Festival Áo dài Hà Nội 2016 là cầu nối để Hà Nội thành trung tâm thời trang thế giới

(Dân trí) - Trước thềm Festival Áo dài Hà Nội 2016 sẽ diễn ra vào 14 đến 16/10 sắp tới tại Hoàng thành Thăng Long, ông Đỗ Đình Hồng – GĐ Sở Du lịch Hà Nội, thành viên BTC đã có những chia sẻ xung quanh lễ hội đặc biệt này.

Từ nhiều năm nay, tà áo dài truyền thống được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa - văn hoá của dân tộc Việt. Vì lẽ đó, ngoài việc gắn liền với sự phát triển của đời sống xã hội, áo dài còn là “cầu nối”, là “sứ giả” trong việc quảng bá du lịch Việt. Và việc tổ chức Festival Áo dài hàng năm đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sự phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam đi xa hơn.

Áo dài mang đến những ấn tượng về Hà Nội tươi đẹp

Với tư cách là giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, ông nhìn nhận gì về tầm quan trọng của tà áo dài truyền thống trong công tác quảng bá và phát triển du lịch Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung?

Theo quan điểm của tôi, trang phục truyền thống của mỗi quốc gia đều ẩn chứa những tinh hoa văn hóa đặc sắc, có khả năng khơi gợi cảm xúc, mong muốn khám phá của khách du lịch khi đặt chân đến một đất nước. Nếu như Hàn Quốc có Hanbok, Nhật Bản có Kimono, Scotland có váy Kilt... thì Việt Nam được biết đến với tà áo dài duyên dáng.

Ông Đỗ Đình Hồng (thứ 2 từ trái qua, đeo kính) trong lần cùng các thành viên BTC và các NTK tham gia Festival Áo dài Hà Nội năm 2016 đi khảo sát địa điểm tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hoàng Vân.
Ông Đỗ Đình Hồng (thứ 2 từ trái qua, đeo kính) trong lần cùng các thành viên BTC và các NTK tham gia Festival Áo dài Hà Nội năm 2016 đi khảo sát địa điểm tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hoàng Vân.

Áo dài đại diện cho người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, e lệ... nhưng lại ẩn chứa nét đẹp yêu kiều, căng tràn sức sống. Tôi cho rằng, hình ảnh người con gái trong tà áo dài gắn với cuộc sống của người Hà Nội, với những điểm đến du lịch, hay hòa mình vào những cánh đồng hoa của bốn mùa, đi trên những con đường rợp bóng mát của mùa hạ hoặc trải đầy lá vàng của mùa thu… đã góp phần không nhỏ trong việc đem lại những ấn tượng đầu tiên về hình ảnh tươi đẹp của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung đến với khách du lịch quốc tế.

Vậy trong những năm qua, du lịch Hà Nội đã sử dụng áo dài như thế nào trong việc tạo nên dấu ấn du lịch Thủ đô, thưa ông?

Có thể thấy rằng, hình ảnh người thiếu nữ trong tà áo dài thướt tha luôn xuất hiện trong các ấn phẩm và video quảng bá du lịch Hà Nội. Đây giống như lời chào thân thiện của người dân Hà Nội thanh lịch, hào hoa, giàu lòng mến khách gửi đến du khách. Không chỉ vậy, trong tháng 10 tới đây, thành phố sẽ tổ chức Festival Áo dài Hà Nội với chủ đề “Tinh hoa Áo dài Việt Nam” nhằm giới thiệu áo dài tới đông đảo nhân dân Thủ đô, khách du lịch trong nước và quốc tế.

Theo như quan sát của tôi, áo dài không chỉ được yêu thích bởi khách du lịch của một vùng hay một lãnh thổ cụ thể mà được rất nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới ưa thích. Bởi áo dài không chỉ mang một vẻ đẹp thướt tha, dịu dàng và tôn vinh vóc dáng của người phụ nữ... mà còn là sản phẩm chắt lọc những tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam. Khách du lịch khi đến Việt Nam, nhất là các nữ du khách thường chọn áo dài như món quà lưu niệm độc đáo, đặc sắc.

Để áo dài gắn với sự phát triển của du lịch hơn nữa, chúng ta cần phải làm những gì, thưa ông?

Tôi cho rằng, áo dài là một trong những thế mạnh mà Việt Nam có thể tận dụng để quảng bá hình ảnh của quốc gia tới thế giới. Cụ thể, thay vì phát triển một cách nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ như hiện nay, chúng ta có thể xây dựng một điểm đến của Việt Nam trở thành kinh đô thời trang của khu vực và trên thế giới với áo dài là sản phẩm đặc thù, tiêu biểu.

Từ lâu, tà áo dài truyền thống đã trở thành biểu tượng của vẻ đẹp người phụ nữ Việt. Ảnh: DBN.
Từ lâu, tà áo dài truyền thống đã trở thành biểu tượng của vẻ đẹp người phụ nữ Việt. Ảnh: DBN.

Trong bối cảnh hiện nay, Thủ đô Hà Nội - một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, với bề dày nghìn năm văn hiến, lượng khách du lịch tăng trưởng ổn định, có thể được nhìn nhận như một trong những điểm đến có điều kiện phù hợp để phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc này.

Tổ chức Festival Áo dài Hà Nội 2016 là bước đi chiến lược của thành phố để tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thời trang của cả nước và khu vực.

Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, trong tháng 8 vừa qua, đoàn công tác của Sở Du lịch đã đến khảo sát, gặp mặt và làm việc với một số nhà thiết kế, tiêu biểu như: nhà thiết kế ngoại quốc đến từ Tây Ban Nha-Diego Cortizas del Valle tại Chula Fashion House - 43 Nhật Chiêu, Tây Hồ; nghệ nhân áo dài Lan Hương tại Lan Huong Fashion House - 18 Âu Cơ; nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam tại Đỗ Trịnh Hoài Nam Fashion - 63 Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng... về định hướng xây dựng sản phẩm du lịch mới, điểm đến mới cho du khách - nơi khách du lịch được tham gia, được trải nghiệm và hòa mình vào không gian của nghệ thuật thiết kế cũng như sự tinh tế, chau chuốt với mỗi công đoạn làm nên một sản phẩm hoàn chỉnh đến tay người sử dụng.

Khởi đầu cho trung tâm thời trang trong tương lai

Với chủ đề “Tinh hoa Áo dài Việt Nam”, Lễ hội Áo dài năm nay sẽ được tổ chức như thế nào và có gì khác biệt so với mọi năm, thưa ông?

Thứ nhất, Festival Áo dài Hà Nội năm 2016 là hoạt động văn hóa - du lịch thiết thực, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thứ hai, với chủ đề “Tinh hoa Áo dài Việt Nam”, đây là sự kiện du lịch được tổ chức nhằm giới thiệu những nét đẹp truyền thống của Thủ đô nghìn năm văn hiến; qua đó đưa tà áo dài Việt không chỉ dành cho người Việt mà phải được lan tỏa tới đông đảo bạn bè quốc tế.

Thứ ba, Festival Áo dài Hà Nội năm 2016 là dịp để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thời trang và doanh nghiệp du lịch của Thủ đô Hà Nội giao lưu, giới thiệu, hợp tác, ký kết... phát triển sản phẩm du lịch, thời trang và các lĩnh vực khác; đồng thời tạo cơ hội để du khách tham quan, trải nghiệm, tham gia trực tiếp vào các hoạt động trong khuôn khổ Festival.

Cuối cùng, Festival Áo dài Hà Nội 2016 là cầu nối, sự kiện khởi đầu cho sự hình thành trung tâm thời trang trong tương lai.

Hai ngôi sao nổi tiếng xứ Hàn khi đến Việt nam đã rất thích thú với áo dài và nón lá. Ảnh: TL.
Hai ngôi sao nổi tiếng xứ Hàn khi đến Việt nam đã rất thích thú với áo dài và nón lá. Ảnh: TL.

Điểm mới mẻ, khác biệt của Festival Áo dài năm nay theo tôi là sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của UBND TP. Hà Nội và Trung ương Hội LHPN Việt Nam, là sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và sự hợp tác, phối hợp hiệu quả của các đơn vị tổ chức. Cụ thể ở đây là Sở Du lịch, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Hội LHPN Thành phố, Công ty TNHH Vietmode và Báo Dân Trí.

Điều này thể hiện sự nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc đẩy mạnh hợp tác công - tư nhằm phát triển những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, với đối tượng hưởng lợi là người dân Thủ đô, nhân dân cả nước và khách du lịch quốc tế. Điều đặc biệc nữa là chúng tôi muốn giới thiệu ngắn gọn lịch sử của áo dài Hà Nội - Việt Nam và chiếc áo dài được làm ra từ khâu nguyên liệu đến quy trình sản xuất vào đời sống con người như thế nào, để du khách hiểu phần nào nét đẹp, tinh túy, tài hoa của nghệ nhân, nhà tạo mốt, những nười làm nghề của Hà Nội - Việt Nam và quốc tế tạo ra.

Lý do vì sao lại chọn tổ chức Lễ hội Áo dài 2016 tại Hoàng thành Thăng Long, thưa ông?

Hoàng thành Thăng Long là nơi lưu giữ hồn thiêng của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Theo quan điểm của tôi, việc tổ chức những sự kiện văn hóa mang tính chất cộng đồng như Festival Áo dài hay Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam 2016 là một trong những phương thức hay để kết nối giá trị di sản, giá trị văn hóa truyền thống với cộng đồng dân cư, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những tinh hoa văn hóa của dân tộc và làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho nhân dân Thủ đô.

Theo ông, việc tổ chức Lễ hội Áo dài hàng năm có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống xã hội của người dân Thủ đô và công tác quảng bá du lịch?

Festival Áo dài là hoạt động văn hóa du lịch góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến du khách quốc tế. Có thể nói, Festival Áo dài là món quà ngành du lịch Hà Nội gửi tặng đến người dân Thủ đô, du khách trong nước và quốc tế nhân dịp kỷ niệm 62 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2016) và 86 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2016).

Nhiều bạn bè quốc tế duyên dáng trong tà áo dài truyền thống không kém gì phụ nữ Việt. Ảnh: TL.
Nhiều bạn bè quốc tế duyên dáng trong tà áo dài truyền thống không kém gì phụ nữ Việt. Ảnh: TL.

Đây cũng là cơ hội để các nhà thiết kế thời trang, nghệ nhân, nghệ sỹ và những người yêu Hà Nội, tâm huyết với Thủ đô cống hiến trí tuệ, công sức của mình để giới thiệu tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế những nét đẹp truyền thống, tài hoa của con người Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến và của dân tộc Việt Nam qua những không gian, tiểu cảnh, hoạt động trong những ngày tổ chức sự kiện.

Ông kỳ vọng gì vào những giá trị mà Festival Áo dài Hà Nội năm 2016 mang lại?

Tôi hy vọng rằng, Festival Áo dài Hà Nội năm 2016 sẽ tổ chức thành công, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Sự kiện cũng là tiền đề để Hà Nội tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm thời trang của khu vực và trên thế giới. Đây cũng là cơ hội quý giá để chúng ta khơi gợi, làm sống dậy những giá trị văn hóa tốt đẹp trong quá trình hội nhập hiện nay.

Cám ơn ông đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long