Mai, mẹ tôi lấy chồng
(Dân trí) - Hồi ấy, mẹ tôi học đại học, vì lỡ có thai nên phải xin tạm nghỉ. Những năm 80, số người được đi học đại học chính quy như mẹ tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên khi mẹ thông báo lỡ có thai rồi, bà ngoại tôi chết ngất. Phần vì tức giận, phần vì đau xót cho con mình.
Nhớ khi bà ngoại còn sống, bà kể với tôi rằng bà nội tôi đanh đá, chua ngoa, mọi người trong thị trấn vẫn bảo nhau, bà nội tôi ra đường không chào hỏi ai bao giờ. Bố tôi sợ bà nội đến mất mật, không dám xuất hiện, lấy cớ đi làm rồi bảo mẹ tôi đến mà xin bà nội tôi cho cưới, nếu bà đồng ý thì sẽ cưới, không thì thôi, đừng gặp bố tôi làm gì. Thế là bà ngoại tôi đưa mẹ đến, gặp bà nội xin nói chuyện. Cái thời bao cấp mà gia đình bên nội nhà tôi có tiêu chuẩn gạo trắng ăn hàng ngày, với những chiếc xe đạp săm lốp nguyên vẹn treo lên tường, ngồi trong nhà có bộ bàn ghế gỗ lát đánh vec-ni bóng loáng, là giàu có, sang trọng lắm. Bà ngoại tôi hết lời “nhờ vả”, bà nội tôi vẫn nổi khùng lên, chửi rủa một trận, đuổi cả mẹ tôi và bà ngoại tôi về.
Chỉ đến khi cái bụng bầu đã gần 9 tháng, bà mới cho xe máy đến đưa mẹ tôi về. Hai tuần sau thì mẹ tôi đau đẻ, bà nhờ người đèo mẹ tôi đi đẻ bằng chiếc xe đạp chứ không nhờ cáng hoặc đi xe máy như các cô em của bố. Hôm mẹ đi đẻ, bà bảo bố tôi cứ đi làm đi, có gì mà lo, ngày xưa bà đẻ 7,8 lần đều tự lo được hết. Mẹ tôi gạt nước mắt, sinh nở một mình rồi tự ôm con về. Câu đầu tiên khi về đến cửa, bà nội tôi đã hỏi: Sao không bảo ông ngoại cắt phiếu gạo lên, đến đã một mình, bây giờ lại đẻ ra một đứa, thì lấy gì mà ăn?
Gần ba mươi năm mẹ sống cùng bố tôi là bằng ấy năm đau khổ. Sinh tôi xong, mẹ lặng lẽ viết đơn xin nhà trường cho học tiếp. Các thầy cô giáo thương tình mẹ tôi học giỏi lại tha thiết muốn nhập trường nên viết thư trả lời đồng ý. Bà nội tôi tuyên bố nếu đi học thì không cho gì hết, lương bố tôi bà sẽ quản. Mẹ tôi đành chịu, cứ thế bế con đi học, quyết phải hoàn thành xong chương trình. Buổi tối trước hôm mẹ lên xe, bà ngoại tôi dấm dúi lên gửi cho con gái cân đậu xanh, bố tôi phát hiện ra, ném tung vèo ra cửa. Đậu văng tứ phía, mẹ tôi bảo cái thời ấy, đói ròng đói rã, nhìn thấy túi đậu xanh bị văng tung toé, mẹ vẫn còn nguyên cảm giác đau xói vào trong ruột, đến giờ...
Rồi chúng tôi lớn lên. Mẹ là chủ lực về kinh tế trong nhà. Bao cấp bị phá bỏ, mẹ tôi làm ăn giỏi lắm, nuôi cả chồng lẫn con. Nhưng bị bố tôi đánh đập liên miên. Lâu lâu lại có vết bầm tím trên cổ vì bố tôi bóp cổ. Tôi đau đớn khuyên mẹ li dị đi, nhưng mẹ tôi không dám.
Có một hôm, đến cửa hàng của mẹ, tôi bắt gặp cái nhìn lặng lẽ thương cảm của bác dành cho mẹ. Bác là kế toán, giúp việc cho mẹ tôi hơn chục năm nay, chẳng vợ con gì. Thật ra là ngày trước vợ bác mất vì tai nạn, cũng chẳng có con. Ai cũng hỏi bác sao chưa lấy vợ khác, bác cười, bảo: “đang còn trẻ, chưa lo gì”. Tôi cảm thấy rõ tình cảm sâu nặng bác dành cho mẹ tôi, cho “bà giám đốc” mình hạc xương mai mà chịu không biết bao nhiêu đoạ đầy, đau khổ.
Tôi đề nghị bác hãy mạnh dạn thể hiện tình cảm với mẹ tôi, nếu không, cả bác với mẹ tôi đều không ai hạnh phúc. Ban đầu bác ngạc nhiên, không muốn thừa nhận tình cảm của mình. Nhưng bởi tôi chân thành, nên bác cũng gật đầu! Mấy năm sau mẹ tôi mới dám đón nhận tình cảm của bác, bởi vì cái thành kiến “đàn bà bỏ chồng” trong mẹ tôi lớn quá! Nhưng dù gì, khi biết mình yêu và được yêu, mẹ tôi cũng đã trở thành con người khác, mạnh mẽ và hạnh phúc hơn nhiều. Bố tôi, không từ bất cứ thủ đoạn nào nhằm bôi nhọ mẹ, cố tình không ký đơn li dị, đem đủ thứ điều kiện ra gây khó dễ mẹ tôi.
Cuối cùng, mẹ tôi chẳng cần gì. Mẹ để lại cho bố ngôi nhà và xe cộ. Mẹ và bác dọn đến sống trong căn hộ độc thân của bác. Có hề gì đâu, công việc kinh doanh bây giờ cũng chỉ là niềm vui, không đặt nặng vấn đề lợi nhuận...
Mai. Mẹ tôi, người đàn bà năm mươi tuổi, sẽ đi lấy chồng. Mẹ bảo, mẹ già rồi, không mặc áo cô dâu. Nhưng chị em tôi bảo, tại sao lại không có quyền mặc nó? Tôi chưa bao giờ thấy mẹ hạnh phúc mà bẽn lẽn như khi thử váy.
Mai. Mẹ tôi lấy chồng!
Nguyễn Hương Ngân