1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Trung Quốc quyết xóa bỏ "ảnh hưởng nguy hại" của Chu Vĩnh Khang

Với việc bắt Vương Kiến Bình, Trung Quốc đang cho thấy quyết tâm loại bỏ hoàn toàn những ảnh hưởng nguy hại từ Chu Vĩnh Khang.

Lần đầu tiên trong lịch sử quân sự hiện đại Trung Quốc, một vị tướng đang phục vụ lực lượng vũ trang nước này đã bị điều tra về tội nhận hối lộ, bước tiến này được coi là dấu hiệu cho thấy, các quan chức quân đội Trung Quốc đang dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết khi ông Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng.

Phó Tổng tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân uỷ Trung ương Trung Quốc Vương Kiến Bình đã bị bắt giữ để điều tra cáo buộc tham nhũng. (Ảnh: scmp)
Phó Tổng tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân uỷ Trung ương Trung Quốc Vương Kiến Bình đã bị bắt giữ để điều tra cáo buộc tham nhũng. (Ảnh: scmp)

Động thái chưa từng có tiền lệ

Ngày 29/12, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết, cơ quan kiểm sát quân sự Trung Quốc đã tiến hành điều tra đối với ông Vương Kiến Bình, 63 tuổi, Phó Tổng tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân uỷ Trung ương Trung Quốc với cáo buộc tham nhũng.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận những thông tin được tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đăng tải hồi tháng 8/2016 cho rằng, ông Vương Kiến Bình, một đồng minh của cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang bị bắt vì vi phạm kỷ luật Đảng – một uyển ngữ để chỉ tội danh tham nhũng.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không hề cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết của cuộc điều tra. Một nguồn tin tiết lộ với báo chí hồi tháng 8/2016 cho biết, ông Vương Kiến Bình bị bắt khi đang có chuyến công tác ở Thành Đô, Tứ Xuyên. Vợ của ông này cùng với thư ký và cựu thư ký cũng đã bị bắt giữ.

Vụ bắt giữ Vương Kiến Bình đánh dấu lần đầu tiên một vị Tướng đương chức bị điều tra kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” hồi năm 2012, tuyên chiến với nạn tham nhũng mà ông nói đã trở thành mối đe dọa lớn với quy tắc của Đảng cũng như sự ổn định xã hội.

Như vậy trong năm 2016 có hai tướng lĩnh quân đội cấp cao Trung Quốc bị bắt giữ. Trước đó, Thượng tướng Điền Tu Tứ, cựu Chính ủy Không quân Trung Quốc cũng vướng phải vòng lao lý.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên tiếng xác nhận bắt giữ ông Vương Kiến Bình chỉ một ngày sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục “đà tiến” của chiến dịch chống tham nhũng để làm “trong sạch môi trường chính trị trong nội bộ Đảng” năm tới.

Chống tham nhũng trong quân đội là ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)
Chống tham nhũng trong quân đội là ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)

Chống tham nhũng trong quân đội là ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình. Tuần trước, Bộ Quốc phòng nước này cho biết, một quy định kiểm toán sửa đổi sẽ có hiệu lực trong năm 2017 và sau đó, hoạt động kinh tế của tất cả các lực lượng vũ trang phải được kiểm toán.

Trước khi được bổ nhiệm chức vụ phó Tổng tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, ông Vương Kiến Bình từng giữ chức Tư lệnh lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc.

Trong thời gian làm lãnh đạo lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc, ông Vương thường trực tiếp báo cáo công việc với Chu Vĩnh Khang, người đã bị bắt năm 2013 và bị kết án chung thân hồi năm ngoái.

Tháng 12/2014, ông Vương bất ngờ được thuyên chuyển công tác, giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, sau đó giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân uỷ Trung ương Trung Quốc.

Nhổ tận gốc mầm mống tham nhũng Chu Vĩnh Khang

Kể từ khi nhậm chức hồi năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những động thái cụ thể, mạnh tay chống tham nhũng. Nhiều cựu tướng lĩnh quân đội cấp cao đã bị điều tra, tiêu biểu có thể kể đến vụ việc Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng hay Điền Tu Tứ.

Mặc dù vậy, cả ba “con hổ” nói trên đều vướng vào vòng lao lý khi đã về hưu và vụ việc mới nhất liên quan đến Phó Tổng tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân uỷ Trung ương Trung Quốc Vương Kiến Bình đánh dấu lần đầu tiên một sĩ quan cấp cao nhất của quân đội Trung Quốc tại ngũ bị điều tra tham nhũng.

Cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang. (Ảnh: Reuters)
Cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang. (Ảnh: Reuters)

Trước đó, Bộ Công an Trung Quốc đã lên tiếng cho rằng, cần phải tăng cường các nỗ lực để nhổ tận gốc những “ảnh hưởng nguy hại” của “quan tham” Chu Vĩnh Khang – người bị kết án tù chung thân vì tội ăn hối lộ, tiết lộ bí mật nhà nước và lạm dụng quyền lực.

Bộ Công an Trung Quốc cho biết thêm rằng: “Các tổ chức, các cơ quan đoàn thể trực thuộc Bộ cần đào sâu nghiên cứu và giáo dục để làm sâu sắc thêm sự hiểu biết về mức độ và tác hại của vụ việc Chu Vĩnh Khang”.

Cũng trong ngày 28/12, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức hội nghị nghiên cứu triển khai công tác xây dựng tác phong liêm chính trong Đảng và chống tham nhũng.

Trong đó đánh giá kể từ sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay, công tác quản lý Đảng nghiêm minh một cách toàn diện đã đạt được thành quả quan trọng mang tính giai đoạn, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng hình thành xu thế áp đảo, nhận được sự đồng lòng của quần chúng nhân dân.

Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng khẳng định quyết tâm đẩy lùi và kiềm chế sự gia tăng của tình trạng tham nhũng, đi sâu thúc đẩy xây dựng tác phong liêm chính và chống tham nhũng trong Đảng, từ đó giúp cho người dân cảm nhận được hiệu quả thực tế của công tác quản lý Đảng nghiêm minh một cách toàn diện./.

Theo Hùng Cường/VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm