1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

NATO đòi EU trừng phạt Nga: Điều khó ép

Các thành viên EU đang có những bước tiến mới trong quan hệ với Nga mặc kệ lời kêu gọi từ phía NATO duy trì trừng phạt Nga.

Reuters ngày 20/6 đưa tin, Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) cần duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, 1 ngày sau khi Ngoại trưởng Đức cho rằng các lệnh trừng phạt này cần được dỡ bỏ từng bước.

Trả lời phỏng vấn, ông Stoltenberg nêu rõ: "Đánh giá của tôi là không nên dỡ bỏ trừng phạt trước khi Nga thay đổi cách hành xử. Tôi tin rằng có một sự đồng thuận rộng rãi về vấn đề này trong nội bộ EU."

Chủ tịch NATO Jens Stoltenberg mong muốn EU gia hạn các lệnh trừng phạt Nga.
Chủ tịch NATO Jens Stoltenberg mong muốn EU gia hạn các lệnh trừng phạt Nga.

Trong khi đó, đối đáp lại thái độ này, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz vừa lên tiếng kêu gọi đã đến lúc Liên minh Châu Âu (EU) nên cân nhắc hàn gắn những rạn nứt với Nga.

Còn Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã lần đầu góp mặt tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Peterburg (SPIEF) sau biến cố Crimea.

Những động thái tương tự cũng diễn ra tại một số quốc gia EU, khiến không ít người lạc quan về khả năng "tan băng" trong quan hệ giữa hai bên trong tương lai.

Hôm 19/6, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier được dẫn lời nói rằng EU cần dần dần dỡ bỏ trừng phạt nếu có tiến triển trong tiến trình hòa bình và nếu Nga thể hiện rõ họ đang thực thi nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận hòa bình Minsk dành cho Ukraine.

Thông tin "rò rỉ" từ Sách Trắng quốc phòng Đức (phiên bản mới) coi "Nga là đối thủ" tiếp tục gây tranh cãi, trong khi số doanh nghiệp Đức ủng hộ nối lại quan hệ kinh tế với Nga đang ngày càng nhiều hơn. Điều này gây áp lực đáng kể lên Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel. Bản thân Đức cũng là nước có kim ngạch thương mại hàng đầu với Nga tại Châu Âu.

Mới đây nhất, Hy Lạp cũng đã "úp mở" việc sẽ phản đối gia hạn trừng phạt Moscow.

Italia, Síp và Hungary đã bày tỏ hoài nghi tác dụng của các biện pháp trừng phạt; đồng thời mong muốn xích lại gần Nga nhằm đối phó “kẻ thù chung” là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tin tưởng quan hệ Nga- EU.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tin tưởng quan hệ Nga- EU.

Trong khi đó, kể cả khi EU mong muốn “dứt tình” thì, việc tìm kiếm một thị trường tiêu thụ nông sản tiềm năng như Nga là không dễ dàng.

Quốc hội Pháp mới đây đã thông qua nghị quyết kêu gọi nội các phản đối gia hạn các biện pháp trừng phạt chống Nga. Lý do là cấm vận không những không thúc đẩy việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine mà còn trở thành gánh nặng lớn đối với Paris; đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng đối với kinh tế Pháp.

Sau những tổn thất kinh tế đáng kể do cấm vận, nhiều nước Châu Âu không còn đủ kiên nhẫn để đi xa hơn. Sự ủng hộ tái hợp tác với Nga ngày càng tăng tại một số quốc gia Châu Âu và là điều chẳng gây ngạc nhiên.

Chủ tịch EC J-C.Juncker từng công khai tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) lần thứ XX rằng “Chúng tôi - EU và Nga - sẽ cố gắng hiểu nhau và xích lại gần nhau hơn, ít nhất là về lĩnh vực kinh tế”.

Theo Đông Phong (Tổng hợp)

Đất Việt