Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM lên tiếng về triển lãm gây tranh cãi

(Dân trí) - “Cuộc triển lãm này mang danh là triển lãm các danh họa bậc thầy của Việt Nam - một triển lãm có tiếng, có giá trị về mặt nghệ thuật và tạo uy tín cho Việt Nam với điều kiện phải là tranh thật. Nhưng nếu là tranh giả càng làm giảm uy tín của Việt Nam trên thị trường mỹ thuật thế giới”, ông Huỳnh Văn Mười, chủ tịch hội Mỹ thuật TPHCM cho biết.

Sau nhiều tranh cãi vẫn chưa đi đến kết cục của buổi triển lãm "Những bức tranh trở về từ Châu Âu", PV Dân trí đã gặp gỡ ông Ông Huỳnh Văn Mười - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM. Ông đã có những chia sẻ rất cụ thể về những vấn đề xảy ra xung quanh cuộc triển lãm "ồn ào" lần này.

Ông có nhận định gì sau khi xem qua các bức tranh được trưng bày ở buổi triển lãm tranh?

Ông Huỳnh Văn Mười - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM
Ông Huỳnh Văn Mười - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM

Thứ nhất, tôi đã xem qua tranh tại triển lãm, như báo chí đã nói nhiều, đa số họ đều thấy tranh này dường như không phải là thật, cũng đang hoài nghi về tính chuyên nghiệp. Gần như những người cao tuổi đều biết qua đặc điểm các tác phẩm của các danh họa, những tác phẩm ở đó được in sách. Từ chỗ biết đó, họ thấy rằng là các tác phẩm này thể hiện không bộc lộ được tài năng của tác giả. Có những tác phẩm chứng tỏ được người thực hiện chắc chắn không phải là tác giả và yếu tay nghề hơn tác giả. Về tạo hình, về bố cục, về màu sắc.

Thứ hai là nói về các phương pháp sưu tầm tác phẩm của các nhà sưu tầm chuyên nghiệp. Trước khi sưu tầm người ta phải hiểu rõ tiểu sử của tác phẩm. Tác giả bán phải lập hồ sơ tác phẩm sáng tác năm nào, động cơ sáng tác, suy nghĩ như thế nào đó về tác phẩm. Các đặc điểm, chất liệu, kích thước… Sau đó tác giả cam kết rằng bức tranh này do chính mình sáng tác và người mua sẽ là người lưu giữ thứ nhất. Tiểu sử sẽ được thêm vào và dài ra, người mua cuối cùng họ phải có bản lưu giữ này thì mới biết là thật hay giả.

Nguyên tắc tranh thật chỉ có một bản. Tác phẩm nghệ thuật là độc bản chứ không phải nhiều bản. Hoặc họ có thể vẽ lại nhưng mà kích thước khác, ghi năm khác. Cũng có trường hợp bản thân người sáng tác chết đi, nhưng con cháu cũng là người trong nghề có khả năng sẽ vẽ thêm một số bức nữa để tên tác giả đã mất. Người ta không biết, nhưng với điều kiện phải vẽ đúng phong cách của tác giả.

Ở đây, giới chuyên nghiệp thấy rằng những tác phẩm của những tác giả như Nguyễn Sáng chẳng hạn hoàn toàn không thể hiện được tài năng, phong cách, bản lĩnh tác giả. Nó nhòe nhoẹt. Chứng tỏ người vẽ lại chỉ ở trình độ sinh viên hay nhiều khi cũng không đạt luôn.

Ông đánh giá như thế nào về tính nghiêm trọng của sự việc lần này?

Theo tôi, triển lãm phòng tranh này đáng quan ngại. Bởi vì trong khu vực châu Á, Việt Nam dường như mất uy tín nhiều nhất trên thị trường mỹ thuật vì tranh giả. Sau thời mở cửa, những người nước ngoài mua tranh của các người cao tuổi như Bùi Xuân Phái. Sau đó, tranh của Bùi Xuân Phái bị copy. Người nước ngoài trở qua mua tranh của người trẻ nhưng sau đó cũng bị copy. Dường như lòng tin của họ không còn nữa.

Cuộc triển lãm này mang danh là triển lãm các danh họa bậc thầy của Việt Nam - một triển lãm có tiếng, có giá trị về mặt nghệ thuật và tạo uy tín cho Việt Nam với điều kiện phải là tranh thật. Nhưng nếu là tranh giả càng làm giảm uy tín của Việt Nam trên thị trường mỹ thuật thế giới.

Về phương pháp, qui trình tổ chức triển lãm như thế này, thông thường bảo tàng và hội mỹ thuật đều có quyền tổ chức triển lãm cho bất kì ai. Ai cũng có thể triển lãm miễn tác phẩm đó được Sở Văn hóa duyệt. Nhưng đằng này, triển lãm mang tên là Bộ sưu tập các danh họa Việt Nam thì bắt buộc trước khi triển lãm Bảo tàng mỹ thuật phải duyệt.

Bởi vì, những người nào muốn tặng tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật thì bảo tàng còn phải lập hội đồng để xem xét có nhận hay không nhận chứ không phải lúc nào cũng nhận. Như vậy việc lập hội đồng nghệ thuật này là điều cần thiết, phải làm đúng qui trình. Sự việc này thì ngược lại, không lập hội đồng. Thì mới xảy ra va vấp là ông Hubert bảo rằng ông là tác giả.

Những tư liệu mình có thể nghĩ rằng ông chủ sở hữu hiện tại là nạn nhân, như kiểu bị người ta lừa. Ông Hubert có lừa hay không thì không biết nhưng ông Hubert chuẩn bị đầy đủ hồ sơ từng bước thì có thể được.

Nếu sự việc trang giả xảy ra thì ông có đề xuất hay giải pháp gì?

Hiện tại có nhiều người đề nghị đóng cửa triển lãm. Sáng nay, bên bảo tàng, ông Trịnh Xuân Yên đề nghị vẫn triển lãm để lấy ý kiến mọi người. Người ta bảo, muốn thẩm định thì không có hội đồng. Thực ra thì trước giờ, chưa có một cơ quan nào có thể thẩm định tác phẩm thật giả mà chỉ có đơn vị chuyên môn như bảo tàng họ mời những chuyên gia như chúng tôi đến để xem xét đánh giá, nhưng hội đồng chính thức không có.

Chúng ta có thể thẩm định được tranh thật hay giả không?

Tôi nghĩ là được. Vì ông Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái đều có những người cùng thời với họ. Theo tôi, nếu bảo tàng chưa đóng cửa thì tạm thời triển lãm, rồi mời những người cao tuổi hiện tại ở TPHCM và Hà Nội đến xem, đánh giá.

Ở TPHCM có ông Huỳnh Văn Thuận, nguyên là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, nguyên là Cục trưởng Cục Mỹ thuật, là người lớn tuổi thì có thể biết tranh thật giả. Thứ hai có họa sĩ Hoàng Trầm, cũng là giảng viên Hà Nội, có uy tín, được giải thưởng của nhà nước. Thứ ba có bà Kim Bạch, họa sĩ nữ, cũng được giải thưởng nhà nước, cũng sống ở Hà Nội từ xưa đến nay hiện đang ở Sài Gòn. Thứ tư là ông Quách Phong cũng sống và học mỹ thuật Hà Nội. Thứ năm có thể mời ông Phạm Mười, cũng là nhà điêu khắc nổi tiếng của Hà Nội vào sống trong này. Thứ sáu là mời ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch hội mỹ thuật Việt Nam ở ngoài đó. Thứ bảy là ông Lê Huy Tiếp, nguyên chủ tịch hội đồng Mỹ thuật Việt Nam. Khi sáng ông Lê Huy Tiếp có nói ngày 17-18/7 ông sẽ vào Sài Gòn, Bảo tàng Mỹ thuật nên mời người này họp lại để đánh giá chắc chắn. Ông Hubert xác minh có thể sai, có thể bị tình trạng như tôi đã nói.

Theo tôi, nên làm theo phương pháp này để bảo đảm uy tín thương hiệu Việt Nam, bảo vệ tên tuổi của tác giả có tranh thật mà bị người khác xâm phạm. Để tranh giả được triển lãm trong Bảo tàng mỹ thuật là không được. Ở Hội mỹ thuật thì không sao, nhưng ở bảo tàng thì “mang tiếng” lắm.

Vậy sau khi thẩm định nếu xác định đó là tranh giả thì hướng xử lý sẽ như thế nào?

Sẽ báo cáo cho ông Chung kết quả thẩm định và xử lý thế nào là tùy vào ông ấy. Nhưng ở Việt Nam, mình báo động cho Quốc tế là hiện tại, trong bộ sưu tập này chúng tôi xác định có tranh không thật. Đây là một sự xúc phạm đến danh dự của các tác giả quá cố.

Nếu chịu tránh nhiệm thì người đứng ra xác nhận tranh thật, ông Hubert, có phải chịu tránh nhiệm liên đới gì không?

Điều này tôi không biết. Ông ấy là chuyên gia của Christie nổi tiếng. Mối quan hệ này là giữa nhà sưu tập và ông ấy. Nhà sưu tập yêu cầu ông ấy làm phương pháp nào giống như quốc tế làm thì nhà sưu tập có quyền hỏi.

Bên viện bảo tàng có nói ý kiến của ông Chung là người nào đưa được bằng chứng xác thực là tranh giả thì ông ấy mới đồng ý?

Hội đồng sẽ là người đưa những bằng chứng và hội đồng sẽ là người quyết định. Hiện tại mọi người đã nói là không đúng rồi có cả những người đương thời với các tác giả, thậm chí cả người nhà của họ.

Bảo tàng có chịu tránh nhiệm gì không thưa ông?

Bảo tàng chỉ là nạn nhân thôi, nhưng bảo tàng làm việc không đúng phương pháp.

Phía viện bảo tàng cũng đã đưa tất cả giấy tờ của ông Chung đầy đủ không thiếu gì?

Có thể phía bảo tàng cũng không biết luôn, nhưng bảo tàng đã làm sai qui trình. Phải ra hội đồng họp trước là tốt nhất. Bởi vì trước đây nhiều tranh tặng bên bảo tàng mời cụ thể những chuyên gia đến xem. Bảo tàng từng mua tranh của một số tác giả họ tự bảo là đây là tranh của tác giả Sài Gòn xưa thì mời những người đương thời đến, nhìn là biết giả liền, nhìn chữ kí, cách vẽ là biết.

Giữa tình hình tranh thật giả lẫn lộn như thế này thì bên Hội mỹ thuật hay những người có khả năng có biện pháp gì để ngăn chặn?

Hội mỹ thuật không có chức năng làm việc này. Bản thân mỗi tác giả sáng tác xong muốn được luật pháp bảo vệ phải đăng ký bản quyền theo luật Sở hữu trí tuệ. Anh không đăng ký mà bị vi phạm thì anh tự chịu trách nhiệm. Có người cẩn thận mời cả luật sư tư vấn, biên soạn hợp đồng. Tôi bán cho anh, anh được làm gì và không được làm gì, tôi được quyền lợi gì sau khi bán. Không phải bán rồi trọn quyền sở hữu muốn làm gì thì làm. Có ràng buộc hợp đồng quốc tế đàng hoàng. Bên các cơ quan bản quyền họ đều có hướng dẫn.

Việt Nam chỉ mới tham gia Công ước Berne dù chưa thực hiện chặt chẽ nhưng đã có tổ chức sở hữu trí tuệ. Sự việc cũng khá bất ngờ đối với Việt Nam, vì tác phẩm trong nước thì dễ biết nhưng đây là những tác phẩm đưa từ nước ngoài thì khó nói. Ngay cả tranh của quốc tế cũng sao chép được thậm chí còn cao siêu hơn.

Đứng về hội mỹ thuật, tôi không hề quy lỗi cho ông Chung. Tôi có thể cảm thông cho ông ấy nếu ông là nạn nhân thực sự. Còn nếu câu chuyện diễn ra theo một diễn biến khác thì chú không có ý kiến. Nhưng trước tiên thì đó là tự trọng của con người. Nếu mình là người Việt Nam mà mang tranh giả về Việt Nam trưng bày thì mình tự hại dân tộc của mình.

Lê Huy Tiếp, nguyên Chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam, hiện đang là chủ tịch Đồ họa, Hội mỹ thuật Việt Nam cho biết:

"Hiện nay tôi chưa xem được tranh thật, ngày 17-18 này tôi sẽ vào Sài Gòn xem, cho nên khi nào vào xem tôi mới có thể đưa ra nhận định.

Nhưng tôi có thể nói, bức tranh Vườn chuối và của Dương Bích Liên, tôi xem bằng điện thoại, nhỏ bằng con tem thì tôi đã thấy là tranh giả rồi, quá kém cỏi. Nếu đã làm đồ giả thì phải làm tốt hơn một chút. Còn đằng này quá thấp, quá kém về chép chứ chưa nói đến chuyện tranh thật, tranh giả. Trước hết tôi chỉ thấy 2 tranh đó, còn lại tôi chưa nhìn thấy. Cho nên tôi cũng nghĩ, nếu khẳng định bạn bè tôi trên báo chí có nói 15/17 là giả. 2 bức còn lại là 50/50 thì hiện tại tôi cũng chưa dám khẳng định vì tôi chưa có được.

Tôi vào xem tranh với tư cách cá nhân và công việc khác. Khi tôi vào tôi sẽ gặp bên Bảo tàng Mỹ thuật và nên có ý kiến với bảo tàng. Bởi vì tôi có gọi cho anh Mười và nghĩ hội Mỹ thuật nên có trách nhiệm và có tiếng nói trong chuyện này, chuyện này chúng ta cần phải nói".

Cập nhật tình hình mới nhất về các biên pháp xử lý của Viện bảo tàng về việc việc triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” được cho là tranh giả.

Sáng nay, ông Trịnh Xuân Yên, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cho biết: “Hiện tại phía viện bảo tàng yêu cầu nhà sưu tập cung cấp thông tin đầy đủ hơn liên quan đến việc chứng thực đây là tranh thật. Sau khi có thông tin này sẽ tiếp tục đưa ra những giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Riêng về phía sở Văn hóa vẫn chưa có yêu cầu hay đề xuất nào cụ thể với bảo tàng.

Băng Châu

Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM lên tiếng về triển lãm gây tranh cãi - 2