1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Những vui buồn của các lãnh đạo thế giới năm 2017 (phần 2)

(Dân trí) - Dù là những thủ tướng nhiều kinh nghiệm hay tổng thống mới nhậm chức, các nhà lãnh đạo thế giới vẫn phải đối mặt với không ít thử thách từ cả vấn đề đối nội lẫn đối ngoại trong nhiệm kỳ công tác năm 2017.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Trump cùng lãnh đạo các nước thành viên G7 dự hội nghị thượng đỉnh ở Taormina, Sicily, Italy hồi tháng 5 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump cùng lãnh đạo các nước thành viên G7 dự hội nghị thượng đỉnh ở Taormina, Sicily, Italy hồi tháng 5 (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Donald Trump là một trong số những nhà lãnh đạo được nhắc đến nhiều nhất trên chính trường thế giới trong năm 2017. Với phương châm “Nước Mỹ là số một”, Tổng thống Trump từng bước thực hiện các cam kết do ông đưa ra khi còn là ứng viên tranh cử vào Nhà Trắng, song không phải tất cả những lời hứa hẹn này đều đạt được như kỳ vọng.

Ngay từ khi bắt đầu nhận nhiệm sở hồi tháng 1, Tổng thống Trump đã thể hiện rõ quyết tâm xóa bỏ các di sản của chính quyền tiền nhiệm, bao gồm thay thế đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare, rút Mỹ khỏi các thỏa thuận đa phương như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định biến đối khí hậu Paris, dọa từ bỏ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và thỏa thuận hạt nhân Iran, đảo chiều quan hệ với Cuba hay chỉ trích NATO…

Ngoài những phát ngôn gây tranh cãi, Tổng thống Trump cũng đưa ra một loạt chính sách gây chấn động không chỉ trong nội bộ nước Mỹ mà còn ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác như lệnh cấm người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ, xây tường ngăn biên giới với Mexico, công nhận “thánh địa” Jerusalem là thủ đô của Israel, chỉ trích thâm hụt thương mại với hàng loạt đối tác quan trọng như Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc,…

Một số sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Trump ký ban hành vấp phải sự phản đối của dư luận (Ảnh: AFP)
Một số sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Trump ký ban hành vấp phải sự phản đối của dư luận (Ảnh: AFP)

Cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng là chủ đề gây chú ý trong năm qua. Việc ông chủ Nhà Trắng không ngừng đưa ra những lời cảnh báo, thậm chí dọa sẽ hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên, khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột quân sự trong khu vực.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin trong năm 2017 cũng bị “phủ bóng” bởi cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ và các lệnh trừng phạt trả đũa lẫn nhau giữa hai bên. Mặc dù vậy, hai nhà lãnh đạo vẫn có các cuộc gặp mặt song phương, đa phương và điện đàm để trao đổi về một loạt vấn đề quan tâm chung.

Nội các của Tổng thống Trump năm qua cũng có nhiều biến động khi hàng loạt quan chức cấp cao bị sa thải hoặc chủ động rời khỏi Nhà Trắng liên quan tới nhiều vụ lùm xùm như giấu giếm thông tin, bí mật liên hệ với Nga,… Tỷ lệ ủng hộ dành cho nhà lãnh đạo Mỹ trong năm đầu nhậm chức cũng không mấy khả quan, dù Tổng thống Trump từng nhiều lần tuyên bố ông là tổng thống thành công nhất trong lịch sử Mỹ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe dự tiệc cùng hai phu nhân và một số quan chức tại Florida, Mỹ hồi tháng 2 (Ảnh: Getty)
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe dự tiệc cùng hai phu nhân và một số quan chức tại Florida, Mỹ hồi tháng 2 (Ảnh: Getty)

Theo nhận định của CNN, Thủ tướng Abe tiếp tục ghi điểm về chính trị trong năm 2017 dù bối cảnh toàn cầu còn nhiều diễn biến phức tạp. Ông Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên “kết thân” với vị tổng thống khó đoán của nước Mỹ - Donald Trump. Ông Abe và ông Trump đã có hàng loạt cuộc gặp cả song phương lẫn đa phương và thể hiện mối quan hệ gần gũi giữa hai đồng minh.

Về đối nội, Thủ tướng Abe đã tìm cách trấn an người dân sau khi Triều Tiên phóng hai tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Ông Abe tiếp tục được bầu làm thủ tướng Nhật Bản sau khi đảng cầm quyền của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Hạ viện hồi tháng 10. Đây được xem là thắng lợi của Thủ tướng Abe trong năm nay dù ông vẫn phải đối mặt với một số vụ lùm xùm cũng như những kế hoạch gây tranh cãi liên quan tới việc sửa đổi hiến pháp theo đường lối hòa bình của Nhật Bản.

Thủ tướng Abe chào đón năm 2018 với những điểm tựa vững chắc, bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt nhất của Nhật Bản trong gần 20 năm qua.

Thủ tướng Anh Theresa May

Thủ tướng May đối mặt với không ít khó khăn trong nhiệm kỳ năm 2017 (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng May đối mặt với không ít khó khăn trong nhiệm kỳ năm 2017 (Ảnh: Reuters)

Sau khi kêu gọi tiến hành cuộc bầu cử sớm hồi tháng 6, đảng Bảo thủ của Thủ tướng May đã mất đa số tuyệt đối tại quốc hội và không giành đủ số ghế cần thiết để thành lập chính phủ. Thực tế này buộc bà May phải tìm cách liên minh với đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) Bắc Ireland để duy trì quyền lực. Động thái này khiến Thủ tướng May vấp phải sự chỉ trích và làm phức tạp thêm vấn đề biên giới Ireland trong các cuộc đàm phán về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Năm 2017, Thủ tướng May cũng phải đối mặt với các mưu đồ hòng lật đổ bà và các vụ bê bối tình dục nghiêm trọng của các nghị sĩ trong quốc hội. Bà May đã mất 3 thân tín trong nội các, trong đó có hai bộ trưởng và đồng minh Damien Green - phó thủ tướng bị mất chức sau khi bị phát hiện nói dối về những hình ảnh khiêu dâm lưu trong máy tính tại văn phòng.

Một trong số những thành tựu mà Thủ tướng May đạt được trong năm qua là những tiến triển trong giai đoạn hai của các cuộc đàm phán Brexit. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán này dự kiến sẽ tiếp tục là thử thách đối với nữ lãnh đạo Anh trong năm 2018.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau

Thủ tướng Justin Trudeau bật khóc khi thay mặt chính phủ xin lỗi những người đồng tính bị phân biệt đối xử nhiều thập niên qua (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Justin Trudeau bật khóc khi thay mặt chính phủ xin lỗi những người đồng tính bị phân biệt đối xử nhiều thập niên qua (Ảnh: Reuters)

Năm 2017, Thủ tướng Trudeau đã nhiều lần rơi nước mắt khi ông bật khóc xin lỗi cộng đồng người đồng tính, song tính, lưỡng tính, chuyển giới (LGBTQ) hay các nhóm thổ dân tại Canada.

Một số điểm nổi bật mà Canada đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Trudeau như nền kinh tế tăng trưởng 3% trong năm 2017 hay chính sách thuế mới dành cho các gia đình nghèo. Năm 2018, một trong những nhiệm vụ khó khăn của Thủ tướng Trudeau là thuyết phục Tổng thống Trump duy trì Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull chụp ảnh cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khuôn khổ hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam. (Ảnh: ABC)
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull chụp ảnh cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khuôn khổ hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam. (Ảnh: ABC)

Thủ tướng Turnbull từng khiến dư luận xôn xao với cuộc điện đàm căng thẳng với Tổng thống Donald Trump khi ông Trump vừa nhậm chức. Khi đó, nhà lãnh đạo mới của Mỹ nói rằng đây là cuộc điện thoại chúc mừng tồi tệ nhất của ông.

Một điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ làm việc của Thủ tướng Turnbull năm 2017 là việc Australia chính thức cho phép hôn nhân đồng giới. Sang năm 2018, vấn đề mà Thủ tướng Turnbull phải đối mặt sẽ là nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Australia hiện nay vẫn còn yếu.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern

Nữ lãnh đạo trẻ nhất thế giới Jacinda Ardern (Ảnh: Odt.co.nz)
Nữ lãnh đạo trẻ nhất thế giới Jacinda Ardern (Ảnh: Odt.co.nz)

Sau cuộc bầu cử hồi tháng 9, bà Jacinda Ardern trở thành thủ tướng tiếp theo của New Zealand và là nữ nguyên thủ trẻ nhất thế giới ở tuổi 37. Bà được bầu để dẫn đầu một chính phủ liên minh dù đảng cánh tả của bà chỉ về vị trí thứ hai trong cuộc bỏ phiếu.

Một trong những thách thức lớn nhất của Thủ tướng Ardern trong năm 2018 là xây dựng chính phủ liên minh thực sự hiệu quả. Bà Ardern sẽ phải tìm cách phối hợp hài hòa giữa đảng Lao động tự do của bà với đảng Trước tiên cực hữu dân túy và đảng Xanh. Đây là điều không dễ dàng với một lãnh đạo trẻ tuổi như Thủ tướng Ardern.

Thành Đạt

Tổng hợp