Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Giải quyết dứt điểm 1.342 người có công chưa được hưởng chính sách”

(Dân trí) - “Khi hăng hái đi thanh niên xung phong, họ không quan tâm việc làm hồ sơ! Nay, họ đã già hoặc sắp mất nhưng vẫn chưa nhận được chính sách hỗ trợ chỉ vì thiếu giấy tờ. Đây là nỗi day dứt lương tâm. Nếu không quyết liệt xử lý, chúng ta sẽ không bao giờ có thể trả nợ người dân…”


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tới thắp hương tại Đền thờ 10 liệt nữ dân quân xã Lam Hạ (Phủ Lý, Hà Nam).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tới thắp hương tại Đền thờ 10 liệt nữ dân quân xã Lam Hạ (Phủ Lý, Hà Nam).

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bộc bạch trong buổi làm việc giải quyết những vướng mắc về chính sách cho người có công tại tỉnh Thái Bình hôm 25/5. Trong đó có nhiều trường hợp người có công nhưng chưa được hưởng đầy đủ hỗ trợ của Nhà nước vì thiếu giấy tờ xác nhận.

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình, đối tượng người có công chiếm tới 19% dân số, trung bình lớn gấp đôi các tỉnh khác. Qua công tác rà soát người có công trong năm 2013-2015, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình phát hiện 1.342 trường hợp người có công chưa được hường chính sách vì thiếu giấy tờ liên quan.

Theo ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thái Bình, đa số các đối tượng này là người cần được suy tôn liệt sĩ, thanh niên xung phong, người hưởng chế độ thương binh, đối tượng chịu ảnh hưởng của chất độc hóa học.

“Trong đó nhiều trường hợp thiếu hồ sơ, chưa đủ và thiếu điều kiện giải quyết, nhiều gia đình liệt sĩ và thương binh…”.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tới thăm mẹ VNAH tại thành phố Thái Bình.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tới thăm mẹ VNAH tại thành phố Thái Bình.

“Thái Bình là một tỉnh nằm trong trọng điểm của chính sách người có công. Nếu gỡ được vướng mắc về mặt chính sách ở đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ áp dụng thêm ở 18 tỉnh trong năm 2017, tới năm 2018 sẽ giải quyết các trường hợp trong toàn quốc” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Trăn trở trước số lượng lớn người có công còn chưa được hưởng chính sách vì thiếu giấy tờ, ông Đào Ngọc Dung cho rằng cần có một cơ chế để xử lý quyết liệt những tồn đọng từ nhiều năm nay.

“Cả nước có hơn 8,8 triệu người có công và 3 triệu người hưởng trợ cấp. Nhưng thực tế, vài ngàn hồ sơ người có công vẫn đang chờ xác minh và công nhận, 13.000 hồ sơ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đang chờ để xử lý…Ngành LĐ-TB&XH đang trăn trở tìm cách “giải mã” những khó khăn này, nếu không thì sẽ khó đến bao giờ mới có thể trả nợ hết cho nhân dân” - ông Đào Ngọc Dung cho biết.

“UBND tỉnh sẽ trình lên Bộ trong tháng 6 một quy trình xử lý các trường hợp thiếu giấy tờ. Nếu được phê duyệt, mô hình này sẽ có thể là căn cứ để giải quyết các trường hợp tương tự các những tỉnh khác” - ông Nguyễn Hồng Diễn cho biết.

Hồ trợ chính sách an sinh, đào tạo nghề tại Hà Nam

Cùng ngày 25/5, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đã làm việc với UBND tỉnh Hà Nam. Sau khi nghe báo cáo về việc còn tồn đọng hơn 170 người có công chưa được hưởng chế độ. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Cục Người có công và UBND tỉnh cần kết hợp đưa ra quy trình xử lý dứt điểm trong năm 2016.

Về đầu tư dạy nghề: Trên cơ sở đề xuất của tỉnh và khảo sát thực tế, Bộ LĐ-TB&XH đồng ý việc đề xuất Chính phủ bổ sung trường Cao đẳng nghề Hà Nam vào danh sách hơn 40 trường nghề chất lượng cao. Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo Tổng cục Dạy nghề chọn 12 nghề được quốc tế công nhận để triển khai cho lao động trong tỉnh, nhằm cung cấp cho doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động. Ưu tiên con em hộ nghèo, đối tượng chính sách, khu vực nông thôn.

Nhằm giải quyết rốt ráo vấn đề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gợi ý cách làm ở nhiều địa phương khác như: “Những trường hợp không đủ giấy tờ hoặc mất giấy tờ, các địa phương giải quyết bằng cách trao đổi trong nhân dân, trong chi bộ Đảng và công khai về chủ trương chính sách trong việc xử lý. Sau một thời gian nhất định, nếu người dân không có đơn từ kiện cáo thì có thể xem xét việc giải quyết cá biệt. Có như thế mới có thể giải quyết được các trường hợp”.

Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH và tỉnh Thái Bình thống nhất nguyên tắc xử lý 1.342 trường hợp tồn đọng về chính sách người có công trong năm 2016 theo hướng: Trường hợp nào đủ chính sách sẽ giải quyết nhanh. Trường hợp nào còn thiếu, các bên ban hành quy trình có tính nguyên tắc và giải quyết cá biệt trường hợp.

TIN VẮN:

Thanh Hoá: Tổ chức Lễ tiếp nhận và an táng 26 bộ hài cốt liệt sĩ

Sáng 10/5, tại Nghĩa trang liệt sỹ Bá Thước (Thanh Hoá), Bộ LĐ-TB&XH và Tỉnh ủy, HĐND, UBND-MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức buổi lễ tiếp nhận, truy điệu và an táng 26 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước CHDCND Lào và cán bộ, lưu học sinh Lào hy sinh trong những năm chiến tranh.

Tham dự buổi lễ, về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; đại diện Bộ Quốc phòng, Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa và đông đảo quần chúng nhân dân. Về phía nước bạn Lào có ông Phim Mạ Chăn Vông Nha, đại diện Đoàn công tác đặc biệt của Chính phủ nước CHDCND Lào và tỉnh Hủa Phăn.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, số hài cốt trên được các đoàn tìm kiếm cất bốc trong giai đoạn 2015-2016, gồm: 19 hài cốt liệt sỹ là quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào và 7 hài cốt liệt sĩ được quy tập trong nước. Sau thủ tục tiếp nhận long trọng, các hài cốt liệt sĩ sẽ được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

Được biết nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa cùng các lực lượng chức năng của quân đội đã nỗ lực đi tìm hài cốt các liệt sỹ để đưa về quê hương.

N.P

Hoàng Mạnh