Nga hành động bất ngờ khiến Mỹ đứng ngồi không yên?
Dù tuyên bố rút quân khỏi Syria nhưng Nga vẫn duy trì 2 căn cứ quân sự ở Syria và để ngỏ khả năng quay lại khiến Mỹ đứng ngồi không yên.
Quân đội Nga vẫn có thể trở lại Syria
Ngày 15/3, ông Bouthaina Shaaban, một cố vấn quân sự hàng đầu của Tổng thống Bashar Assad nói với kênh truyền hình Lebanon al-Mayadeen rằng, các lực lượng quân đội Nga vẫn có thể quay trở lại Syria bất cứ lúc nào và Mỹ nên tạo sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-Rập Saudi nhằm chấm dứt hỗ trợ cho phe đối lập.
“Những người bạn Nga rút một phần quân đội khỏi Syria, tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ không thể trở lại”, ông Bouthaina Shaaban khẳng định.
Trước đó, ngày 14/3, tại cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, những nhiệm vụ được đặt ra trước Bộ Quốc phòng, nhìn chung, đã được thực hiện. Vì vậy, tôi chỉ thị từ ngày mai (15/3) bắt đầu việc rút bộ phận chủ lực của quân đoàn chúng ta khỏi Cộng hòa Ả Rập Syria".
Ông Putin bày tỏ hy vọng việc bắt đầu rút quân đội Nga khỏi Syria sẽ là kích thích tốt đối với tiến trình đàm phán giữa các lực lượng chính trị ở Syria. Ông Putin cho biết thêm lực lượng quân đội ở lại Syria sẽ tham gia giám sát thỏa thuận ngừng bắn.
Sau tuyên bố đột ngột trên, đã có nhiều tin đồn về việc Nga chủ động rút quân nhằm ép chính quyền Assad phải linh hoạt hơn trong vấn đề ngoại giao và bỏ đi tư tưởng ỷ lại vào Moskva.
Tuy nhiên, ông Shaaban phủ nhận điều này và khẳng định rằng, Nga là đồng minh thân cận, luôn tôn trọng và không hề ép buộc Damascus bất cứ điều gì.
Theo ông Shaaban, các bước tiếp theo cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, đó là tìm cách thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia ngừng hỗ trợ cho các phiến quân đối lập về vũ khí và con người.
Nga khiến Mỹ đứng ngồi không yên?
Giới phân tích cho rằng với việc tuyên bố rút quân khỏi Syria, Nga đang chơi chiêu cao khiến Mỹ cũng như các nước phương Tây bối rối, ngập ngừng. Washington dường như đang đứng ngồi không yên vì không biết ý định thật sự của điện Kremlin trong hành động đầy bất ngờ lần này.
Hãng Reuters ngày 15/3 đã mô tả quyết định bất ngờ của ông chủ điện Kremlin là "gây sốc" cho dư luận quốc tế, trong lúc các cuộc đàm phán hòa bình cho Syria mới bắt đầu tại Geneva, Thụy Sĩ.
Trên thực tế, dù tuyên bố rút quân nhưng Nga vẫn duy trì 2 tiểu đoàn ở Syria, với tổng cộng 800 lính để bảo vệ 2 căn cứ quân cảng Tartus và căn cứ không quân Hmeymim ở Latakia của Syria. Ngoài ra, cũng có 200 nhân sự là lực lượng phi chiến đấu và hỗ trợ khác. Thậm chí, Moskva còn khẳng định tiếp tục thực hiện các chuyến bay do thám và lực lượng cố vấn cho quân đội Syria cũng sẽ được duy trì.
Trong một động thái có liên quan, ngày 15/3 Thứ trưởng Quốc phòng Nga Nikolai Pankov vẫn đưa ra tuyên bố nước đôi khi khẳng định lực lượng không quân Nga sẽ tiếp tục oanh kích chống khủng bố ở Syria.
Cùng ngày, Chánh văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov cho biết, nước này sẽ sử dụng các hệ thống phòng không tiên tiến để bảo vệ đội quân Nga còn lưu lại ở Syria sau khi một số lực lượng được rút khỏi quốc gia này.
“Chúng tôi sẽ duy trì khả năng bảo vệ hoàn toàn đáng tin cậy cho lực lượng được lưu lại (Syria). Để đảm bảo an ninh một cách hiệu quả, gồm cả từ trên không, công nghệ phòng không hiện đại nhất là cần thiết”, ông Ivanov khẳng định.
Trước những tuyên bố đầy ẩn ý của điện Kremlin, Tổng thống Mỹ Obama đã bắt buộc phải tiến hành một cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Putin.
Trong một tuyên bố phát đi hôm 15/3, Nhà Trắng đã nêu rõ: “Tổng thống Obama đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về tiến trình chấm dứt chiến sự trên toàn bộ lãnh thổ Syria giữa quân chính phủ Syria cùng các đồng minh của nó với lực lượng đối lập".
Theo đó, 2 nhà lãnh đạo Nga – Mỹ đã tiến hành thảo luận việc điện Kremlin tuyên bố rút bớt lực lượng khỏi Syria và bước tiếp theo để thực hiện thỏa thuận ngừng bắn tiến tới một giải pháp chính trị giải quyết xung đột.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng tiết lộ ông có kế hoạch thăm Moskva vào tuần tới để hội kiến với Tổng thống Putin nhằm thảo luận về cách thức thúc đẩy tình hình Syria.
“Chúng ta đã tới một giai đoạn quan trọng trong tiến trình hòa bình tại Syria. Đây là thời khắc cần nắm bắt chứ không thể bỏ lỡ”, ông Kerry nhấn mạnh.
Rõ ràng, với tuyên bố rút quân khỏi quốc gia Trung Đông được ví như một bước đi chiến thuật, Nga đang khiến Mỹ trở nên hoang mang cũng như khó có thể toàn tâm, toàn ý đối phó.
Theo Hòa Bình (Tổng hợp)
Đất Việt