Bạo lực tại V-League sẽ giảm sau các án phạt nguội?

(Dân trí) - Tiếp sau Samson (Hà Nội FC), đến lượt Quốc Phương (Thanh Hoá) dính án “phạt nguội” của Ban kỷ luật VFF vì chơi thô bạo với cầu thủ đối phương. Hy vọng rằng những án phạt đấy sẽ khiến cho các cầu thủ bớt các thói quen hành xử phi luật, giúp cho bóng đá nội giảm bạo lực.

Rút kinh nghiệm án phạt dành cho Samson, án phạt đối với Quốc Phương được đưa ra rất nhanh, chỉ ít ngày sau khi cầu thủ của Thanh Hoá chơi thô bạo với Âu Văn Hoàn (CLB TPHCM), trong trận đấu thuộc vòng 5 V-League.

Thông thường thì các năm trước, với các pha vào bóng dạo này, nếu cầu thủ thoát thẻ của trọng tài trong quá trình diễn ra trận đấu, thì họ cũng gần như thoát các án phạt bổ sung. Bởi, việc “phạt nguội” không phải chưa có tiền lệ, nhưng các án phạt đấy không triệt để, lại chưa đủ sức răn đe.

Năm nay, một trường hợp tưởng đã “thoát” là pha vào bóng của Samson, nhưng cuối cùng vẫn bị xử lý, sau khi dư luận lên tiếng mạnh. Từ Samson đến trường hợp của Quốc Phương, xen giữa đó là án phạt dành cho Omar (Thanh Hoá) vì hành vi khiêu khích khán giả, mật độ các án phạt nguội đang được công bố nhiều hơn.

Trận Thanh Hoá - CLB TPHCM ở vòng 5 gây khá nhiều ồn ào mấy ngày qua (ảnh: Gia Hưng)
Trận Thanh Hoá - CLB TPHCM ở vòng 5 gây khá nhiều ồn ào mấy ngày qua (ảnh: Gia Hưng)

Thực tế thì việc cầu thủ phạm lỗi hay không phạm lỗi, phạm lỗi ở mức độ nào là điều khó mà giấu được người xem, với công nghệ và với sự bùng nổ các phương tiện thông tin đại chúng như bây giờ.

Thành ra, chuyện phạt hay không phạt chỉ là vấn đề thời gian, nếu Ban kỷ luật VFF quyết liệt vào cuộc, và chịu khó nghiên cứu băng hình. Có lẽ giới cầu thủ, các đội bóng và cả giới trọng tài sẽ dần hiểu điều ấy, sau các án phạt liên tiếp được công bố vừa qua. Từ đó, hy vọng các cầu thủ sẽ bớt thô bạo với các đồng nghiệp của mình, dần từ bỏ thói quen đá “dữ” một cách không cần thiết.

Giới trọng tài từ những án phạt này hy vọng rằng cũng có trách nhiệm hơn với các tiếng còi của mình, tránh bỏ sót lỗi, bỏ sót thẻ như trong các năm qua. Vì nếu trọng tài bỏ sót những lỗi mà sau đó chính những cầu thủ phạm lỗi đấy bị nhận kỷ luật bổ sung, thì chính giới “vua sân cỏ” sẽ bị mất uy tín, chưa kể các trọng tài, giám sát trọng tài cũng có khả năng bị phạt bổ sung, vì chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Hy vọng VFF tiếp tục giữ vững lập trường mà họ thể hiện từ đầu giải: Siết chặt kỷ luật tại V-League, hòng loại bỏ thói quen bạo lực của cầu thủ Việt Nam, uốn nắn lại nhận thức của cầu thủ, của trọng tài và giám sát trọng tài xung quanh câu chuyện bạo lực sân cỏ.

Trọng Vũ

Bạo lực tại V-League sẽ giảm sau các án phạt nguội? - 2

Dòng sự kiện: V-League 2017