1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bảo hiểm xã hội VN giải thích mức tăng đóng BHYT

(Dân trí) - Liên quan tới thông tin, từ năm học 2015-2016, mức đóng BHYT của HS-SV tăng từ 3% lên 4,5%; thời gian đóng là 15 tháng thay cho 12 tháng như trước đây. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng Ban thực hiện Chính sách BHYT (BHXH VN).

Mức đóng BHYT cho HS-SV tăng từ 3% lương cơ bản lên 4,5 % từ năm học 2015-2016.
Mức đóng BHYT cho HS-SV tăng từ 3% lương cơ bản lên 4,5 % từ năm học 2015-2016.

<?> Thưa ông, lý do của việc tăng mức tham gia BHYT từ năm học 2015-2016 là gì?

- Trong Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có quy định, mức đóng của học sinh, sinh viên được điều chỉnh từ 3% (mức lương cơ sở, tức là 1.1.50.000 đồng) lên 4,5% từ năm học 2015-2016. Việc tham gia sẽ tính theo năm tài chính.

Năm 2015, do đặc thù thẻ BHYT của học sinh, sinh viên năm học 2014-2015 sẽ hết hạn vào tháng 9. Nên việc quy định tham gia BHYT năm học 2015-2016 sẽ kéo dài thêm 3 tháng (từ tháng 10-12). Do đó, thời gian đóng sẽ là 15 tháng thay cho 12 tháng.

Về việc tăng mức đóng từ 3% lên tới 4,5%. Nếu xét riêng rẽ, Quỹ BHYT của học sinh, sinh viên khi mức đóng BHYT là 3% vẫn đủ chi trả chi phí khám, chữa bệnh cho nhóm đối tượng này.

Tuy nhiên, Bảo hiểm y tế là sự chia sẻ cộng đồng giữa các thành viên trong xã hội, người khỏe chia sẻ với người ốm, người trẻ chia sẻ với người có tuổi, người có thu nhập cao đóng cao bù đắp cho người có thu nhập thấp đóng thấp.

Do vậy, Quỹ BHYT học sinh chủ yếu do phụ huynh đóng góp, nếu quỹ này không sử dụng hết sẽ được chia sẻ lại cho những người khác cùng tham gia, trong đó cha, mẹ, ông bà của người học sinh đó.

Hơn nữa, theo Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng, nên mức đóng cũng phải tăng lên tương ứng.

Đối với học sinh, sinh viên, ngoài việc Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, quyền lợi của các em còn được hưởng hơn những nhóm đối tượng khác. Đó là các em được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường mà kinh phí trích từ nguồn đóng BHYT.

Đối với các trường hợp học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, thân nhân quân đội, công an vẫn được nhà nước cấp 100% kinh phí đóng BHYT; thuộc hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70%- ông Lê Văn Phúc nói.

<?> Nhiều bậc phụ huynh phàn nàn rằng mức đóng góp đầu năm học đã quá lớn, nay lại có thêm khoản kinh phí bổ sung về BHYT. Vậy, để tăng tính linh động thì BHYT có giải pháp nào hỗ trợ các bậc phụ huynh trong việc tham gia và khám chưa bệnh cho con em họ, thưa ông?

- Năm học 2015-2016 là năm đầu tiên thực hiện quy định đóng BHYT học sinh theo năm tài chính (từ 1/1 đến 31/12 của năm đó). Liên bộ Y tế - Tài chính quy định có thể đóng theo 6 tháng hoặc 12 tháng (trước đây, đóng theo năm học, từ tháng 01/10 năm trước đến 30/9 năm sau).

Năm nay là thời điểm chuyển giao nên BHXH Việt Nam cũng đã có hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế địa phương mình để thu BHYT học sinh nhằm thuận lợi cho người tham gia.

Theo đó, phương thức thu có thể thực hiện theo 3 cách:

Thứ nhất, đóng từ nay đến hết năm 2015 (3 tháng), sau đó lại đóng tiếp cho năm sau.

Thứ hai, có thể năm nay đóng 3 tháng, năm sau chia làm hai đợt, mỗi đợt đóng 6 tháng. Điều này tạo điều kiện cho các gia đình rất nhiều.

Thứ ba, nếu gia đình nào có điều kiện thì có thể đóng luôn 15 tháng.

BHXH Việt Nam cũng lưu ý đối với BHXH các địa phương triển khai thực hiện trước hết phải hướng tới sự thuận tiện cho gia đình học sinh, thông báo cho gia đình biết và có được sự đồng thuận.


Ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng Ban thực hiện Chính sách BHYT (BHXH VN). 

Ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng Ban thực hiện Chính sách BHYT (BHXH VN). 

<?>  Không ít phụ huynh đặt vấn đề về tính lãng phí khi bắt buộc phải tham gia BHYT với con mình. Bởi họ đang mua bảo hiểm của nhiều hãng bảo hiểm tư nhân cho con với mức cao hơn và thủ tục thuận lợi, chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn hẳn tuyến các bệnh viện khám BHYT. Vậy, nên chăng chỉ áp dụng đối với những gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc trung bình, thưa ông?

- Luật quy định về các đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT, trong đó có học sinh, sinh viên.

Việc cha mẹ mua bảo hiểm y tế cho con không chỉ thể hiện ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật mà còn thể hiện sự quan tâm đến con cái, trong đó quan trọng nhất là sức khỏe và việc học tập.

Ngoài ra, như tôi đã nói tham gia bảo hiểm y tế đó là sự chia sẻ cộng đồng.

Trên thực tế, không nhiều người có thể tham gia BHYT của các công ty bảo hiểm thương mại, bởi mức đóng BHYT hằng năm của các công ty này rất cao.

Đồng thời, mức chi trả sẽ tỷ lệ thuận với mức đóng bảo hiểm. Đây là điểm khác biệt rất lớn với BHYT do Nhà nước tổ chức thực hiện.

Mức chi trả BHYT học sinh, sinh viên không phụ thuộc vào mức đóng mà phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý. Hầu hết các chi phí khám, chữa bệnh sẽ được quỹ BHYT chi trả, học sinh, sinh viên chỉ phải trả 20% chi phí khám, chữa bệnh.

Nhiều trường hợp học sinh, sinh viên bị bệnh nặng đã được quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đồng mỗi năm, điều này chắc chắn không có ở bảo hiểm thương mại.

Về việc một số ý kiến của phụ huynh, người tham gia BHYT còn phàn nàn về chất lượng, thủ tục khám, chữa bệnh BHYT, tôi cho rằng trong thời gian qua, ngành y tế đã có rất nhiều cố gắng để cải thiện vấn đề này. Thực tế là cung cách phục vụ người bệnh đã được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, cũng không phải một sớm một chiều có thể đáp ứng được tất cả nhu cầu của người dân. Hiện tại, hơn 70% dân số đã có BHYT, người bệnh đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện (đặc biệt là tuyến huyện, tỉnh) chủ yếu là người có thẻ BHYT.

Trong khi đó ngành y tế còn thiếu về nhân lực, cơ sở vật chất nên việc xếp hàng, chờ đợi tại các bệnh viện là khó tránh khỏi.

Ngành BHXH, ngành y tế đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và người tham gia BHYT cũng nên chia sẻ với những khó khăn chung của đất nước.

<?> Đứng về phía các nhà trường, không ít đơn vị phản hồi về việc họ chỉ đứng ra thu hộ BHXH. Trong khi đó, nhiều phụ huynh phàn nàn về mức đóng và khả năng không tham gia BHYT, ý kiến ông về việc này ra sao?

- BHYT là một trong những chính sách an sinh xã hội lớn của Đảng và Nhà nước ta, vì vậy Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện đã quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân trong thực hiện BHYT.

Tại tiết a, Khoản 5 Điều 2 Thông tư liên tịch số 41/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2015 của liên Bộ Y tế-Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT quy định rõ:  “Cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của học sinh, sinh viên 6 tháng hoặc một năm một lần nộp vào quỹ BHYT”. Như vậy đây là trách nhiệm chứ không phải thu “hộ” như một số đơn vị nêu ý kiến.

Ngoài ra, Luật BHYT cũng quy định Bộ Giáo dục và đào tạo có trách nhiệm phối hợp để tổ chức tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên tại nhà trường; Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm tham gia BHYT.

- Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh (thực hiện)