1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những vui buồn của các lãnh đạo thế giới năm 2017 (phần 1)

(Dân trí) - Chính trường thế giới năm 2017 chào đón một số nhân tố mới với những chính sách mang đậm dấu ấn cá nhân, ngoài những gương mặt cũ. Tuy nhiên, không phải nhà lãnh đạo nào cũng trải qua một năm “thuận buồm xuôi gió”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, trở thành tổng thống trẻ nhất của Pháp kể từ thời Napoleon (Ảnh: AFP)
Ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, trở thành tổng thống trẻ nhất của Pháp kể từ thời Napoleon (Ảnh: AFP)

2017 được xem là năm của Tổng thống Macron. Xuất thân là cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp, ông Macron đã thực hiện một chiến dịch tranh cử “ngoạn mục” và giành chiến thắng trong sự ủng hộ của người dân Pháp. Mặc dù là gương mặt mới, song ông Macron cũng đã để lại nhiều dấu ấn trên chính trường thế giới trong năm nay.

Hàng loạt vấn đề chính trị tại Anh, Mỹ, Đức, cùng tầm nhìn tham vọng đã khiến Tổng thống Macron được nhắc đến không chỉ với tư cách là ông chủ Điện Elysee, mà còn là nhà lãnh đạo mới của thế giới tự do. 2018 dự kiến sẽ tiếp tục là một năm đầy hứa hẹn với Tổng thống Macron.

Thủ tướng Đức Angela Merkel

2017 cũng là một năm nhiều thử thách đối với Thủ tướng Merkel (Ảnh: Reuters)
2017 cũng là một năm nhiều thử thách đối với Thủ tướng Merkel (Ảnh: Reuters)

2017 là một năm khó khăn với Thủ tướng Merkel khi nhà lãnh đạo Đức vừa phải khôi phục mối quan hệ với Tổng thống Donald Trump, đồng thời ứng phó với cuộc bầu cử ở Đức trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy cánh hữu trỗi dậy mạnh mẽ. Tuy vậy, bà Merkel được cho là vẫn xây dựng mối quan hệ làm việc ổn thỏa với Tổng thống Trump.

Mặc dù bà Merkel giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9 và đắc cử thủ tướng nhiệm kỳ thứ 4, song đảng của bà đã mất hơn 1 triệu ủng hộ về tay đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức. Theo đó, những gì bà cần làm hiện nay là xây dựng một liên minh đủ mạnh để có thể giải quyết các thách thức đặt ra cho nước Đức trong năm 2018.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tổng thống Putin và Tổng thống Trump trò chuyện bên lề hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam (Ảnh: AP)
Tổng thống Putin và Tổng thống Trump trò chuyện bên lề hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam (Ảnh: AP)

Năm 2017, Tổng thống Putin vẫn là nhà lãnh đạo nhận được tỷ lệ ủng hộ đông đảo của người dân Nga tại quê nhà và ông được dự đoán sẽ tiếp tục đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 trong cuộc bầu cử Nga vào tháng 3 năm sau. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng phải đối mặt với một số vấn đề như nền kinh tế bị đình trệ hay lệnh cấm tham gia Olympic đối với các vận động viên Nga do vụ lùm xùm sử dụng doping.

2017 cũng là năm mối quan hệ giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Donald Trump không được tốt như kỳ vọng. Với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ, Washington đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt lên Moscow như trục xuất nhà ngoại giao hay đóng cửa lãnh sự quán.

Cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông đã giúp Tổng thống Putin ghi điểm trên trường quốc tế trong năm 2017, giúp củng cố mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo Nga và Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đảm bảo sự hiện diện quân sự của Nga trong khu vực và nâng cao vị thế của Moscow như một quốc gia bảo trợ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Đại hội đảng lần thứ 19 tiếp tục nâng cao vị thế của Chủ tịch Tập Cận Bình trên chính trường Trung Quốc (Ảnh: NYTimes)
Đại hội đảng lần thứ 19 tiếp tục nâng cao vị thế của Chủ tịch Tập Cận Bình trên chính trường Trung Quốc (Ảnh: NYTimes)

Đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, 2017 là một năm ghi dấu ấn tốt đẹp của ông. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khép lại thành công nhiệm kỳ đầu tiên và tiếp tục được bầu làm tổng bí thư kiêm chủ tịch nước và chủ tịch quân ủy trung ương tại đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19. Tại đại hội, “Tư tưởng Tập Cận Bình” đã được đưa vào điều lệ đảng, đánh dấu lần đầu tiên một lãnh đạo đương chức của Trung Quốc có hệ tư tưởng được ghi nhận và nêu tên chính thức trong điều lệ đảng kể từ thời cố lãnh đạo Mao Trạch Đông.

Quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục được củng cố khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc liên tục tăng lên. Bên cạnh đó, con đường đi lên vị trí siêu cường của nước này cũng ngày càng được mở rộng.

Tuy nhiên, ông Tập cũng phải đối mặt với không ít thách thức, như tình hình an ninh nguy hiểm tại Triều Tiên, mối quan hệ thương mại căng thẳng với Mỹ dưới thời Tổng thống Trump và nền kinh tế đang chững lại. Năm 2018, vấn đề Triều Tiên được cho là sẽ có ảnh hưởng nhiều nhất tới nhiệm kỳ lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vui mừng khi tên lửa rời bệ phóng thành công trong vụ thử ngày 4/7 (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vui mừng khi tên lửa rời bệ phóng thành công trong vụ thử ngày 4/7 (Ảnh: Reuters)

Ngày 1/1/2017, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên đang ở giai đoạn cuối cùng của tiến trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Ngay ngày hôm sau, Tổng thống Trump đã lên tiếng “phản pháo”, nói rằng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ đủ khả năng sở hữu một loại tên lửa như vậy. 11 tháng sau đó, với 16 vụ thử tên lửa và 1 vụ thử hạt nhân, ông Kim Jong-un đã “thách thức” Tổng thống Trump bằng vụ phóng tên lửa ICBM mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên.

Năm 2017, Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên không ngừng chỉ trích và dọa nạt nhau. Mỹ và cộng đồng quốc tế cũng áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép với Triều Tiên, buộc nước này phải từ bỏ chương trình vũ khí gây tranh cãi. 2018 dự đoán sẽ là một năm khó đoán trước với Triều Tiên khi nguy cơ xung đột ngày càng tăng cao và các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ có thể sẽ phát huy hiệu quả.

(Còn tiếp)

Thành Đạt

Tổng hợp