Mái nhà hôn nhân - đi dễ khó về
(Dân trí) - Vợ chồng bạn tôi vừa đưa nhau ra tòa li dị, một kết thúc không thể buồn hơn cho một gia đình đã từng rất hạnh phúc. Bạn tôi nói, lỗi lầm bạn gây ra thì bạn phải chịu trách nhiệm. Chỉ có điều người lớn sai, nhưng chịu hậu quả nặng nề nhất vẫn là những đứa trẻ.
Thực ra chuyện xảy ra cũng khá lâu rồi. Là bạn gái tôi trong phút yếu lòng đã “dây dưa” với một anh bạn đồng nghiệp. Công sở chính là môi trường khá thuận lợi cho việc ngoại tình. Một ngày có 24 giờ, trừ giờ ngủ, giờ ăn, giờ đi lại, giờ dành cho gia đình thì thời gian ở công sở là nhiều nhất. Hàng ngày gặp nhau, nếu nảy sinh tình cảm thì dễ quan tâm nhau và dễ vượt quá giới hạn đồng nghiệp thông thường lắm. Bạn tôi phạm lỗi trong hoàn cảnh như vậy.
Sau quãng thời gian say nắng bạn đã dừng lại rồi, bạn có thể chọn cách im lặng. Nhưng bạn tôi, không hiểu đã nghĩ suy những gì mà lại thú nhận với chồng. Bạn nói chồng bạn quá tốt, và cảm giác lừa dối khiến bạn cảm thấy nhiều lúc không chịu nổi. Vậy nên bạn chọn cách nói thật, rồi tha thứ hay không đều do chồng quyết định. Chồng bạn, khỏi phải nói, sốc và bàng hoàng trước sự thật. Bởi chồng bạn biết, bạn không phải là mẫu phụ nữ lả lơi, buông thả. Từ ngày yêu nhau rồi cưới, chính sự nghiêm túc và đoan trang của bạn trong các mối quan hệ là điều khiến chồng bạn tin tưởng nhất. Chồng bạn đau đớn đến độ hỏi bạn: “Em có thể không nói mà. Tại sao em lại nói ra? Tại sao?”.
Thời gian sau đó, chồng bạn trở nên trầm lặng hẳn. Bạn cũng đã chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất. Nhưng rồi chồng bạn nói chuyện xảy ra thì cũng xảy ra rồi. Anh ghi nhận sự thẳng thắn của vợ. Ai cũng có những phút yếu lòng như thế. Sự việc như vậy cũng có thể có phần lỗi của anh đã quan tâm đến vợ chưa đủ. Cả hai vẫn còn yêu thương nhau, con cái cũng cần có cha có mẹ. Anh sẽ không để tâm chuyện cũ, và anh mong vợ anh cũng hãy tự tha thứ cho mình.
Cho tới giờ, khi đã li hôn, bạn vẫn nói bạn không hề chọn lầm người. Có thể nói ra những lời như thế, tha thứ cho vợ như thế, liệu có mấy ông chồng làm được? Nhưng vấn đề lại là ở chính bạn. Bạn nhận thấy chồng trầm lặng hơn, bạn cũng không còn vô tư chia sẻ mọi chuyện với chồng như cũ. Mọi thứ cứ diễn ra gượng gạo, kể cả chuyện vợ chồng. Mỗi khi ngồi xem phim, nếu có tình huống ngoại tình, bạn cảm thấy mặt mình nóng rực lên, ngực hồi hộp khó thở. Bạn không dám nhìn chồng, cũng không dám nói chuyện. Bạn chỉ tự hỏi không biết chồng đang nghĩ gì, có nhớ đến lỗi lầm của vợ mình không. Mỗi khi nghe loáng thoáng ai đó kể chuyện nhà nọ nhà kia có chồng hay vợ ngoại tình, rồi đánh ghen, dằn mặt nhau, bạn cứ cảm giác người ta ám chỉ mình, tâm trạng vô cùng khó chịu. Đến bản thân mình còn nặng nề như vậy thì chồng bạn sẽ đau khổ đến mức nào.
Bạn đề nghị li hôn, chồng bạn rất bất ngờ. Tại sao lại là bạn đề nghị li hôn? Lỗi lầm anh không hề nhắc lại, chuyện cũ anh đã bỏ qua. Nhưng bạn lại không thể xua tan cảm giác tội lỗi của bản thân mình. Và bạn biết mọi thứ không thể nào trở lại như xưa nữa, dù bạn vẫn yêu chồng, dù bạn không hề muốn bước ra khỏi cuộc hôn nhân ấy.
Hôn nhân hóa ra là vậy, chỉ cần buông lỏng ý chí và cảm xúc của mình một chút là đã có thể lạc bước ra khỏi sự bình yên. Chỉ cần một chút ích kỉ, một chút ham muốn nhất thời sẽ đẩy đời mình vào giông bão. Một cuộc hôn nhân vững chắc phải dựa trên nền tảng tình yêu, niềm tin và sự tôn trọng. Dù còn yêu nhau đi nữa, mà yêu trong hoài nghi, yêu trong dằn vặt đau đớn thì cũng không hạnh phúc nổi. Vả lại, chấp nhận tha thứ không đồng nghĩa với việc có thể sẽ quên đi những tổn thương.
Ai cũng biết ngoại tình thì chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cả nhưng lại vẫn bị cám dỗ và sa ngã bởi sự ngọt ngào pha kèm êm dịu mà cuộc hôn nhân lâu dài đã khiến những thứ đó hao mòn đi. Nhiều người coi ngoại tình như một thú vui, coi người tình như quán trọ, qua phút si mê rồi sẽ lại trở về nhà. Nhưng ngôi nhà hôn nhân, muốn đi thì dễ, muốn về lại rất khó. Cái gì vỡ rồi cũng có thể hàn gắn lại, chỉ có vết thương lòng không thể nhìn thấy bằng mắt, không hề chảy máu nhưng lại là vết thương sâu nhất, đau nhất không dễ gì lành.
Tôi đã thấy rất nhiều những đứa trẻ đi qua tuổi thơ với một gia đình không tròn vẹn. Chúng lớn lên trong nỗi hoang mang, sợ hãi cái gọi là tình yêu, sợ cuộc đời mình sẽ lặp lại cái thảm kịch hôn nhân như mẹ cha mình từng trải. Có những đứa trẻ đã lớn lên trong nỗi thèm khát có đủ cha đủ mẹ, nhưng cuối cùng chỉ biết giam mình trong nỗi cô độc của trái tim, nhìn đời bằng nỗi tự ti mặc cảm. Và có những đứa trẻ đã tự hủy hoại bản thân và tương lai của mình từ những lỗi lầm không do mình gây ra.
Mọi nỗi đau, mọi bi kịch hoàn toàn có thể không xảy ra nếu mỗi chúng ta trước khi bước ra khỏi nhà hãy ngoái đầu nhìn lại. Nhìn lại mái nhà mình đang sống, nhìn lại người chồng người vợ bao năm đầu ấp tay kề, nhìn lại những đứa con đang vô tư cười đùa chưa hề biết đến những bão giông mất mát. Nhìn một chút thôi, để tim mình đừng lạc lối, để cảm xúc đừng xáo trộn bởi những mới lạ níu kéo ngoài kia. Nhìn lại để biết rằng, sự ấm áp kia, yên bình kia hoàn toàn đang nằm trong tầm tay mình, đừng nhẫn tâm phá bỏ.
Đừng tự ru mình “hãy cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”. Mọi sai lầm đều có thể làm lại, nhưng hôn nhân thì không được phép sai, bởi chỉ cần sai một li thôi đã đi ngàn dặm. Chỉ cần một phút ngoài chồng ngoài vợ là cánh cửa hôn nhân có thể sẽ vĩnh viễn khép lại sau lưng mình.
Lê Giang