1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tòa phúc thẩm liên bang điều trần về sắc lệnh hạn chế nhập cư của ông Trump

(Dân trí) - Cuối giờ chiều ngày 7/2 theo giờ địa phương (sáng nay 8/2 giờ Việt Nam) phiên điều trần đầu tiên về sắc lệnh di trú gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ diễn ra tại tòa án phúc thẩm liên bang.


Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Phiên tòa kết thúc

Sau hơn 1 tiếng đồng hồ tranh luận, thẩm phán Friedland cho biết, 3 thẩm phán sẽ cố gắng để đưa ra phán quyết sớm nhất có thể, song không nêu thời hạn cụ thể nào. Trước đó, phát ngôn viên tòa án phúc thẩm cho biết, phán quyết có thể đưa ra vào cuối tuần này.

Đại diện bang lên tiếng

Ông Purcell cho rằng, tòa án cần bác bỏ đề nghị của Bộ Tư Pháp. Trước đó, Bộ Tư Pháp Mỹ đã kháng cáo phán quyết của tòa án ở Seattle (Washington) đóng băng sắc lệnh di trú gây tranh cãi. Ông Purcell đã nêu ra những ảnh hưởng tiêu cực của sắc lệnh như gia đình bị chia cắt, người nhập cư đã trở thành công dân lâu năm của Mỹ cũng không thể ra nước ngoài, làm thất thu thuế.

Ông Purcell nhấn mạnh, sắc lệnh "ảnh hưởng tới tất cả mọi người" và ông tin rằng, phía bang có nhiều cơ hội để thắng trong vụ kiện này.


Đại diện bang Washington và Minesota trong điều trần về sắc lệnh di trú. (Ảnh: Getty)

Đại diện bang Washington và Minesota trong điều trần về sắc lệnh di trú. (Ảnh: Getty)

Cũng giống như đại diện của Bộ Tư Pháp, ông Purcell nói rằng, do họ không có nhiều thời gian chuẩn bị cho điều trần nên trong thời gian tới họ sẽ đưa ra thêm nhiều bằng chứng nữa.

Tổng thống Trump trước đó tuyên bố sẽ đưa vụ kiện lên Tòa án tối cao nếu phán quyết ở tòa cấp dưới không như mong muốn.

Đại diện chính phủ lên tiếng

Phiên điều trần qua điện thoại bắt đầu dưới sự chủ trì của thẩm phán Michelle Friedland, cùng với 2 thẩm phán khác là William Canby và Richard Clifton. Đại diện cho bên khiếu nại cấp bang gồm bang Minnesota và Washington là cố vấn luật Washington Noah Purcell. Đại diện cho Bộ Tư pháp là ông August Flentje.

Biện giải cho sắc lệnh di trú gây tranh cãi, ông August Flentje đại diện Bộ Tư pháp nói rằng, việc sắc lệnh nhằm vào 7 quốc gia với dân số chủ yếu là Hồi giáo bởi đây là "nơi trú ngụ an toàn cho chủ nghĩa khủng bố". Ông cũng nhấn mạnh thêm, Tổng thống Donald Trump có quyền tạm ngừng cho nhập cảnh vì lợi ích an ninh quốc gia. "Điều mà Tổng thống làm là hoàn toàn hợp hiến", ông Flentje nói.

Thẩm phán Friedland đã đặt câu hỏi ngược lại rằng liệu có bằng chứng nào để khẳng định những quốc gia này có liên hệ với chủ nghĩa khủng bố không. Ông Flentje nói, cơ chế miễn thị thực sẵn có có thể chứng minh 7 quốc gia này "là mối đe dọa khủng bố lớn nhất".Tuy nhiên, ông bác bỏ quan điểm cho rằng, bản chất của sắc lệnh là cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Ông Flentje cũng nói rằng, các bang không có quyền theo hiến pháp để khiếu nại sắc lệnh.

Sẽ chưa ra phán quyết


(Ảnh minh họa: Telegraph)

(Ảnh minh họa: Telegraph)

Telegraph dẫn lời ông David Madden, phát ngôn viên tòa phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 của Mỹ có trụ sở ở San Francisco, cho biết tòa án có thể chưa đưa ra phán quyết về vụ kiện liên quan đến sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump ngay hôm nay, mà có thể là vào cuối tuần này. Người phát ngôn này cho biết thêm, phiên điều trần hôm nay có thể kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ tùy thuộc vào chất vấn của thẩm phán. Mỗi bên sẽ có 30 phút tranh luận qua điện thoại.

Thách thức pháp lý chồng chất


Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành sắc lệnh hạn chế nhập cư hôm 27/1. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành sắc lệnh hạn chế nhập cư hôm 27/1. (Ảnh: AFP)

Sắc lệnh tạm ngừng tiếp nhận người tị nạn và hạn chế người nhập cư từ 7 quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những sắc lệnh gây tranh cãi nhất của chính quyền Tổng thống Trump kể từ khi ông nhận nhiệm sở hôm 20/1.

Sắc lệnh này liên tục đối mặt với thách thức pháp lý khi ít nhất 7 bang đã đồng loạt đệ đơn kiện, cho rằng sắc lệnh của Tổng thống là vi hiến. Tòa án ở Seattle (Washington) hồi tuần trước đã yêu cầu tạm ngừng sắc lệnh, trong khi tòa án phúc thẩm ở San Francisco bác đề nghị của chính quyền Tổng thống Trump khôi phục ngay lập tức sắc lệnh.

Cuối ngày 7/2 theo giờ địa phương, phiên điều trần đầu tiên về sắc lệnh di trú bắt đầu diễn ra tại tòa phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 của Mỹ ở San Francisco. Đây có thể coi là phiên tòa quan trọng quyết định liệu sắc lệnh sẽ được khôi phục, bị đóng băng hay tiếp tục phải cần đến sự can thiệp của Tòa án tối cao.


Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra để phản đối sắc lệnh. (Ảnh: Reuters)

Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra để phản đối sắc lệnh. (Ảnh: Reuters)

Sắc lệnh ban hành hôm 27/1 của Tổng thống Trump nêu rõ Mỹ sẽ dừng toàn bộ việc tiếp nhận người tị nạn trong 4 tháng và cấm công dân của 7 nước - gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen - nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày. Ông Trump nói rằng, sắc lệnh này là một trong những biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ. Trong vòng 1 tuần kể từ khi ban hành sắc lệnh, Mỹ đã thu hồi khoảng 60.000 thị thực.

Ông Trump cho rằng, sắc lệnh này nhằm bảo vệ nước Mỹ trước nguy cơ các cuộc tấn công khủng bố. Tuy nhiên, giới tư pháp và các cựu quan chức cho rằng, sắc lệnh này là vi hiến, đi ngược lại với giá trị Mỹ. Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp nước Mỹ và thậm chí ở nhiều nơi trên thế giới để phản đối sắc lệnh.

Minh Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm