1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ đau đầu giải bài toán điệp viên ngầm của Nga

(Dân trí) - Giới chức Mỹ cho rằng việc trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga cũng không thể giúp Washington kiểm soát toàn bộ mạng lưới điệp viên của Moscow vốn hoạt động ngầm dưới nhiều vỏ bọc.

Các nhân viên FBI của Mỹ (Ảnh: Reuters)
Các nhân viên FBI của Mỹ (Ảnh: Reuters)

Chính quyền Mỹ hồi đầu tuần tuyên bố sẽ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga, trong đó có 12 người thuộc phái đoàn tại Liên Hợp Quốc, đồng thời đóng cửa lãnh sự quán Nga tại Seattle để đáp trả Moscow sau vụ cựu điệp viên Nga nghi bị đầu độc bằng chất độc thần kinh tại Anh hôm 4/3. Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ ước tính có hơn 100 điệp viên Nga hoạt động dưới vỏ bọc là các nhà ngoại giao tại Mỹ trước khi Nhà Trắng công bố lệnh trục xuất. Tuy nhiên một quan chức kỳ cựu khác của Mỹ khẳng định, chính quyền Washington cố tình giấu bớt số điệp viên Nga trên thực tế để không làm lộ số lượng nhân viên tình báo Nga đang bị Mỹ theo dõi.

“Con số thực tế thường xuyên thay đổi. Trung bình phải hơn 150 người”, quan chức Mỹ cho biết.

Các quan chức đương nhiệm và về hưu của chính phủ Mỹ cho rằng quyết định trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga gần đây cũng không thể gây thiệt hại cho mạng lưới điệp viên của Moscow tại Mỹ, vì các nhà ngoại giao còn lại có thể chính là các điệp viên đang hoạt động ẩn mình tại các công ty, trường học, thậm chí ngay trong chính phủ Mỹ. Các cơ quan tình báo Nga hiện vẫn sử dụng vỏ bọc là các đại sứ quán và lãnh sự quán để che giấu hoạt động của các điệp viên ngầm. Đây cũng là cách được Mỹ sử dụng tại nước ngoài.

Tuy nhiên, ngoài cách làm truyền thống trên, các cơ quan tình báo Nga cũng triển khai nhiều biện pháp khác như tuyển người nhập cư Nga làm điệp viên, thành lập các công ty bình phong, cử các điệp viên đóng vai khách du lịch ngắn hạn tới Mỹ, thậm chí tuyển mộ chính người Mỹ và xâm nhập vào mạng lưới máy tính để đánh cắp thông tin.

“Nga trước đây chỉ có một cách để làm. Còn bây giờ, đến thời ông Putin, họ có cả nghìn cách”, một quan chức Mỹ nói, đề cập tới Tổng thống Vladimir Putin - một cựu tình báo Liên Xô.

Nga hiện duy trì 242 cơ sở ngoại giao trên toàn thế giới với 143 đại sứ quán, 87 lãnh sự quán và 12 phái đoàn ngoại giao. Mạng lưới ngoại giao của Nga hiện “phủ sóng” tại 145 quốc gia. Hiện chưa có con số thống kê chính xác song số nhà ngoại giao của Nga ở nước ngoài ước tính khoảng vài nghìn người. Con số này chưa bao gồm các đặc vụ tình báo ngầm hoặc những nhân viên không được khai báo làm việc bên ngoài các đại sứ quán và lãnh sự quán.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) luôn theo dõi các hoạt động di chuyển và giám sát quá trình liên lạc giữa các điệp viên khả nghi của Nga. Tuy nhiên, sự hiện diện ngày càng tăng của các điệp viên Nga cùng sự phát triển của các hình thức thông tin liên lạc được mã hóa đã đặt ra không ít khó khăn cho lực lượng phản gián của FBI.

“Công việc bây giờ phức tạp hơn rất nhiều. Sự phức tạp bắt nguồn từ chính những công nghệ được sử dụng”, một quan chức Mỹ nói với Reuters khi được hỏi rằng liệu điệp viên Nga có phải là một mục tiêu ngày càng khó với Mỹ hay không.

Trong khi Cơ Quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) có nhiệm vụ theo dõi các điệp viên nước ngoài bên ngoài lãnh thổ Mỹ và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ giám sát các liên lạc quốc tế, FBI chủ yếu chịu trách nhiệm “bắt bài” các điệp viên nước ngoài ngay trên đất Mỹ.

“Chúng tôi có bộ máy phản gián rất, rất tốt. Rất nhiều người ở FBI có nhiệm vụ theo dõi các điệp viên nước ngoài và họ đang làm rất tốt công việc này”, Robert Litt, cựu cố vấn cho Giám Đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, cho biết.

Bài toán khó của Mỹ

Các nhà ngoại giao Nga và người thân rời Đại sứ quán tại London sau lệnh trục xuất của Anh (Ảnh: AFP)
Các nhà ngoại giao Nga và người thân rời Đại sứ quán tại London sau lệnh trục xuất của Anh (Ảnh: AFP)

Theo một quan chức Mỹ, cần ít nhất 10 nhân viên FBI được huấn luyện bài bản và các sĩ quan hành pháp địa phương để theo dõi một điệp viên nước ngoài chuyên nghiệp suốt 24 giờ. Lực lượng này có nhiệm vụ kiểm soát các lối ra vào các tòa nhà cũng như các thang máy, liên tục để mắt tới sự thay đổi về trang phục, xe cộ, thậm chí cả màu tóc của các điệp viên ngầm.

Một cựu sĩ quan tình báo Mỹ cho biết chiến thuật được Nga sử dụng là cử nhiều nhân viên ngoại giao tới một cơ sở ngoại giao ở nước ngoài cùng một lúc, nhưng trong đó chỉ có 1 hoặc 2 sĩ quan tình báo. Điều này khiến FBI gặp khó khăn hơn trong việc quyết định sẽ theo dõi ai.

Theo các quan chức Mỹ, một mục tiêu mà mạng lưới điệp viên Nga từng nhắm tới là tập đoàn Microsoft ở Seattle. Moscow được cho là có ý định tuyển mộ các lập trình viên làm việc tại Microsoft vì các sản phẩm của tập đoàn công nghệ này được sử dụng trên rất nhiều ứng dụng. Tuy nhiên, Microsoft chưa xác nhận thông tin này.

Năm 2010, Alexey Karetnikov, một điệp viên 23 tuổi của Nga từng làm công việc thử nghiệm mã máy tính tại trụ sở của Microsoft ở Richmond, đã bị một thẩm phán về nhập cư của Mỹ trục xuất.

“Chúng tôi nhận thấy có sự gia tăng trong các hoạt động tình báo và gián điệp của Nga tại Mỹ và các nước châu Âu”, Heather Conley, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định.

Theo Michael Rochford, cựu lãnh đạo về hoạt động gián điệp tại FBI, việc Mỹ trục xuất hàng loạt điệp viên hoạt động dưới vỏ bọc các nhà ngoại giao Nga sẽ ảnh hưởng tới hoạt động an ninh của Moscow và tác động tới tâm lý của phái đoàn ngoại giao Nga. Ông Rochford cho biết sau các vụ trục xuất trước đây, các gián điệp Nga thường chuyển giao hoạt động sang các sĩ quan vẫn đang ẩn mình phía sau hoặc các điệp viên “bất hợp pháp” - những người không có mối liên hệ rõ ràng với chính phủ Nga.

Theo ông Rochford, nguy cơ đặt ra với Mỹ bây giờ là khi Nga thay thế các nhà ngoại giao bị trục xuất bằng các nhân sự mới, Mỹ sẽ không thể biết các điệp viên mới của Moscow là ai.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm