1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sự "lạc nhịp" của cựu Ngoại trưởng Mỹ trong Nhà Trắng

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson dường như là động thái nhằm loại bỏ đi sự “lạc nhịp” bên trong Nhà Trắng liên quan tới những vấn đề quan trọng về Trung Quốc hoặc Triều Tiên.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (Ảnh: Reuters)
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (Ảnh: Reuters)

Theo các chuyên gia, việc ông Tillerson rời khỏi Nhà Trắng dường như là dấu hiệu rằng chính phủ Mỹ đang muốn loại bỏ những yếu tố gây nên sự thiếu nhất quán trong thông điệp họ đưa ra về những vấn đề trên thế giới như cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc hay cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Trả lời SCMP, ông Stephen Orlins, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về các mối quan hệ Mỹ - Trung, nhận định sự “lạc nhịp” của ông Tillerson với Tổng thống Trump dường như thể hiện trong chuyến công du Bắc Kinh của ông Tillerson hồi năm ngoái. Trong khi cựu Ngoại trưởng Mỹ dường như muốn đi theo hướng thiết lập một mối quan hệ có tính xây dựng và không đối đầu với Trung Quốc, thì lập trường của Tổng thống Trump rất rõ ràng rằng ông muốn bắt tay với Bắc Kinh giải quyết vấn đề Triều Tiên nhưng vẫn rất cứng rắn với hoạt động thương mại song phương.

Theo chuyên gia Daniel Russel, một nhà ngoại giao kỳ cựu về khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Triều Tiên dường như không quan tâm tới việc đàm phán với ông Tillerson. Ông Russel cho rằng Bình Nhưỡng dường như thừa hiểu là ông Trump là lãnh đạo có xu hướng chỉ đạo cấp dưới chứ không có chiều ngược lại. Vì vậy, họ có xu hướng muốn tiếp cận Tổng thống Trump nhiều hơn.

Hơn nữa, quan điểm về vấn đề Triều Tiên của ông Tillerson dường như cũng không thống nhất với mong muốn của ông Trump, khiến đôi lúc Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng lại đưa ra những quan điểm “lệch pha” về cách đối phó với Bình Nhưỡng.

Sự “lạc nhịp” này dường như đã khiến ông Tillerson vắng mặt trong cuộc gặp với 2 phái viên Hàn Quốc hồi tuần trước và ông Tillerson chỉ biết được thông tin về cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên dự kiến diễn ra vào tháng 5 sau khi hai quan chức Hàn Quốc công bố với báo giới.

Tiếp đó, nhà ngoại giao Mỹ tiếp tục thể hiện sự thiếu nhất quán trong thông điệp trước công chúng khi công khai chỉ trích Moscow đứng sau âm mưu đầu độc cựu gián điệp hai mang người Nga và con gái tại Anh trong khi Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders từ chối đưa ra bình luận về sự việc.

Với các vấn đề khác như vấn đề hạt nhân Iran, Tổng thống Trump và ông Tillerson dường như cũng thiếu đi sự đồng thuận cần thiết, khiến nội các hiện tại không đạt được sự thống nhất cao độ trong chiến lược và hướng đi.

Ai có thể là người ra đi kế tiếp?

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster (Ảnh: New York Times)
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster (Ảnh: New York Times)

Việc ông Trump thay thế nhà ngoại giao hàng đầu có thể được cho là dấu hiệu Tổng thống Mỹ muốn cải tổ toàn diện các vị trí trong nội các nhằm tạo ra sự nhất quán trong chính quyền của ông Trump. Các chuyên gia đưa ra dự đoán rằng Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster có thể là nhân vật tiếp theo sẽ rời khỏi Nhà Trắng. Hồi cuối tháng trước, CNN đưa tin rằng ông McMaster có thể nghỉ việc vì mâu thuẫn với ông Trump về quan điểm của Tổng thống Mỹ với vấn đề NATO.

Trong khi ông McMaster được cho là đang thuyết phục ông Trump thừa nhận tầm quan trọng của các đồng minh quốc tế trong khối này thì Tổng thống Mỹ vẫn thường chỉ trích khối này không chia sẻ gánh nặng một cách công bằng.

Nhà phân tích các vấn đề quốc tế Isaac Stone Fish cho biết có những đồn đoán rằng nhiều khả năng cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton có thể thay thế trong trường hợp ông McMaster rời khỏi Nhà Trắng.

Đức Hoàng

Theo SCMP