trí) - “Số nợ BHXH của các doanh nghiệp lên tới hơn 3.370 tỉ đồng, xếp hàng đầu trong cả nước. Bảo hiểm xã hội Hà Nội đề nghị không đưa doanh nghiệp nợ BHXH vào diện xem xét tôn vinh và khen thưởng; tham gia dự thầu theo quy định tại của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/10/2013”.

Đề nghị không khen thưởng, dự thầu với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội - 1

Ông Nguyễn Đức Hoà, Phó Giám đốc phụ trách Bảo hiểm xã hội Hà Nội, phát biểu tại buổi làm việc của Thường trực thành uỷ Hà Nội với cơ quan Bảo hiểm xã hội Hà Nội, hôm 8/8.

Giải thích rõ hơn điều này, ông Nguyễn Đức Hoà cho biết: Theo quy định về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư tại Mục C, khoản 1, Điều 5 Luật Đấu Thầu năm 2013, nhà thầu là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng điều kiện “không bị kết luận nợ, không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật”.

“Trong khi đó, dù còn nợ hoặc trốn đóng BHXH, chưa thực hiện trách nhiệm với người lao động theo pháp luật nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tham gia vào đấu thầu, thậm chí còn được khen thưởng. Chính vì vậy, đề xuất của BHXH Hà Nội nhằm ngăn chặn tình trạng nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm túc pháp luật bảo hiểm xã hội” - ông Nguyễn Đức Hoà nói.

Đề xuất này dựa trên thực tế: Số nợ BHXH của các doanh nghiệp lên tới 3.378 tỉ đồng, qua 7 tháng đầu năm 2017.

Mặc dù số nợ có giảm 19,2% so cùng kỳ năm 2016, nhưng Hà Nội vẫn là địa phương có tỷ lệ nợ cao nhất trong cả nước. Trong đó, 23.955 doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền là 2.612 tỉ đồng, chiếm 77,3% tổng số nợ BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của 334.694 lao động.

Cũng theo BHXH Hà Nội, trong tổng số các doanh nghiệp nợ BHXH, có hơn 4.500 doanh nghiệp đã ngừng giao dịch, đơn phương chấm dứt giao dịch, bỏ trốn, phá sản, giải thể với số tiền 478,8 tỉ đồng, chiếm 18,3% tổng số nợ.

Đại diện BHXH Hà Nội kiến nghị với Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về quản lý nợ BHXH, đặc biệt là đối với nhóm nợ khó thu đề nghị không tính vào tỷ lệ nợ BHXH.

“Nhiều doanh nghiệp dù trên giấy tờ còn nợ BHXH, nhưng thực tế đã không còn tồn tại từ lâu. Thậm chí trụ sở và các phương tiện làm việc khác cũng không còn. Trong khi đó, quyền lợi tham gia BHXH của người lao động trong doanh nghiệp vẫn chưa được thực hiện. Thực tế này đòi hỏi phải có giải pháp để xử lý rốt ráo” - ông Nguyễn Đức Hoà cho biết thêm.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Hà Nội: Liên ngành ra quân nhằm giảm tỷ lệ nợ BHXH

Từ nay tới cuối năm 2017, các cơ quan liên ngành của Hà Nội gồm BHXH, Công an TP, Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ thành phố và Cục Thuế sẽ cùng phối hợp đưa ra các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ nợ BHXH đến cuối năm 2017 xuống dưới 4%.

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc phụ trách BHXH Hà Nội, đến hết tháng 6/2017, tổng số nợ BHXH của các doanh nghiệp trên TP Hà Nội là 2.938 tỷ đồng chiếm 8,8% tổng số thu năm 2017. Số nợ trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của 682.405 lao động và chính sách an sinh xã hội nói chung. Những doanh nghiệp nợ đọng BHXH tập trung trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, giao thông, bất động sản, cơ khí, dệt may. Nguyên nhân chính của tình trạng nợ đọng là do tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn, bất lợi nên không ít doanh nghiệp đã dừng hoạt động, đơn phương chấm dứt giao dịch với cơ quan BHXH. Ngoài ra, do các sở, ban ngành liên quan chưa thật sự quyết liệt, xử lý vi phạm chậm, qua nhiều khâu, nhiều cấp nên hiệu quả chưa được cao. Bên cạnh việc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH của các cơ quan liên ngành, đại diện Liên đoàn lao động TP Hà Nội còn đề nghị lựa chọn các doanh nghiệp lớn hoặc khanh vùng 5 - 10 doanh nghiệp nợ động số tiền lớn để xử lý mạnh tay, làm gương cho các doanh nghiệp khác trong 6 tháng cuối năm.

V.T

Mức xử phạt người lao động khi vi vi phạm bảo hiểm thất nghiệp

Ông Lê Tất Đạt (Vĩnh Long) hỏi: Mức xử phạt đối với người lao động có các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 26, Điều 27 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 thì người lao động có các hành vi sau sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo hiểm thất nghiệp:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hoặc tham gia không đúng mức quy định.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp sau đây:

+ Thỏa thuận với cơ sở đào tạo nghề làm giả hồ sơ để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;

+ Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: tìm được việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

V.L

Các quyền của Trung tâm dịch vụ việc làm trong bảo hiểm thất nghiệp?

Bạn Lê Quyên (Phú Thọ) hỏi: Tôi chuẩn bị tới Trung tâm dịch vụ việc làm để đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Vậy xin hỏi Trung tâm dịch vụ việc làm có các quyền gì trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp?

Trả lời:

1. Theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trung tâm dịch vụ việc làm có quyền:

Từ chối yêu cầu hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp không đúng quy định của pháp luật; Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và quản lý Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Q.T