1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bảo hiểm xã hội tự nguyện: 200.000 người tham gia sau...9 năm triển khai

(Dân trí) - “Sau 9 năm qua mới có 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện. So với gần 13 triệu người tham gia BHXH bắt buộc là một con số còn khiêm tốn. Trong khi đó, cả nước còn khoảng 35 triệu lao động trong khu vực phi chính thức, thuộc đối tượng của BHXH tự nguyện nhưng chưa tham gia…”


Năm 2018, nhiều chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện có hiệu lực

Năm 2018, nhiều chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện có hiệu lực

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp chia sẻ tại Hội thảo bàn về giải pháp triển khai chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH và Bảo hiểm xã hội VN tổ chức sáng 22/2 tại Hà Nội.

Phát triển chậm

Đánh giá khách quan, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng chính sách BHXH tự nguyện khi được liên thông với chính sách BHXH bắt buộc đã giúp gần 30.000 người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng. Trước đó, họ thuộc nhóm không có cơ hội hưởng lương hưu vì có dưới 20 năm đóng BHXH.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng thẳng thắn nêu ra tốc độ phát triển đối tượng BHXH tự nguyện còn chậm và có nguy cơ khó thực hiện được nhiều mục tiêu lớn.

“Nghị quyết số 15-NQ/TW năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 -2020, Nghị quyết số 21-NQ/TW năm 2012 của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu đế năm 2020, có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Đây là một thách thức rất lớn đối với Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp trăn trở.

Ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH VN) nói về những khó khăn phát triển đối tượng BHXH tự nguyện

Trong khi đó, số lao động tham gia BHXH bắt buộc trong cả nước mới chỉ khoảng 12,9 triệu người, chiếm khoảng 24 % lực lượng lao động.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, cho rằng: Với tư cách là đơn vị thực hiện chính sách BHXH, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đang là vấn đề được BHXH VN quyết liệt tìm các giải pháp triển khai hiệu quả.

“Ngoài việc rút ra bài học thực tiễn thời gian qua, BHXH VN đang tiếp tục yêu cầu các cơ quan chuyên môn gấp rút đề xuất các giải pháp tổng thể kết hợp với vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) hoàn thiện chính sách về phát triển đổi tượng tham gia BHXH tự nguyện” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Nguyên nhân ở đâu?

Nhấn mạnh ưu điểm chính sách BHXH tự nguyện, ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: “Luật BHXH năm 2014 quy định công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, nếu không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện”.

Về mức tham gia BHXH tự nguyện, đại diện Vụ BHXH cũng cho biết, mức tối thiểu được hạ từ 22% mức lương cơ sở còn bằng 22% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng tối thiểu 154.000 đồng/tháng, tối đa không vượt quá 22% của 20 lần mức lương cơ sở, được chọn mức đóng cao hơn để có mức hưởng lương hưu cao hơn khi về già.

Mặc dù chính sách BHXH có điểm ưu việt, nhưng các đại biểu dự hội nghị đều thừa nhận thực tế số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng.

Từ năm 2018, nhiều chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện

“Từ ngày 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bằng 10% của mức đóng theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Trường hợp người lao động thuộc diện cận nghèo thì mức hỗ trợ là 25% (tương ứng với 38.500 đồng/tháng); người lao động thuộc diện nghèo thì mức hỗ trợ là 30% (tương ứng 46.200 đồng/tháng)” - ông Trần Hải Nam, Vụ phó Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) nói.

Theo ông Vũ Mạnh Chữ, Phó Trưởng Ban Thu (BHXH VN), một số nguyên nhân chính dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện thấp là: Công tác tuyên truyền chưa được sâu, rộng; thu nhập của người lao động ở nông thôn thấp, thường không ổn định, giai đoạn từ 2008 - 2015 mức đóng BHXH tự nguyện còn cao so với thu nhập của đa số người dân, chưa có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

“Người lao động chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng khi về già. Mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện còn ít, trình độ đại lý thu còn hạn chế nên chưa thuận tiện cho người lao động tham gia. Chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách BHXH tự nguyện. Sự phối hợp trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện của các cấp, các ngành ở địa phương với cơ quan BHXH chưa thường xuyên” - ông Vũ Mạnh Chữ nói.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng, chính sách BHXH tự nguyện chưa đáp ứng được yêu cầu khiến cho nhận thức của đại bộ phận người lao động trong xã hội về BHXH tự nguyện còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc triển khai chính sách vào cuộc sống chưa linh hoạt, chưa tạo điều kiện cho người lao động dễ dàng tiếp cận.

Chính sách hỗ trợ của nhà nước thời gian qua còn chưa đủ hấp dẫn, vẫn cần việc tạo thêm động lực như là một “cú huých” để thúc đẩy người dân đến gần với chính sách hơn.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Việc cấp trùng thẻ BHYT không làm thất thoát ngân sách

Trao đổi về câu chuyện cấp trùng thẻ BHYT thời gian qua, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH VN, cho biết: “Một người có nhiều thẻ bảo hiểm y tế nhưng khi đi khám chữa bệnh thì cũng chỉ sử dụng 1 thẻ. Số tiền cấp trùng vẫn nằm trong quỹ bảo hiểm y tế nên không có sự thất thoát ngân sách nhà nước”.

Theo BHXH VN, tình trạng cấp trùng thẻ BHYT đã diễn ra nhiều năm nhưng đã giảm đáng kể. Cụ thể: Năm 2013 số thẻ BHYT cấp trùng là 230.835 thẻ; số tiền cấp trùng là 133,69 tỷ đồng. Năm 2014 số thẻ BHYT cấp trùng là 160.912; số tiền cấp trùng là 82,2 tỷ đồng. Năm 2015 số thẻ BHYT cấp trùng là 116.096; số tiền cấp trùng là 54 tỷ đồng. Theo BHXH VN, việc cấp trùng thẻ BHYT là do có nhiều cơ quan quản lý lập danh sách đối tượng chuyển sang để cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT. Do đó, nếu thông tin không trùng khớp dù chỉ 1 thông tin (họ tên, địa chỉ, ngày sinh...), một người vẫn có thể được cấp hơn một thẻ ở các nhóm đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, đại diện BHXH VN khẳng định: “Một người dù có nhiều thẻ bảo hiểm y tế nhưng khi đi khám chữa bệnh cũng chỉ sử dụng 1 thẻ. Số tiền cấp trùng vẫn nằm trong Quỹ BHYT nên không có sự thất thoát ngân sách nhà nước do cấp trùng thẻ”.

H.K

Hà Nội: Làm thủ tục khởi kiện 5 doanh nghiệp nợ BHXH

Liên đoàn lao động quận Đống Đa (Hà Nội) vừa chuyển hồ sơ sang Toà án nhân dân quận Đống Đa để khởi kiện 5 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH).

Năm doanh nghiệp bị khởi kiện gồm: Công ty CP đầu tư xây dựng BDC Việt Nam (tính đến hết tháng 10.2016) còn nợ 1,953.108.936 đồng); Công ty TNHH thiết bị Minh Quân (tính đến hết tháng 11.2015) còn nợ 274.664.884 đồng; Cty CP Tài Nguyên (tính đến hết tháng 11.2011) còn nợ 1,316.656.533 đồng; Công ty tư vấn xây dựng và kỹ thuật môi trường còn nợ 2,104.831.939 đồng; Công ty CP xây lắp dầu khí Hà Nội (nợ từ tháng 11.2012 đến nay) với số tiền 6,666.733.491 đồng.

Theo đại diện LĐLĐ quận Đống Đa, số nợ trên được cơ quan BHXH quận Đống Đa cập nhật và chuyển giao. Các công ty trên dù không có nhiều lao động nhưng chưa thực hiện hoàn tất việc đóng BHXH cho người lao động trong thời gian dài, khiến số nợ càng lớn. Được biết, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/7/2016, tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Trên cơ sở đó, hệ thống công đoàn ở nhiều nơi đã và đang làm thủ tục khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế này cũng đòi hỏi cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ làm công tác khởi kiện cần được bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ, kiến thức về pháp luật.

L.P

Chuẩn bị thủ tục nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp ra sao?

Ông Bùi Minh Hòa, Hà Nội hỏi: Tôi làm công nhân cơ khí cho 1 doanh nghiệp ở Bình Dương được hơn 5 năm và được công ty đóng BHXH BHTN. Sắp tới tôi sẽ nghỉ việc tại công ty này. Vậy xin hỏi các giấy tờ cần thiết để nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm gồm những gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:

+ Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc; Quyết định sa thải; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. (Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó).

+ Sổ bảo hiểm xã hội.

Như vậy, ông Bùi Minh Hòa sau khi chấm dứt hợp đồng lao động nếu muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp thì nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi ông muốn nhận trợ cấp thất nghiệp theo các quy định nêu trên.

H.M