Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Trung Quốc "gây bất ổn" nếu lập ADIZ ở Biển Đông
(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo việc Trung Quốc được cho là có ý định lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông là “hành động khiêu khích và gây bất ổn”.
"Hành động khiêu khích và gây bất ổn"
Trả lời phỏng vấn báo giới hôm nay 5/6 nhân chuyến công du Mông Cổ, Ngoại trưởng Mỹ Kerry cho biết, Washington sẽ coi việc thiết lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông là “khiêu khích và gây bất ổn”.
Ông Kerry cho rằng, động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng và sẽ đặt ra hoài nghi về cam kết của Trung Quốc sẽ giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng các biện pháp ngoại giao. “Do vậy, chúng tôi hối thúc Trung Quốc không nên hành động đơn phương theo cách khiêu khích đó”, Ngoại trưởng Kerry nói.
Ông cũng khẳng định lại lập trường của Mỹ rằng không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông
Những bình luận trên được đưa ra ngay trước khi Ngoại trưởng Mỹ kết thúc chuyến thăm Mông Cổ và chuẩn bị thăm Trung Quốc. Một trong những vấn đề trong chương trình nghị sự của ông Kerry tới Trung Quốc là bàn về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng mới đây dẫn nguồn thạo tin nói rằng, Trung Quốc có thể sắp lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông như từng làm cách đây 2 năm ở biển Hoa Đông.
Một nguồn tin cho hay thời gian tuyên bố lập ADIZ như vậy sẽ còn phụ thuộc vào các điều kiện an ninh trong khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Mỹ cũng như quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng. “Nếu quân đội Mỹ tiếp tục thách thức chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh sẽ có cơ hội tốt để tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông”, nguồn tin nhấn mạnh.
Trong khi đó, báo Kanwa Defence Review của Canada nói rằng, Bắc Kinh đã xác định sẵn khu vực ADIZ ở Biển Đông, thời gian công bố sẽ chỉ còn là quyết định mang tính chính trị.
Tuy nhiên, Giáo sư chuyên nghiên cứu về Biển Đông tại Học viện quốc phòng Úc Carl Thayer cho rằng, trước mắt Trung Quốc sẽ không tuyên bố ADIZ ở Biển Đông. Theo ông Thayer, Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện của mình ở biển Đông nhưng không đảm bảo về mặt hậu cần và bảo trì, do đó không thể triển khai các trang thiết bị quân sự cần thiết trong một thời gian dài để thực thi ADIZ.
“Trung Quốc đã cho xây nhiều đường băng nhưng chưa thực sự có các kho nhiên liệu, không có gì cho việc bảo một tàu sân bay nếu ở lại đó trong thời gian dài”, Giáo sư Thayer nói. Theo ông, việc Trung Quốc “tung tin” ý định lập ADIZ thực chất chỉ là “đòn tâm lý để gây áp lực lên các quốc gia trong khu vực và kiềm giữ họ.
“Không sợ rắc rối”
Trước sức ép của Mỹ và các nước trong khu vực yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động gây căng thẳng ở Biển Đông, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, vẫn lớn tiếng tuyên bố “không sợ rắc rối”.
Phát biểu tại ngày họp cuối cùng của Diễn đàn an ninh Shangri-La trước hơn 600 đại biểu, ông Tôn rõ ràng đề cập đến Mỹ khi lớn tiếng nói rằng, các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông cho thấy sự phô trương sức mạnh quân sự và rằng Trung Quốc đang bị “cưỡng ép phải chấp nhận và tôn trọng” phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế về vụ kiện “đường lưỡi bò”.
Ông Tôn nói: “Chúng tôi không gây rắc rối, nhưng cũng không sợ rắc rối. Trước kia chúng tôi không bị cô lập, bây giờ và trong tương lai cũng vậy. Thực sự tôi lo ngại một số người, một số quốc gia vẫn nhìn nhận Trung Quốc với thái độ và định kiến Chiến tranh lạnh”. Ông này cho rằng, vấn đề Biển Đông đang trở nên quá nóng do sự "khiêu khích của một số nước nhất định vì lợi ích của riêng họ".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông - một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới và được cho là có trữ lượng tài nguyên lớn. Để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở đây, Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra tự do hàng hải, hàng không, hỗ trợ đồng minh nâng cao năng lực quốc phòng. Bất chấp Bắc Kinh lớn tiếng cảnh báo, Washington tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra này miễn là phù hợp với luật pháp quốc tế.
Minh Phương
Tổng hợp