1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“Con đường đại học” không phải là duy nhất?

Bằng cách nào đó ngành giáo dục tạo ra “xã hội học tập”, ai cũng muốn đến trường, ai cũng muốn có bằng cấp là tín hiệu tốt cho tương lai. Nhưng...

Kỳ thi THPT Quốc gia đã xong, giờ là lúc các trường đại học tuyển chọn đội ngũ cử nhân mới cho vài năm sau. Mặc cho tình trạng thất nghiệp tràn lan, mỗi mùa thi vẫn là nơi ươm mầm hàng triệu ước mơ lập thân lập nghiệp

Dư thừa cử nhân không có nghĩa là tấm bằng đại học không thể đi đến thành công, nhưng để tấm bằng cử nhân là biểu tượng thật sự của tri thức, kỹ năng còn phải xét kỹ từng trường hợp, nhất là khi chất lượng giáo dục bậc cao có vấn đề.

Bằng cách nào đó ngành giáo dục tạo ra “xã hội học tập”, ai cũng muốn đến trường, ai cũng muốn có bằng cấp là tín hiệu tốt cho tương lai. Nhưng lại thiếu đi sự tính toán mang tính chất thị trường nên mới phát sinh thất nghiệp tràn lan.

Từ thất nghiệp nhiều người chứng minh cho xã hội thấy đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Dĩ nhiên quá trình học tập, tích lũy tri thức giúp cho con người tự mở lối đi riêng.

Không thiếu những cử nhân “rẽ trái” làm kinh tế, những công chức có chức vụ rời công sở làm tư nhân, tiến sĩ nuôi ếch, giảng viên trồng dưa… điều đó vô cùng ý nghĩa trong môi trường rất thừa bằng cấp.


Nữ giảng viên thành công với mô hình trồng dưa lưới

Nữ giảng viên thành công với mô hình trồng dưa lưới

Nói đại học không phải con đường duy nhất không có nghĩa là coi nhẹ sự học tập mà cái tứ ở đây là không nhất thiết phải làm những gì đã học theo một con đường duy nhất là “hợp đồng - thi công chức - ổn định suốt đời với quyết định biên chế”.

Như thế không có nghĩa là xấu nhưng để tìm hướng đi mới, tạo ra lối tắt khiến bản thân mình trở nên có ý nghĩa với xã hội cần có đột phá, thậm chí khác người.

Một giảng viên ngành nông học quê ở Hà Tĩnh bỏ biên chế về quê thuê đất trồng dưa lưới, đó không phải là sự điên rồ, mà nếu nhìn kỹ lại logic hết cỡ. Được đào tạo chuyên môn nông nghiệp, có kinh nghiệm giảng dạy, tận dụng kiến thức áp dụng vào thực tế tạo ra thu nhập cao hơn nhiều lần lương viên chức èo uột.

Nông trại của giảng viên nông học có thể thay đổi diện mạo làng quê nghèo, tạo công ăn việc làm, cái đáng giá hơn là có thể làm chủ bằng trí tuệ và sức lực bỏ ra.

Ba chàng kỹ sư xây dựng bỏ công việc bàn giấy về quê mở xưởng bún sạch ở Quảng Trị. Lại thêm trường hợp chẳng liên quan gì ngành nghề được học, sự thành công được chứng minh bằng thu nhập hàng tháng tăng lên nhiều lần, đóng góp cho quê hương.

Những người có học thức làm giàu bằng trí tuệ tạo ra cho xã hội nhiều ích lợi hơn chúng ta tưởng, đó không chỉ là sự bất thường, chuyện lạ. Mà tạo ra đội ngũ doanh nhân có chất xám, không phải là những trọc phú sản sinh ra từ “sốt” đất hoặc mánh lới.

Những đầu tiên mang đến cho hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp một sự thật rằng, đại học không phải là con đường duy nhất, học xong đại học không có nghĩa là khởi nghiệp thành công.

Sự thành công của những tấm bằng đại học đi “ngược chiều” một lần nữa khẳng định sức mạnh của trí tuệ, cử nhân, thạc sĩ là tầng lớp tinh hoa nên có thể khẳng định mình bằng nhiều cách – không nhất thiết là một công việc nhàn hạ, lương bổng đều đặn.

Mặt tích cực của thất nghiệp là nó tạo ra làn sóng khởi nghiệp khi những người trẻ bị dồn vào chân tường. Thời đại kinh tế thị trường nên thật uổng phí hàng trăm ngàn tri thức trẻ cứ ôm bằng hy vọng lách qua khe cửa hẹp mang tên “công chức”.

Xã hội học tập kéo theo hệ lụy “học để làm quan”, song bản chất của việc học là để thành NGƯỜI, học để nhận thức đúng quy luật, học để mở mang hiểu biết. Tốt nghiệp ngành sư phạm không làm thầy không có nghĩa là lãng phí, tri thức tích góp được chắc chắn có tác dụng suốt đời.

Tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, thậm chí bảo vệ xong luận án Tiến sĩ mà không làm đúng ngành nghề hoặc bỏ nghề không phải là thứ gì đó quá ghê gớm. Đến như Bill Gates hay Mark Zuckerberg đều nghỉ ngang khi còn là sinh viên, nhưng không có nghĩa là những người ấy không học.

Thực tại nguồn nhân lực có bằng cấp dư thừa đặt ra yêu cầu tìm hướng đi mới, đó là khởi nghiệp tự thân. Một nền kinh tế mạnh và có tương lai là nơi có đội ngũ doanh nhân trẻ dồi dào, được đào tạo bài bản.

Những cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp, hoặc không có mảnh bằng nào vẫn tràn trề cơ hội trở thành công dân tiêu biểu, doanh nhân thành đạt.

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp