1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật Bản nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa để đối phó Triều Tiên

(Dân trí) - Nhật Bản đang nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 của nước này bằng cách tăng thêm độ chính xác và phạm vi hoạt động để đánh chặn các tên lửa đạn đạo ngày càng hiện đại của Triều Tiên.

Các binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản triển khai các tên lửa PAC-3 tại Tokyo để ngăn chặn nguy cơ phóng tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Các binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản triển khai các tên lửa PAC-3 tại Tokyo để ngăn chặn nguy cơ phóng tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Truyền thông phương Tây dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Nhật Bản đang nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 của nước này để đánh chặn các tên lửa đạn đạo ngày càng hiện đại của Triều Tiên.

Đây được cho là chương trình nâng cấp mới nhất và tầm cỡ nhất của Nhật Bản trong vòng một thập kỷ qua, và là một phần trong kế hoạch tăng cường chi tiêu quân sự của Tokyo tại khu vực châu Á, nơi những căng thẳng về địa chính trị đang ngày càng có xu hướng gia tăng.

Theo các nguồn tin giấu tên, hệ thống phòng thủ tên lửa sau khi được nâng cấp có thể sẽ ra mắt vào năm tới, theo đó phạm vi hoạt động của các tên lửa mới này sẽ lên tới 30 km, gần gấp đôi phạm vi hoạt động của hệ thống tên lửa PAC-3 hiện tại (19 km).

Hệ thống PAC-3 được phát triển bởi hai tập đoàn là Lockheed Martin và Raytheon. Nhà thầu quốc phòng Nhật Bản Mitsubishi Heavy Industries (MHI) sẽ chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch nâng cấp này, các nguồn tin cho hay. Theo đó, MHI sẽ nâng cấp trước 12 dàn phóng PAC-3 trong năm đầu tiên, các dàn phóng còn lại sẽ được nâng cấp trong những tháng tiếp theo.

“Việc nâng cấp PAC-3 là cần thiết, để đối phó với tên lửa Musudan”, một nguồn tin tiết lộ. Musudan là tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên.

Triều Tiên hồi tháng 6 đã tiến hành phóng thử hai quả tên lửa Musudan. Lần phóng tên lửa đầu tiên được cho là thất bại, trong khi tên lửa thứ 2 đã bay được khoảng 400 km, tương đương một nửa chặng đường để một tên lửa Triều Tiên có thể vươn tới bờ biển Nhật Bản, sau đó rơi xuống biển. Các chuyên gia nhận định, vụ phóng thử này cho thấy sự tiến bộ về công nghệ của Bình Nhưỡng trong chương tình tên lửa của nước này.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết hiện vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra về việc nâng cấp hệ thống tên lửa PAC-3.

Nhật Bản cũng đang cân nhắc việc mua hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Hệ thống phòng thủ tên lửa này đã được Mỹ và Hàn Quốc nhất trí triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc hồi đầu tháng này, cũng với mục tiêu đối phó với mối đe dọa từ chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Thành Đạt

Tổng hợp