Về thôi con!

(Dân trí) - Nó vừa về đến nơi, dắt xe vào sân và không tin nổi vào mắt mình. Mẹ ngồi đó, nhìn thấy con, liền nói: "Về thôi con!". Thế rồi hai mẹ con bắt xe, dắt xe về ngay trong đêm.

Nhà có 6 đứa con, giữa những năm 90, gia đình nó vỡ nợ. Đói khổ mẹ không ngại nhưng bà lo nhất là con cái phải dang dở việc học hành. Mẹ đã tự trách mình khi để chị cả phải nghỉ học giữa chừng để cùng bố mẹ đỡ đần về kinh tế. Thế nên bà quyết định "tẩu tán" con cái, gửi con đến nhà khác ở.

Năm đó, nó vừa kết thúc bậc tiểu học. Nó nhớ như in, hôm đó sau lễ tổng kể năm học hết sức rình rang, nó là học sinh đầu tiên của ngôi trường vùng cao được chọn đi thi và giành giải cao học sinh giỏi của tỉnh. Vừa hí hửng cầm phần thưởng về nhà, nó đã nghe lệnh chuẩn bị lên đường đến nhà dì Điều - một người bạn cũ của mẹ - cách gần 200 cây số.

Nghe được đi xa, nó cười to: Con đi ngay!

Hai cha con đi xe khách hơn 4 giờ đồng phố xuống phố. Từ đó, ba mượn xe đạp chở nó gần hai chục cây số đến nhà dì Điều. Trước khi về, ba dặn dò nó đủ thứ khi không có gia đình bên cạnh. Nó đuổi: "Con biết rồi! Ba về đi!".

Về với mẹ thôi con! (Ảnh minh họa)
"Về với mẹ thôi con!" (Ảnh minh họa)

Ba thả tay nó rồi đạp xe về hướng cổng làng. Nó bần thần đứng nhìn ba cho đến khi bóng ông đi khuất hẳn cuối con đường. Khi không nhìn thấy ba nữa, một cảm giác trống rỗng ngập tràn. Nó chạy ra sau vườn, chui tọt vào cái cống bê tông để không rồi ngồi khóc tức tưởi. Lần khóc ám ảnh nó về sự chia ly cho đến tận bây giờ.

Nhưng cảm giác đó cũng qua đi thật nhanh bởi những thứ mới mẻ ở nhà dì Điều. Những ngày hè ở đây, nó có thêm nhiều người bạn mới, nhiều trò chơi mới, nhiều chỗ khám phá... không có chỗ để buồn, để nhớ.

Cho đến khi chính thức vào năm học mới, sau ngày khai giảng là những ngày nó rơi vào khủng hoảng. Đến lớp, nó thấy sự lạc lõng, học không vào, về nhà đầu óc không thể tập trung nổi vào bài vở.

Đi học được vài ngày, ngày hôm đó nó quyết định nghỉ học ở nhà. Nó viết một lá thư thật dài, thật dài. Sau đó, mượn xe đạp nhà dì rồi đạp xe một mạch ra tận thành phố để gửi lá thư đi. Lúc đó, chưa có điện thoại, cách duy nhất để nó liên lạc được về nhà là thư tay.

Đường xa miết, con bé lúc đó 12 tuổi, cân nặng không nổi 25kg túc tắc đạp đi đạp về gần 40 cây số. Về đến nơi, trời cũng đã xế tối. Nó dắt xe vào sân và không tin nổi vào mắt. Mẹ nó đang ngồi chờ ở bậc thềm. Nhìn thấy con, bà nói: "Về thôi con!". Hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở.

Mẹ kể, mấy hôm nay, nhìn học sinh, chị em trong nhà đến trường khai giảng, đi học là mẹ lại chảy nước mắt. Mẹ nói với ba, phải đi đón con gái mẹ về thôi. Hai mẹ con bắt xe về ngay trong đêm.

Mấy hôm sau, mẹ nhận được lá thư của nó gửi về. Trong lá thư, nguyên cả hai mặt giấy và cả ngoài bì thư chỉ kín đặc chỉ đúng một câu: Mẹ xuống đưa con về ngay! Mẹ xuống đưa con về ngay! Mẹ xuống đưa con về ngay! Dòng cuối thư, nó còn ghi thêm: Nếu không, mẹ phải chịu hoàn toàn tất cả trách nhiệm!

Từ đó, cả nhà cơm cháo nuôi nhau, mẹ quyết không gửi đứa con nào đi nữa hết. Còn nó, nó tin trên đời này có thần giao cách cảm, nhất là sợi dây tình mẫu tử...

Giờ đây, nó lập nghiệp xa nhà, sống xa mẹ. Nhưng rất nhiều lần, mỗi khi gặp sự cố trong cuộc sống, dù nó không nói ra, lại thấy mẹ gọi điện. Không lần nào bà quên nói câu: Mệt mỏi cứ về với mẹ nghe con!

Nguyên Phong