Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Lương hưu đã tăng 8 lần từ năm 2008”

(Dân trí) - “Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ cũng đã 8 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng với mức tăng thêm 168,5% so với cuối năm 2007...”.


Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. (Ảnh vietnamnet.vn)

Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. (Ảnh vietnamnet.vn)

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung vừa trả lời về vấn đề lương của người nghỉ hưu trước năm 1990, người nghỉ hưu có mức lương hưu thấp. Đây cũng là thắc mắc của nhiều cử tri tại Phiên trả lời chất vấn tại Hội trường kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới đời sống của những người nghỉ hưu, trong đó có người nghỉ hưu trước năm 1993.

“Từ năm 2003 - 2007, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ 164,8% đến 228,8% (tuỳ thuộc vào mức lương khi nghỉ hưu và thời điểm nghỉ hưu) so với mức lương hưu của tháng 12/2002” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Trong đó người nghỉ hưu trước tháng 9/1985 và trước tháng 4/1993 được điều chỉnh với tỷ lệ cao hơn những người nghỉ hưu ở giai đoạn từ tháng 4/1993 trở về sau.

Riêng từ năm 2008 đến nay, Chính phủ cũng đã 8 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng với mức tăng thêm 168,5% so với cuối năm 2007.

Thông qua việc thực hiện điều chỉnh lương hưu nêu trên, đời sống của người nghỉ hưu từng bước được cải thiện và Chính phủ cũng đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt chênh lệch lương hưu của người nghỉ hưu giữa các thời kỳ.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2017/NĐ-CP ngày 30/6/2017 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng với mức điều chỉnh tăng thêm là 7,44% trên mức lương hưu và trợ cấp của tháng 6/2017 và thời gian thực hiện từ ngày 01/7/2017. Bộ LĐ-TB&XH cũng ban hành Thông tư số 18/2017/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2017 để hướng dẫn Nghị định này.

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH thẳng thắn thừa nhận: “Tuy nhiên, do chính sách bảo hiểm xã hội được thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng, tiền lương của người lao động ở thời kỳ sau luôn có xu hướng được cải thiện hơn so với thời kỳ trước.

Do đó khi nghỉ hưu cũng thường có mức lương hưu cao hơn, việc điều chỉnh lương hưu nhằm đảm bảo sự tương quan về mức lương hưu giữa các thời kỳ nhưng cũng chưa xử lý triệt để được".

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đối với những người nghỉ hưu có mức lương hưu thấp, ngày 11/11/2015, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 99/2015/QH13 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, theo đó: “Từ ngày 01/01/2016, thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2.000.000 đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở...”.

Triển khai Nghị quyết số 99/2015/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995.

Ngày 15/7/2016, Bộ LĐ-TB7XH đã ban hành Thông tư số 23/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Theo đó từ ngày 1/1/2016, tăng thêm 250.000 đồng/người/tháng đối với người hưởng lương hưu có mức lương hưu dưới 2 triệu đồng/tháng và tăng thêm 150.000 đồng/người/tháng đối với người hưởng trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng với mức trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.

Thời gian qua, khi Nhà nước điều chỉnh tăng mức lương cơ sở thì lương hưu cũng được điều chỉnh với tốc độ tăng tương ứng nhằm đảm bảo tương quan giữa người nghỉ hưu và người tại chức.

Trên cơ sở kết quả thực hiện việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để rà soát, đánh giá và đề xuất các phương án điều chỉnh lương hưu cho các giai đoạn tiếp theo.

Hoàng Mạnh