Làm thế nào để áo dài Việt tránh khỏi “thảm hoạ thời trang”?

(Dân trí) - Sáng nay (16/10) tại di tích Hoàng thành Thăng Long đã diễn ra buổi hội thảo bàn về việc “Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của Áo dài trong du lịch”. Hội thảo đã đề cập đến việc làm thế nào để áo dài tránh khỏi “thảm hoạ thời trang”.

Tham dự buổi hội thảo có ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Phó Trưởng BTC Festival Áo dài Hà Nội; bà Lê Kim Anh - Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội; ông Nguyễn Lương Phán - Phó TBT báo Dân Trí; Nhà nghiên cứu và sưu tầm áo dài Trần Đình Sơn; NSND Trà Giang, NSND Hoàng Cúc, NSND Trần Nhượng, NSƯT Thanh Loan và các nhà thiết kế tham gia Festival Áo dài Hà Nội 2016.

Phát biểu trong buổi hội thảo, ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh: “Việc tổ chức Festival Áo dài Hà Nội 2016 không chỉ thiết thực kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 86 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam mà còn truyền đi nhiều thông điệp đầy ý nghĩa về tà áo dài truyền thống đó là đưa áo dài về đúng với cội nguồn. Mỗi một mẫu thiết kế, mỗi một bộ sưu thập, mỗi một hình ảnh… trong Festival Áo dài lần này là một câu chuyện sinh động về áo dài.

Hội thảo diễn ra trong không gian rợp bóng cây xanh của Hoàng thành Thăng Long với sự tham dự của rất nhiều thành phần. Ảnh: Tùng Long.
Hội thảo diễn ra trong không gian rợp bóng cây xanh của Hoàng thành Thăng Long với sự tham dự của rất nhiều thành phần. Ảnh: Tùng Long.

Với buổi hội thảo hôm nay, chúng tôi mong muốn được làm sáng tỏ lịch sử hình thành và phát triển của tà áo dài trong lịch sử. Qua đó để thấy rõ, tà áo dài không chỉ là biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ, là di sản văn hoá cốt lõi mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo. Và cũng thông qua đó để cho người dân cả nước và bạn bè thấy được Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng không chỉ là một đất nước thanh bình và giàu đẹp; Thủ đô không chỉ thanh lịch qua lời ăn tiếng nói, cách ứng xử mà còn thanh lịch qua trang phục.

Tiếp theo tôi muốn lắng nghe các nhà thiết kế bày tỏ ý kiến để làm thế nào gắn kết chặt chẽ với người làm du lịch nhằm tạo ra những bộ áo dài thật sự là sản phẩm du lịch độc đáo. Tôi cho rằng, mỗi nhà thiết kế là một nhà sáng tạo, tạo ra được ngôn ngữ riêng và áo dài là chính là thứ ngôn ngữ riêng đó”.

Trong khuôn khổ hội thảo, nhà nghiên cứu - sưu tầm Trần Đình Sơn đã trình bày một cách cụ thể quá trình hình thành của tà áo dài truyền thống đặt trong bối cảnh hình thành và phát triển của văn hoá y phục của người Việt qua 4000 năm lịch sử...

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn trình bày về sự ra đời của áo dài bằng những bộ áo dài ông đã sưu tầm được. Ảnh: Tùng Long.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn trình bày về sự ra đời của áo dài bằng những bộ áo dài ông đã sưu tầm được. Ảnh: Tùng Long.

Vào thập niên 30 của thế kỷ XIX (Hà Nội lúc đó là thủ phủ của xứ Đông Dương thuộc Pháp) hai họa sĩ tài hoa Cát Tường, Lê Phổ tiếp thu một vài chi tiết của trang phục phụ nữ phương Tây sáng tạo ra nhiều kiểu áo dài cách tân nhằm đáp ứng thị hiếu lãng mạn đương thời.

Sau năm 1945, tiếp đến là kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, áo dài ở miền bắc chỉ được dùng trong lễ Tết và các dịp đặc biệt. Ở Miền Nam, trong thành thị, áo dài vẫn phát triển phục vụ nhu cầu sử dụng của nữ giới cho đến sau năm 1975 mới có sự thay đổi.

“May thay, từ ngày nhà nước mở cửa giao lưu rộng rãi với quốc tế, cổ súy bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, áo dài có cơ hội phục sinh mạnh mẽ. Các nhà thiết kế thời trang, tạo mẫu, các nghệ nhân nghề đem hết tâm tình, cảm hứng tổ chức trình diễn nhiều bộ sưu tập áo dài với muôn màu, muôn vẻ. Chính những điều kiện thuận lợi này, giai nhân Việt Nam đăng quang với áo dài hết sức thẩm mỹ, sang trọng trên các sàn thời trang ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Sau bao nỗi thăng trầm, nay bình tâm suy nghiệm lại chúng ta thấy áo dài xứng đáng là nét đẹp đặc sắc của văn hóa Việt Nam”, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nói.

NSND Trà Giang chia sẻ nhiều câu chuyện kỷ niệm về áo dài mỗi lần đi dự liên hoan phim ở nước ngoài. Ảnh: Tùng Long.
NSND Trà Giang chia sẻ nhiều câu chuyện kỷ niệm về áo dài mỗi lần đi dự liên hoan phim ở nước ngoài. Ảnh: Tùng Long.

Kèm với bài trình bày về quá trình hình thành và phát triển của áo dài, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn còn mang ra 16 bộ y phục do ông tự tay sưu tầm để chứng minh cho sự thay đổi và phát triển y phục của người Việt xưa.

Chia sẻ câu chuyện xúc động của mình, NSND Trà Giang cho biết, bà biết đến chiếc áo dài lần đầu tiên là khi bà đỗ trường Sân khấu, bố bà đã chở bà bằng xe đạp từ nhà lên một tiệm may nổi tiếng ở phố Cầu Gỗ - Hà Nội để may một chiếc áo dài. Thời đó, vì Bộ Tài chính chỉ cho mỗi nghệ sĩ - diễn viên được may 2 bộ/năm nên mỗi kỳ đi dự liên hoan phim bà phải mượn thêm áo dài của bạn mới đủ để mỗi tuần mặc 2 bộ.

“Lần đó, tôi được cử theo đoàn Điện ảnh Việt Nam đi dự liên phim ở Moskva. Trong buổi khai mạc, khi tôi vừa diện áo dài bước lên thảm đỏ thì bao ống kính may quay chĩa hết vào tôi. Lúc đó, dù nhiều người chưa biết Việt Nam cũng có tham gia liên hoan phim nhưng nhìn thấy tôi mặc áo dài họ đã kêu tên Việt Nam. Trong giây phút đó tôi cảm thấy tự hào vô cùng”, NSND Trà Giang nói.

NSND Hoàng Cúc cũng chia sẻ rằng, với bà, áo dài là một biểu tượng khẳng định chủ quyền Việt Nam và là vẻ đẹp cội nguồn của dân tộc. Bao nhiêu lần bà được mời tham dự liên hoan phim ở nước ngoài và bà đã tự hào đến rơi nước mắt khi thấy bạn bè quốc tế gọi tên Việt Nam khi vừa nhìn thấy chiếc áo dài bà mặc. Bà càng tự hào hơn khi vai diễn của bà trong bộ phim “Hồi chuông màu da cam” khi mang đi dự thi liên hoan phim ở nước ngoài đã gây ấn tượng sâu sắc cho hội đồng chuyên môn lẫn khán giả nước ngoài. Nhiều người thậm chí còn muốn gặp người phụ nữ mặc áo dài trong bộ phim này bằng da bằng thịt.

NSND Hoàng Cúc cũng chia sẻ câu chuyện khiến bà vô cùng tự hào mỗi khi khoác lên mình bộ áo dài truyền thống. Ảnh: Tùng Long.
NSND Hoàng Cúc cũng chia sẻ câu chuyện khiến bà vô cùng tự hào mỗi khi khoác lên mình bộ áo dài truyền thống. Ảnh: Tùng Long.

NSND Trần Nhượng, NSƯT Thanh Loan cũng bày tỏ niềm yêu thích với tà áo dài truyền thống và cảm thấy hạnh phúc khi được mời làm nhân vật trình diễn tại Festival Áo dài Hà Nội 2016.

Ở phần cuối của hội thảo, dưới sự dẫn dắt của NTK Minh Hạnh, nhiều nhà thiết kế cũng đã đưa ra những giải pháp mang tính thực tiễn để khắc phục vấn nạn “thảm hoạ áo dài”. Theo đó, NTK Lan Hương, La Hằng cho rằng, muốn khắc phục được “thảm hoạ áo dài” trước hết nhà thiết kế phải thực sự xem việc thiết kế áo dài là sáng tạo nghệ thuật. Và tuyệt đối không được thoả hiệp hoặc dễ dãi với khách hàng.

Một số nhà thiết kế khác lại cho rằng, để tránh được “thảm hoạ áo dài” trước hết phải có sự phối hợp giữa nhà thiết kế và người sử dụng. Ngoài ra, nên xem việc mặc áo dài là đang tôn vinh bản thân vì thế không được biến tấu áo dài một cách thái quá.

Đại diện cho một công ty du lịch cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm gắn áo dài với sự phát triển của du lịch Việt Nam. Người này cho rằng, cần phải có những sản phẩm áo dài độc đáo, gắn áo dài với các hình ảnh du lịch, tổ chức các sự kiện du lịch để thu hút sự quan tâm của khách du lịch, phải có quy định buộc các hướng dẫn viên mặc áo dài hoặc khuyến khích khách Việt đi bộ nên mặc áo dài ở phố đi bộ của Hà Nội và TP.HCM.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm