1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chốt đề xuất lương tối thiểu, robot thay công nhân, học nghề trước - đại học sau…

(Dân trí) - Lương tối thiểu 2019 đề xuất tăng thêm 5,3 %; nguy cơ robot thay công nhân; mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên năm học 2018-2019; phê duyệt tổng biên chế công chức 2019; giao lưu giáo dục nghề nghiệp: Học nghề trước, đại học sau…là những điểm nổi bật trong lĩnh vực lao động việc làm tuần qua.

Chốt đề xuất lương tối thiểu, robot thay công nhân, học nghề trước - đại học sau… - 1

Lương tối thiểu 2019: Chốt đề xuất tăng ở mức 5,3 %

Sau khi bỏ phiếu, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2019 là 5,3%. Đây là sự đồng thuận của 15/15 thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia.

Trước đó, trao đổi nhanh với PV Dân trí, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, cho biết: Tổng LĐLĐ VN đã chấp nhận nhượng bộ tới mức đề xuất mức tăng 6,1 % so với mức lương tối thiểu của năm 2018. Trong khi đó, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), cho biết dự kiến đề nghị mức tăng khoảng 5,1 %.

Tuy nhiên khi sát giờ bỏ phiếu, các bên đã thống nhất đề xuất bỏ phiếu ở mức tăng 5,3 %, 15/15 thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia thống nhất. Mức tăng lương tối thiểu 2019 tương ứng ở vùng 1 là 200.000 đồng; vùng 2 là 180.000 đồng; vùng 3 và 4 đều là 160.000 đồng so với mức lương tối thiểu của năm 2018. (xem thêm)

Sửa Luật Lao động: Tuổi nghỉ hưu, robot thay công nhân, đình công... được nêu ra sao?

Buổi họp đầu tiên của Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Bộ Luật Lao động sửa đổi đã được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 16/8, tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần phải nghiên cứu các đặc thù và đánh giá tác động cụ thể đối với các đối tượng được điều chỉnh trong các vấn đề như: Tuổi nghỉ hưu, tranh chấp lao động, đình công, vai trò của tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở, tác động của cách mạng 4.0 trong quan hệ lao động...

Đồng thuận quan điểm đó, ông Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN chi biết: Trong tương lai không xa, doanh nghiệp sẽ áp dụng thành quả của tự động hóa, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và kinh doanh. Câu chuyện về quan hệ lao động, hợp đồng lao động, tiền lương, tranh chấp lao động giữa chủ sử dụng lao động và người lao động sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

“Nhìn từ góc độ cách mạng 4.0, chúng ta sẽ thấy vấn đề tranh chấp lao động, tuổi nghỉ hưu có thêm nhiều yếu tố mới. Bởi, máy móc sẽ dần thay thế con người ở nhiều công đoạn. Do vậy nếu không tính tới yếu tố cách mạng 4.0, chúng ta sẽ bị tụt hậu trong vấn đề xây dựng pháp luật lao động” - ông Đặng Nguyên Anh phân tích. (cụ thể)

"Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay"

Đúng 14h30 ngày 15/8, buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giáo dục nghề nghiệp: Học nghề trước, đại học sau” đã diễn ra với 3 khách mời: ông Lê Quân Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; Thầy Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search - Công ty cổ phần Navigos Group Việt Nam.

Đây là những vấn đề đang được dư luận quan tâm được bàn luận chuyên sâu tại Giao lưu trực tuyến về giáo dục nghề nghiệp, gắn kết đào tạo và việc làm. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH, Báo điện tử Dân trí thực hiện vào hồi 14h30 ngày 15/8 (thứ 4) tại trụ sở Báo điện tử Dân trí (Hà Nội).

Cụ thể, vì sao lương khởi điểm của thợ nghề không thua cử nhân? Doanh nghiệp cần người làm việc hay người có bằng cấp? Tại sao cử nhân phải giấu bằng đi làm công nhân? Kỹ năng gì cần có khi tìm việc? Chọn vào đại học hay học nghề?...

Mục tiêu của chương trình Giao lưu nhằm giúp bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa của chọn ngành học, chọn nghề có thêm các thông tin đa chiều và trung thực từ “3 nhà”, gồm: Nhà quản lý, nhà đào tạo và nhà doanh nghiệp. (Chi tiết)

Mức đóng - hưởng BHYT của học sinh, sinh viên năm học 2018-2019 ra sao?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) vừa ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách BHYT dành cho học sinh, sinh viên trong năm 2018-2019. Ngoài quy định mức và phương thức đóng, BHXH VN cũng quy định phạm vi quyền lợi hưởng chế độ khám chữa bệnh theo thẻ BHYT cho học sinh, sinh viên.

Mức đóng BHYT của HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, đối tượng đóng 70% còn lại.

Số tiền HSSV đóng BHYT hiện tại là: 70% x 4,5% x 1.390.000 = 43.785 đồng/ tháng.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHYT của HSSV là: 30% x 4,5% x 1.390.000 = 18.765 đồng/tháng.

Phương thức đóng: Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng. Địa điểm đóng: cơ sở giáo dục, nhà trường HSSV đang theo học. (xem thêm)

Phê duyệt tổng biên chế công chức năm 2019

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1016/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2019.

Theo đó, tổng biên chế công chức năm 2019 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế công chức dự phòng và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 259.598 biên chế.

Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 258.163 biên chế, trong đó: Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 105.189 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 151.906 biên chế; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.068 biên chế. (cụ thể)

Nhiều nhà quản lý doanh nghiệp, giáo sư tự hào vì đi lên từ học nghề

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân, ngay tại CHLB Đức và Nhật Bản, nhiều doanh nhân, giáo sư đại học luôn tự hào vì đi lên từ học nghề. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng, người đi lên từ học nghề được đánh giá cao bởi ý thức kỷ luật, không ngại khó ngại khổ, có chí hướng, cầu thị và ham học hỏi.

Điều này nhằm lý giải việc học nghề là một kênh hướng nghiệp hợp lý với nhiều bạn trẻ. Đồng thời, học nghề cũng là cách để bạn trẻ có thể học lên trình độ cao hơn, khi bản thân đã hội tụ đủ điều kiện việc làm bền vững, thu nhập ổn định.

Để làm tốt điều này, một trong những việc cần làm ngay là thực hiện tốt công tác phân luồng từ cấp THCS. Điều này đã được kiểm chứng ở nhiều nước kinh tế phát triển. Theo đó, tỷ lệ phân luồng vào học nghề của các quốc gia rất cao, thậm chí có nước đạt trên 50%.

“Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến 2020, khoảng 30% học sinh vào học nghề. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh vào học nghề những năm qua còn chiếm thấp bởi tâm lý trọng bằng cấp và nhiều nguyên nhân khác nhau” - Thứ trưởng Lê Quân cho biết.(Chi tiết)

Hoàng Mạnh