1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ và đồng minh nóng mặt khi Triều Tiên thử tên lửa "trêu ngươi"

Trong phản ứng mới nhất đối với kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại thị trấn Seongju ở Hàn Quốc, sáng 3-8, CHDCND Triều Tiên đã bắn một quả tên lửa đạn đạo ra phía biển, từ bờ biển phía Đông của nước này. Ngay lập tức, các nước có liên quan đã lên tiếng phản ứng.

Trong một tuyên bố đưa ra sáng cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản đã kịch liệt phản đối vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên, cho đây là hành động bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) và vô cùng nghiêm trọng “xét góc độ an toàn đối với máy bay và tàu thuyền trên biển”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định: “Đây là một mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia của Nhật Bản khi tên lửa CHDCND Triều Tiên rơi xuống Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Tôi phản đối mạnh mẽ hành động này của CHDCND Triều Tiên, vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ. Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc và Mỹ để đối phó với mối đe dọa này”.

Phát biểu trước đó tại buổi họp báo ở thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nói rằng, tên lửa của CHDCND Triều Tiên đã bay xa khoảng 1.000km và dường như đã rơi xuống vùng biển trong EEZ của Nhật Bản, cách phía Tây bán đảo Oga thuộc tỉnh Akita 250km.

Ông Nakatani cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cùng lực lượng bảo vệ bờ biển đang xác định xem liệu vụ phóng tên lửa mới nhất trên có gây thiệt hại cho máy bay cũng như tàu thuyền hay không. Bộ trưởng Nakatani cũng chỉ thị Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) cảnh giác cao độ sau vụ phóng trên, theo đó nỗ lực thu thập thông tin và theo dõi sát sao tình hình.

Trong khi đó, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, vụ phóng diễn ra lúc 7h50 (giờ địa phương – 5h50 giờ Việt Nam) sáng 3-8 từ tỉnh Nam Hwanghae phía Tây Nam CHDCND Triều Tiên.

Cũng theo JCS, đây có thể là một tên lửa tầm trung Rodong, có tầm bắn ước tính lên tới 1.300km, như vậy tên lửa có thể vươn tới lãnh thổ Nhật Bản. Cũng giống như Nhật Bản, phía Hàn Quốc nhấn mạnh vụ phóng tên lửa này vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ.

Một quả tên lửa của CHDCND Triều Tiên rời bệ phóng. Ảnh: KCNA
Một quả tên lửa của CHDCND Triều Tiên rời bệ phóng. Ảnh: KCNA

Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Joon-hee nhấn mạnh: “Đây là một hành động gây lo ngại trên bán đảo Triều Tiên và cộng đồng quốc tế. Chúng tôi hy vọng CHDCND Triều Tiên dừng ngay lập tức việc phóng tên lửa, thúc đẩy các nỗ lực cải thiện cuộc sống người dân”.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se thì tuyên bố, hành động khiêu khích bằng tên lửa của CHDCND Triều Tiên càng cho thấy Seoul và Washington cần phải triển khai THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. Nhà ngoại giao hàng đầu của Hàn Quốc còn nói thêm rằng, CHDCND Triều Tiên luôn tiến hành thử tên lửa với nhiều lý do, đồng thời nhận định vụ thử tên lửa mới nhất có thể được tính toán để diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ sắp tiến hành cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi”, dự kiến bắt đầu vào giữa tháng này.

Không chỉ Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ cũng “kịch liệt lên án vụ việc này cũng như các vụ phóng thử khác của CHDCND Triều Tiên gần đây”, đồng thời khẳng định cam kết bảo vệ an ninh cho các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản trước các mối đe dọa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Anna Richey-Allen nhấn mạnh: “Mỹ sẵn sàng phối hợp với các đồng minh và đối tác trên thế giới đối phó với những hành động khiêu khích của Triều Tiên, cũng như bảo vệ chính nước Mỹ và các đồng minh trước bất kỳ vụ tấn công hoặc khiêu khích nào”.

Mỹ cũng đang có kế hoạch đưa vấn đề này lên HĐBA LHQ nhằm thúc đẩy quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc gây sức ép với Bình Nhưỡng. Bà Allen cũng kêu gọi CHDCND Triều Tiên kiềm chế các hành động làm gia tăng căng thẳng, tập trung vào các bước đi cụ thể thực hiện các cam kết của mình cũng như yêu cầu của cộng đồng quốc tế.

Cách đây hai tuần, CHDCND Triều Tiên cũng đã phóng 3 tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, được xác định là tên lửa Scud. Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên được tiến hành sau khi Mỹ thông báo triển khai THAAD tại thị trấn Seongju của Hàn Quốc.

Việc Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc không chỉ làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ với CHDCND Triều Tiên mà còn khiến Nga và Trung Quốc quan ngại. Moskva và Trung Quốc cho rằng, những động thái của Mỹ nhằm đơn phương phát triển hệ thống lá chắn tên lửa chiến lược và triển khai hệ thống này ở nhiều khu vực trên thế giới, gồm cả Đông Bắc Á, ảnh hưởng bất lợi tới sự cân bằng chiến lược của khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, Nga và Trung Quốc lo ngại hệ thống radar của THAAD có thể theo dõi được cả các hoạt động của hai nước này, mặc dù Mỹ và Hàn Quốc luôn tuyên bố rằng, mục đích của việc triển khai THAAD chỉ nhằm đối phó với CHDCND Triều Tiên. Bên cạnh đó, quyết định triển khai THAAD còn khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye giảm xuống ngay tại khu vực Đông Nam, nơi vốn được coi là hậu phương chính trị của bà.

Theo cuộc thăm dò do Research View thực hiện và công bố ngày 3-8, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Park Geun-hye tại tỉnh Bắc Gyeongsang, vốn luôn dành sự ủng hộ cho Tổng thống và đảng cầm quyền Saenuri (Thế giới mới), đã giảm 14,8% so với tháng trước, xuống mức 27,7%.

Đây là lần đầu tiên, tỷ lệ ủng hộ bà Park Geun-hye xuống dưới 30%. Còn tại tỉnh Nam Gyeongsang, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Park Geun-hye là 28,7%, trong khi những người không ủng hộ bà lại gần như gấp đôi là 56,8%. Quyết định triển khai THAAD đã khiến người dân tại khu vực Đông Nam xa lánh Tổng thống Park Geun-hye.

Theo Khổng Hà

Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm