1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc sốt sắng xây "kênh đào Panama ở châu Á"

Hợp tác với Thái Lan xây dựng kênh đào Kra đang được Trung Quốc sốt sắng triển khai bởi con kênh được mệnh danh là “kênh đào Panama ở châu Á” này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế lớn mà còn có nhiều ý nghĩa chiến lược trọng yếu với Bắc Kinh.


Kênh đào Kra khi hoàn thành sẽ rút ngắn được 1.200km hành trình của tàu chở dầu từ khu vực Trung Đông về Trung Quốc

Kênh đào Kra khi hoàn thành sẽ rút ngắn được 1.200km hành trình của tàu chở dầu từ khu vực Trung Đông về Trung Quốc

Một cuộc hội thảo lớn về kênh đào Kra Ithmus (kênh đào Thái Lan) đã được tổ chức tại tỉnh Phuket của Thái Lan dưới sự chủ trì của tướng Pongthep Thesprateep, Chủ tịch Hiệp hội Kênh đào Thái Lan (TCA), cùng sự tham dự của đại diện nhiều tổ chức quốc tế và doanh nghiệp. Được ví như “kênh đào Panama ở châu Á”, kênh đào Kra còn được so sánh với kênh đào Suez (Ai Cập) về tầm quan trọng nên đang được nhiều quốc gia, tổ chức vận động hành lang ráo riết ở Thái Lan, trong đó đặc biệt là Trung Quốc.

Trên thực tế, Trung Quốc đã bỏ xa các quốc gia khác trong cuộc đua giành quyền hợp tác với Thái Lan để xây dựng kênh đào Kra. Đại diện của Trung Quốc và Thái Lan vào trung tuần tháng 5-2015 đã cùng đặt bút ký một Biên bản ghi nhớ về việc xây dựng kênh đào Kra xuyên qua miền Nam Thái Lan để nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.

Theo thỏa thuận ban đầu, kênh đào Kra có hai chiều, sâu 25m, dài 102km, rộng 400m. Việc xây dựng sẽ hoàn tất trong 10 năm với chi phí khoảng 28 tỷ USD. So với kênh đào Panama nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương ở Trung Mỹ, chỉ sâu 15m và điểm rộng nhất là 304m, kênh Kra có thể cho phép mọi con tàu biển hiện nay trên thế giới qua lại dễ dàng, kể cả tàu sân bay hay siêu tàu chở dầu.

Kênh đào Kra một khi đi vào hoạt động tất nhiên mang lại lợi ích, trước hết là về kinh tế cho Thái Lan cũng như nâng cao không ít giá trị và tiếng nói của quốc gia Đông Nam Á này khi sở hữu một “yết hầu” vận tải biển trọng yếu bậc nhất thế giới.

Những lợi ích lớn đã rõ, song điều khiến một bộ phận dư luận ở Thái Lan còn băn khoăn là việc xây dựng kênh đào sẽ cắt rời miền Nam Thái Lan theo đúng nghĩa đen, trong khi đây là khu vực đang có nhiều bất ổn. Chính vì thế, quyết định xây dựng kênh đào Kra phải do đích thân Nhà vua Thái Lan đưa ra chứ không phải là Chính phủ nước này.

Sự băn khoăn của người sở hữu kênh Kra là Thái Lan xem ra trái ngược với sự nóng lòng của “đối tác bên ngoài” Trung Quốc. Quốc gia là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đang trỗi dậy mạnh mẽ này luôn sẵn sàng thu xếp nguồn vốn cực lớn để xây dựng kênh đào Kra.

Theo giới phân tích, kênh đào Kra mang lại những lợi ích chiến lược quan trọng cho Trung Quốc, trước hết là giúp cường quốc này rút ngắn được 1.200 km hành trình của những con tàu chở dầu từ khu vực Trung Đông về Trung Quốc. Hiện có tới 80% dầu nhập khẩu của Trung Quốc là từ Trung Đông và phải đi qua Eo biển Malacca vừa xa hơn hàng nghìn kilomet vừa nơm nớm lo cướp biển.

“Thâu tóm” được kênh đào Kra khi bỏ tiền ra đầu tư, Trung Quốc còn giảm thiểu nguy cơ bị phong tỏa tuyến vận tải biển huyết mạch đi qua Eo biển Malacca khi “có biến”. Nguyên nhân nữa quan trọng không kém được chính Trung Quốc mới đây vừa công khai tuyến bố, đó là việc hợp tác với Thái Lan xây dựng kênh Kra là một phần trong Sáng kiến Vành đai - Con đường đầy tham vọng, được đầu tư tới 1.000 tỷ USD của Bắc Kinh.

Theo Hoàng Tuấn

An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm