1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Vai diễn" chủ đạo của Nga trong kịch bản ngoại giao của phương Tây

(Dân trí) - Dù Nga bị phương Tây cáo buộc là “đóng vai phản diện” trong nhiều vấn đề trên thế giới, nhưng các nhà ngoại giao từ các nước này cũng phải thừa nhận vai trò không thể chối bỏ của Moscow trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng và xung đột trên thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, các quan chức ngoại giao Mỹ và châu Âu đã cáo buộc Nga đứng sau chiến dịch nhằm chia rẽ nền dân chủ phương Tây, mà điển hình là việc các quan chức châu Âu dường như đã không tìm được tiếng nói chung vì chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong năm qua.

Tuy nhiên, dù rất “bức xúc” vì vấn đề này ở Hội thảo an ninh Munich (Đức) vào cuối tuần qua nhưng các quan chức và nhà ngoại giao châu Âu và phương Tây dường như vẫn phải ngầm thừa nhận rằng Nga đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý những cuộc khủng hoảng và xung đột tồi tệ nhất trên thế giới.

Từ vấn đề Đông Ukraine tới Triều Tiên, Nga với tư cách là cường quốc hạt nhân, việc Nga can thiệp quân sự vào Syria, hay quyền phủ quyết của Moscow ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tất cả những vấn đề này cho thấy vai trò không thể chối bỏ của Nga trong các vấn đề quan trọng trên thế giới.

Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke Jensen cho rằng: “Chúng tôi không thể tìm thấy một giải pháp chính trị nào mà không có sự tham gia của Nga. Chúng tôi cần đồng nhất tại 1 điểm để tìm ra giải pháp và họ (Nga) phải nằm ở vị trí trung tâm".

Trên thực tế, Moscow vẫn đang bị gán “vai phản diện” trong mắt các nước phương Tây chỉ trích mạnh mẽ với cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 hay sự tham gia của nước này trong vụ Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014.

Với phương Tây, đây dường như là 1 dấu hiệu thể hiện sự đoàn kết của các quốc gia này, đánh dấu sự đổi thay sau thời gian Mỹ và châu Âu “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong một năm qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức với những mâu thuẫn về chiến lược và chính sách.

Tại Hội thảo an ninh Munich - cuộc gặp hằng năm giữa các quan chức an ninh Mỹ và châu Âu cùng một số nhà ngoại giao Nga, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã tỏ rõ thái độ không vừa lòng vì Nga công khai phủ nhận cáo buộc có can thiệp bầu cử Mỹ.

Giám đốc cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats cho rằng hàng năm Nga chỉ cử người đến Hội thảo an ninh và tất cả những gì họ làm là chối bỏ các cáo buộc.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. (Ảnh: UB Post)
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. (Ảnh: UB Post)

Tuy nhiên, ở hậu trường, Nga dường như có vai trò hoàn toàn khác. Bằng chứng là các quan chức cấp cao, như Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói chuyện với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại khách sạn Bayerischer Hof. Hay các quốc gia như Đức đã từng đề cập tới việc nới lỏng lệnh trừng phạt với Nga (trên danh nghĩa cáo buộc Moscow can thiệp vào Ukraine năm 2014) và nhận định Nga có vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu ngăn chặn bùng phát vũ khí hạt nhân.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng từng nhận định rằng phương Tây cần tìm ra biện pháp xử lý vấn đề trên thế giới theo hướng ngoại giao với Nga.

Trên thực tế, sự hiện diện của Nga trong mọi vấn đề trên thế giới là điều khó có thể chối bỏ. Nga có vai trò quan trọng tại khu vực Trung Đông. Nga bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên thuộc NATO. Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng đang tấn công lực lượng quân đội Syria tự do (SDF) do Mỹ hậu thuẫn. Tại châu Á, Nga được cho là một trong những tác nhân quan trọng để xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Đức Hoàng