Tổng thống Pháp Hollande: Chuyến thăm kết nối quá khứ và tương lai

(Dân trí) - Trong bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội sáng ngày 6/9, Tổng thống Pháp Hollande nhấn mạnh rằng chuyến thăm lần này của ông sẽ giúp kết nối quá khứ và tương lai nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ truyền thống tốt đẹp vốn có, đồng thời nhấn mạnh tới những lĩnh vực hợp tác mới như đô thị bền vững và biến đổi khí hậu.


Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu tại Đại học Quốc gia. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu tại Đại học Quốc gia. (Ảnh: AFP)

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam kéo dài 3 ngày, Tổng thống Pháp Francois Hollande sáng 6/9 đang có bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội về chủ đề tương lai chung của mối quan hệ Việt - Pháp.

Bài phát biểu về chủ đề "Tương lai chung của Pháp và Việt Nam" là dịp để Tổng thống François Hollande trình bày những định hướng mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thế kỷ 21. Đây cũng là lần đầu tiên một nguyên thủ Pháp đến thăm một cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

Vượt qua quá khứ để xây dựng quan hệ tốt đẹp

Mở đầu bài phát biểu, nhà lãnh đạo Pháp nói: "Tôi rất vui khi có mặt tại Đại học Quốc gia Hà Nội và có dịp trao đổi với các giáo sư cũng như sinh viên. Tôi tới đây cùng một phái đoàn gồm các nghị sĩ, các giáo sư, các nhà nghiên cứu… rất quan tâm tới tình hữu nghị giữa Pháp và Việt Nam".

Nhắc lại lịch sử mối quan hệ song phương, ông Hollande cho rằng mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam đã trải qua một quá trình lâu dài. Trong quá trình lịch sử có những giai đoạn đau thương nhưng sự gắn bó giữa hai dân tộc giúp Việt - Pháp có quan hệ tốt đẹp, sâu sắc để hai nước tin tưởng lẫn nhau.

"Lịch sử giữa hai nước có những giai đoạn khó khăn nhưng điều này không cản trở chúng ta đến với nhau. Pháp đã tham gia trong sự chuyển mình của Việt Nam thành một đất nước vững mạnh, phát triển như ngày nay. Pháp hoan nghênh Việt Nam mở cửa để phát triển, và điều quan trọng là mở cửa nhưng vẫn giữ gìn truyền thống văn hóa".

"Tình cảm giữa hai nước đã giúp xây dựng được nền tảng hợp tác song phương. Tôi tin rằng chuyến thăm sẽ kết nối quá khứ và tương lai, tạo đà phát triển cho hai nước... Tôi mong các trường đại học tại Việt Nam cũng như tại Pháp có các chương trình đào tạo chất lượng. Tôi biết có nhiều người được sang Pháp đào tạo và trở về Việt Nam đóng góp cho đất nước, như Giáo sư Ngô Bảo Châu. Những thành quả hai nước đạt được trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu không chỉ giúp ích cho hai dân tộc mà cả thế giới", Tổng thống Hollande nhấn mạnh.

Về tương lai mà hai nước đang hướng tới, ông Hollande cho rằng cả Pháp và Việt Nam đều đối mặt những thách thức lớn. Thách thức lớn nhất là thử thách về hòa bình và sự ổn định. "Pháp đã bị khủng bố trong những năm gần đây. Tôi chân thành cảm ơn Chính phủ và người dân Việt Nam đã chia sẻ với nhân dân Pháp trong thời khắc khó khăn đó", nhà lãnh đạo Pháp nói.

Liên quan tới các mâu thuẫn giữa các quốc gia trên thế giới, ông Hollande nói: "Tôi ủng hộ sử dụng các biện pháp đàm phán, ngoại giao, hòa bình để giải quyết các mâu thuẫn. Một trong những biện pháp đó là đối thoại. Pháp, cũng giống Việt Nam, luôn mong muốn các biện pháp hòa bình để hóa giải các mâu thuẫn. Đây là điểm chung giữa hai dân tộc. Mục tiêu là giữ gìn an ninh".

Tổng thống Hollande cho hay, Pháp sẽ giúp Việt Nam trong các dự án gìn giữ hòa bình và ông biết Việt Nam cũng tham gia các chương trình gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Các lĩnh vực hợp tác đa dạng


Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc trò chuyện ngắn với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại sự kiện. (Ảnh: An Bình)

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc trò chuyện ngắn với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại sự kiện. (Ảnh: An Bình)

Trong bài phát biểu dài khoảng 25 phút, ông Hollande đã đề cập tới các lĩnh vực hợp tác giữa Pháp và Việt Nam và bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.

Về kinh tế, ông Hollande cho hay Việt Nam hiện nằm trong một khu vực rất năng động. Việt Nam đã là thành viên của ASEAN, WTO và tiến tới là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tổng thống Hollande khẳng định Pháp sẽ tiếp tục trợ giúp Việt Nam thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) như những năm qua để thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế mới, ngoài các lĩnh vực sản xuất truyền thống như gạo.

Tổng thống Hollande cho biết, Pháp sẽ sát cánh với Việt Nam đẩy mạnh các công nghệ tiên tiến, quan tâm tới đào tạo và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển về lĩnh vực phát triển công nghệ mới. Pháp cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển đô thị bền vững và hỗ trợ trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.

Về giáo dục, ông Hollande nói, Pháp mong muốn đón nhiều sinh viên Việt Nam sang Pháp học hơn nữa. Hiện nay có 7000 sinh viên Việt Nam tại Pháp, nhưng con số này còn ít. Pháp muốn thúc đẩy sự đào tạo liên kết giữa các trường đại học giữa hai nước, và để làm được điều đó thì cần mở rộng việc dạy và học tiếng Pháp tại Việt Nam.

Lĩnh vực giáo dục là một phần quan trọng của quan hệ Việt-Pháp. Theo Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, năm 2015, có khoảng 6.500 sinh viên Việt Nam học tại Pháp và gần 1.300 sinh viên Việt Nam sang Pháp mỗi năm để tiếp tục chương trình đại học tại Pháp.

Về y tế, ông cho biết, hai bên đã ký kết các thỏa thuận giữa các viện nghiên cứu tốt nhất của Việt Nam và viện nghiên cứu lớn nhất của Pháp nhằm tăng cường sự hợp tác giữa hai bên.

Về văn hóa, Pháp cũng sẽ mở chi nhánh của Viện Văn hóa Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh, mở rộng sự hợp tác trong lĩnh vực sách, phim ảnh để hai bên hiểu biết hơn về văn hóa của nhau. Tổng thống Hollande nói rằng, Việt Nam là thành viên rất năng động trong khối Pháp ngữ và Pháp mong rằng ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam học tiếng Pháp hơn nữa, tạo cầu nối để giúp mọi người sống trong một thế giới hội nhập.


Tổng thống Pháp Francois Hollande bắt tay mọi người trước khi rời Đại học Quốc gia. (Ảnh: An Bình)

Tổng thống Pháp Francois Hollande bắt tay mọi người trước khi rời Đại học Quốc gia. (Ảnh: An Bình)

Nhà lãnh đạo Pháp Francois Hollande đang có chuyến thăm Việt Nam từ 5-7/9 theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Pháp sau 12 năm kể từ chuyến thăm của Tổng thống Jacques Chirac vào năm 2004.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hollande diễn ra sau khi hai nước ký tuyên bố về Quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013 nhằm mục tiêu tăng cường quan hệ trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, quốc phòng, kinh tế giáo dục và văn hóa. Chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ thổi một luồng gió mới cho mối quan hệ lâu đời và tốt đẹp giữa Việt Nam và Pháp.

Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Việt Nam; đứng thứ ba trong các nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam. Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á.

An Bình