1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ triển khai “xoay trục” giai đoạn hai

Trước việc Trung Quốc gia cố sức mạnh quân sự ở Biển Đông, có dấu hiệu Mỹ bắt đầu mở rộng chính sách “xoay trục” tại châu Á sang giai đoạn mới.


Hải quân Mỹ triển khai tàu chiến mới LCS Independence (trái) và Coronado trên Thái Bình Dương cho chiến lược xoay trục sang châu Á.

Hải quân Mỹ triển khai tàu chiến mới LCS Independence (trái) và Coronado trên Thái Bình Dương cho chiến lược xoay trục sang châu Á.

Trung Quốc đang trên đường kiểm soát Biển Đông trên thực tế. Đó là điều mà người đứng đầu Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, thừa nhận trước Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ hôm 25/2 vừa rồi. Nhưng đó chỉ là một phần của vấn đề.

Áp đặt và mở rộng

Bằng việc thử nghiệm thành công đường băng trên đảo Chữ Thập, bố trí radar và các tổ hợp quân - dân sự ở Trường Sa, triển khai một số lượng lớn tên lửa tầm xa đất đối không và các tên lửa hành trình chống tàu rộng khắp ở Biển Đông, Trung Quốc đang tiến tới áp đặt kiểm soát các con đường biển và đường bay ngang qua các khu vực của vùng biển này.

Đến khi tiến trình này hoàn tất, dù có thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) hay không, Trung Quốc cũng vẫn sẽ đòi hỏi tàu và máy bay các nước đi qua Biển Đông phải “xin phép”, tuân theo luật lệ do Trung Quốc đặt ra, thực chất là thừa nhận quyền kiểm soát của Trung Quốc.

Từng bước từng bước một, với đại bản doanh ở Quảng Châu và căn cứ hải quân ở phía Nam của đảo Hải Nam, việc xây dựng đảo Phú Lâm xa hơn về phía Nam và từ phía Nam tới Trường Sa sẽ gia tăng sức mạnh viễn chinh của Trung Quốc.

Mục tiêu cuối cùng là mở rộng lãnh thổ Trung Quốc về phía Nam Biển Đông, thách thức trực tiếp các nước Đông Nam Á hải đảo, thay đổi tương quan lực lượng tại Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.

Các hành động của Trung Quốc tại Trường Sa và Hoàng Sa phụ thuộc rất ít vào động thái của các nước khác, kể cả Mỹ, ở Biển Đông. Chúng xuất phát từ những phác thảo chiến lược dài hạn, mỗi bước tiến được triển khai khi thời cơ chín muồi.

Điều chưa được đề cập nhiều là việc Trung Quốc đang mở rộng vùng đánh cá và khai thác hải sản sâu trong các vùng đặc quyền kinh tế của các nước tại Biển Đông. Các tàu hải giám hỗ trợ cho các tàu cá hoạt động. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang thiết lập hệ thống căn cứ trực thăng và điểm tiếp nhiên liệu rải khắp Biển Đông, khiến cho các loại trực thăng như loại Z-18F có thể tiếp cận được bất cứ vị trí nào trên biển trong vòng hai giờ.

Nhiều ngư dân Philippines cho biết, từ khi Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo ở Trường Sa, họ chỉ có thể đánh cá trong vòng 20km gần bờ, nơi chỉ có cá nhỏ. Tàu cá Trung Quốc đã áp sát đảo Lý Sơn của Việt Nam.

Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc sẽ từ Biển Đông tiến ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua hai eo biển Sunda và Lombok của Indonesia, tránh nút thắt Malacca. Hải quân Trung Quốc sẽ từng bước thách thức quyền chủ đạo của hải quân Mỹ.

Cho đến nay, Trung Quốc chưa phải trả bất kỳ giá nào. Mỹ vẫn mời Trung Quốc tham gia tập trận Hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC).

Thiếu lập trường chung, các nước ở Biển Đông không thể tác động đến cục diện chung, cũng như cán cân quyền lực ở khu vực. Chỉ có Mỹ với hệ thống đồng minh và căn cứ quân sự từ Đông Bắc Á xuống Nam Thái Bình Dương và hạm đội mạnh là có thể cân bằng lại Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc đụng đến dây thần kinh nhạy cảm của Mỹ. Tại khu vực Đông Nam Á/Biển Đông, Mỹ có thể làm gì?

Chuyển động mới, cách tiếp cận mới

Mỹ và Trung Quốc là các cường quốc quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương. Mà các cường quốc chỉ tin vào thực lực.

Có các dấu hiệu mới cho thấy Mỹ đang khởi động giai đoạn hai của chiến lược “xoay trục”. Giai đoạn một bắt đầu từ năm 2010 - khi Trung Quốc nêu với Mỹ đưa Biển Đông vào “lợi ích cốt lõi”, hoàn chỉnh triển khai chính sách xoay trục từ cuối năm 2011-2012.

Năm 2016 sẽ chứng kiến những nỗ lực của Mỹ chống lại việc Trung Quốc kiểm soát Biển Đông trên thực tế. Phản ứng của Mỹ trước các hành động của Trung Quốc vừa trên phương diện chiến thuật (tuần tra Biển Đông, hỗ trợ vụ kiện của Philippines, tập hợp lực lượng như Mỹ-ASEAN tại Sunnylands…) vừa trên phương diện chiến lược – triển khai, mở rộng “xoay trục”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố: “Chúng tôi không tìm cách kiềm chế Trung Quốc, nhưng cũng không muốn ai đó thống trị khu vực này và chắc chắn cũng không để cho bất kỳ ai đẩy Mỹ ra khỏi khu vực”. Ông Carter cho biết, Mỹ sẽ triển khai các thiết bị quân sự tối tân đến Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân nói rằng Mỹ sẽ dành một ngân sách đặc biệt, để “tập trung phát triển khả năng cho phép duy trì lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc”. Theo đó, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ “ưu tiên triển khai các năng lực hiện đại nhất cho khu vực Thái Bình Dương”, như đưa các chiến đấu cơ tân tiến F-35 và F-22.

Mỹ triển khai “xoay trục” giai đoạn hai - 2

Tại cuộc điều trần trước Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ, ngày 23/2, Đô đốc Harris tiết lộ ông sẽ đề nghị hải quân Mỹ cung cấp thêm các tàu ngầm tấn công tới châu Á, tăng cường hiện đại hóa thiết bị, đầu tư vào các phi đạn thế hệ mới để “đối phó với các đối thủ tiềm năng như Trung Quốc”.

Tuần này, Mỹ sẽ thảo luận với Hàn Quốc kế hoạch triển khai hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Hệ thống này có tầm bao quát tới 2.000 km, có thể phát hiện tên lửa Trung Quốc trên lục địa khiến phía Trung Quốc rất quan ngại. Trong tháng Hai năm nay, Mỹ đã khởi động kế hoạch xây dựng các căn cứ dự phòng nguy cơ một cuộc tấn công bằng tên lửa nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc. Theo báo National Interest ngày 26/2, Mỹ sẽ tận dụng lại các căn cứ dự phòng ở Thái Bình Dương để đề phòng trường hợp xấu nhất khi các căn cứ chính ở khu vực trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng tên lửa nếu xảy ra đối đầu với Trung Quốc. Tinian, một đảo nhỏ ở phía Tây Thái Bình Dương, đã được Không quân Mỹ chọn làm địa điểm dự phòng cho căn cứ Andersen, Guam vào ngày 10/2.

Về chiến thuật, Hải quân Mỹ, có sự tham gia ở thời điểm nào đó của Nhật Bản và Australia, sẽ thực hiện các hoạt động tuần tra tại các khu vực Biển Đông, cả trên không và trên biển. Các hoạt động này nhằm bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải, quyền qua lại tự do trên biển và trên không, kể cả tàu chiến và máy bay quân sự, mà không bị ngăn chặn hoặc quấy nhiễu, đồng thời, cũng thách thức những tuyên bố chủ quyền của các thực thể nhân tạo.

Đấu tranh pháp lý tiếp tục được chú trọng, theo đường hướng như được nêu trong Tuyên bố chung Sunnylands ngày 17/2: Các bên “cùng cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, bao gồm việc tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”.

Tòa trọng tài thường trực (PCA) La Haye sẽ đưa ra phán quyết đối với một số vấn đề quan trọng liên quan đến Biển Đông vào tháng 5/2016. Giới quan sát quốc tế dự đoán một số phán quyết của PCA sẽ tiếp thêm động lực cho cuộc đấu tranh ngoại giao và pháp lý về vấn đề Biển Đông, có lợi cho tập hợp lực lượng quốc tế.

Đồng thời, điều không tránh khỏi là Mỹ có thể sẽ sử dụng các cơ chế song phương với Trung Quốc về chính trị, ngoại giao và an ninh để xác định một số quy chế và quy tắc liên quan đến hoạt động ở Biển Đông.

Mỹ cũng sẽ tiếp tục gia cố các quan hệ đồng minh và đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Thượng nghị sĩ Jack Reed, một thành viên cao cấp trong buổi điều trần của Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ cho rằng: “Một trong những trụ cột trong chiến lược của Mỹ là bảo đảm an ninh, ổn định khu vực thông qua việc duy trì quan hệ chặt chẽ với các đối tác và đồng minh, từ hợp tác quốc phòng mới với Philippines, sự hiện diện hàng hải luân phiên tại Australia, cho tới mối quan hệ quốc phòng đang phát triển với Việt Nam. Đang có những tiến bộ đáng kể trong chính sách tái cân bằng của Mỹ tại châu Á. Chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy các mối quan hệ đối tác này và chứng tỏ cam kết với khu vực bằng việc đầu tư hữu hiệu cho các chương trình tăng cường hiện diện và khả năng của Mỹ tại đây”.

Trả lời câu hỏi của Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân lực, về việc thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt, có nên dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam hay không, Đô đốc Harris nói: “Tôi nghĩ đây là cơ hội chiến lược quan trọng cho Mỹ và tôi cho rằng người dân Việt Nam sẽ hoan nghênh cơ hội làm việc gần gũi hơn với Mỹ như là một đối tác an ninh mà họ chọn lựa... Tôi nghĩ rằng chúng ta nên cải thiện quan hệ với Việt Nam”.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông năm 2016 có những chuyển động mới, kịch tính, theo hướng thuận nghịch, Việt Nam cần có cách tiếp cận mới chủ động và tích cực.